6.000 trẻ di cư 'bốc hơi' đi đâu?
(Baonghean.vn) - Khoảng 6.000 trẻ em di cư bị mất tích tại Đức. Hầu hết trong số đó có thể vừa tiếp tục hành trình của chúng, nhưng những đứa trẻ còn lại thì sao? Các tổ chức bảo vệ trẻ em cần phải tăng cường hỗ trợ cho những mảnh đời này.
Ảnh minh họa. Nguồn: dpa. |
Con số vừa được công bố gây chấn động khắp nơi: Chỉ riêng năm ngoái, 5.835 trẻ bị thông báo mất tích tại Đức. Bộ Nội vụ Đức đã đưa ra con số trên khi được Quốc hội hỏi. Trong số này, có 555 trẻ chưa đầy 14 tuổi. Thông báo của Bộ Nội vụ cho biết: “Những đứa trẻ không có người lớn đi kèm bị mất tích chủ yếu đến từ Afghanistan, Syria, Eritrea, Morocco và Algeria”.
Nhưng những đứa trẻ đã bốc hơi đi đâu? Chính phủ không trả lời được. Barbara Kuppers, chuyên gia về quyền trẻ em của tổ chức Terre des Hommes chỉ trích: “Thật bê bối khi Bộ Nội vụ không thể đưa ra lý do nào. Những đứa trẻ này đang ở đâu?”
Kuppers giả định, hầu hết thanh thiếu niên và trẻ em có khả năng đơn thuần là tiếp tục cuộc hành trình đến các nước như Thụy Điển hay Đan Mạch. Ngay cả trong lãnh thổ Đức, một số có thể tìm đến gia đình họ hàng sống ở thành phố, nơi những đứa trẻ không được đăng ký tạm trú.
Tuy nhiên, nhiều trẻ biến mất do trở thành nạn nhân của tội ác. Kuppers khẳng định: “Chúng tôi đã chứng kiến nhiều vụ việc thể chế phúc lợi trẻ em đột nhiên phải đối mặt với bọn buôn người đang vòi tiền lũ trẻ”. Hậu quả là, bọn trẻ không tin tưởng một ai và lẩn trốn để kiếm tiền, thậm chí dính dáng đến hoạt động mại dâm đường phố. Kuppers nói không rõ bao nhiêu trường hợp tương tự đang tồn tại.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ DW, Văn phòng Hình sự Liên bang Đức nhấn mạnh: “Hiện chưa có bằng chứng xác đáng cho thấy trẻ em di cư mất tích hồi đầu năm đã rơi vào tay bọn tội phạm”.
Người phát ngôn cơ quan này khẳng định những đứa trẻ không có người lớn đi kèm thường rời các trung tâm tiếp nhận để tìm người quen hoặc họ hàng. Nhiều trong số đó cũng đã được đăng ký nhiều lần bởi đi lại không mang theo giấy tờ hay tên có nhiều cách phát âm.
Bà nói: “Khi trẻ em hoặc thanh thiếu niên đến nơi an toàn, giới chức Đức hiếm khi nhận được thông tin, do đó danh sách không được xóa bớt”.
Ảnh minh họa. Nguồn: dpa. |
Văn phòng Cảnh sát Hình sự bang Bắc Rhine-Westphalia cũng có chung quan điểm. Hiện chưa có thông tin đáng tin cậy nào về những đứa trẻ trở thành nạn nhân của băng nhóm tội phạm hoặc buôn người. Người phát ngôn cơ quan này nói rằng các gia đình thường phân tán khi chạy trốn tới châu Âu và sau đó đứa trẻ phải tự mình tìm tới nơi ở của họ hàng. Tìm kiếm một đứa trẻ mất tích thường gặp nhiều khó khăn, do cũng không có nhiều thông tin và manh mối tại Đức.
Sự biến mất đột ngột của những đứa trẻ di cư không phải vấn đề của riêng Đức. Đầu năm nay, người đứng đầu cơ quan cảnh sát châu Âu Europol Brian Donald thừa nhận trên tờ báo Anh Observer rằng hàng nghìn người di cư chưa trưởng thành tại các nước châu Âu đã được đăng ký nhưng sau đó biến mất không để lại vết tích. Ước tính của phe bảo thủ tiết lộ có 10.000 trẻ bị mất tích.
Ông Donald đưa ra một kết luận khác với cảnh sát Đức. Ông cảnh báo một số trẻ mất tích có thể đã trở thành con mồi của tội phạm. Europol có bằng chứng cho thấy một bộ phận trẻ em và người trưởng thành đã bị lạm dụng tình dục trong những chuyến hành trình. Cơ cấu tội phạm hưởng lợi từ dòng người di cư cũng đang phát triển.
Cuối tháng 3, một số thành viên Quốc hội châu Âu chỉ rõ các băng nhóm liên châu Âu có thể đang lạm dụng trẻ em di cư mất tích. Những đứa trẻ có thể là nạn nhân của bạo lực tình dục, bóc lột lao động hoặc buôn bán nội tạng. Chẳng ai biết được bao nhiêu trẻ di cư tại châu Âu đã tiếp tục được hành trình, còn bao nhiêu bị lạm dụng hoặc bị ép làm nô lệ.
Điều này cần phải thay đổi, như bà Barbara Kuppers nói: “Giới chính khách vẫn chưa thức tỉnh”. Cách dễ nhất đó là phải tiếp nhận những đứa trẻ di cư không có người lớn đi kèm ngay tại biên giới bên ngoài EU và hỗ trợ cho chuyến đi của chúng an toàn đến được nơi chúng muốn. Bởi chỉ có vậy, thì “trong phạm vi hàng nghìn km, chúng mới không gặp nguy hiểm hoặc rơi vào tay những kẻ buôn người hay bóc lột”.
Phú Bình
(Theo DW)
TIN LIÊN QUAN |
---|