6 lý do Tổng thống Putin chọn Trung Quốc là nơi công du đầu tiên sau khi nhậm chức lần thứ 5

Mỹ Nga 17/05/2024 13:14

(Baonghean.vn) - Tiến sĩ, chuyên gia Andrei Kortunov - Chủ tịch Hội đồng Học thuật của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, chỉ ra 6 lý do đặc biệt khiến Tổng thống Vladimir Putin có chuyến công du Trung Quốc ngay sau khi nhậm chức lần thứ 5, trong 2 ngày (16-17/5). 

Chuyên gia Kortunov nhận định, cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Tập Cận Bình sẽ trở thành một sự kiện quan trọng, thậm chí “có một không hai” trong đời sống quốc tế.

Chuyến thăm đáp lễ

Tháng 3/2023, ngay sau khi tái đắc cử Chủ tịch nước lần thứ 3, ông Tập Cận Bình cũng đã lựa chọn Nga là điểm đến trong chuyến công du đầu tiên.

Và bây giờ, Tổng thống Putin, người vừa tái đắc cử hồi tháng 3/2024 vừa qua, đã đáp lại tình hữu nghị của “người bạn” và đối tác lâu năm của mình bằng cách đến Trung Quốc, trước khi thực hiện các chuyến công du tới Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Triều Tiên.

Quyết định này mang ý nghĩa biểu tượng, nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Nga.

Ảnh Kremlin.ru
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Kremlin.ru

Phát triển quan hệ kinh tế

Năm 2023 đánh dấu một năm thành công đối với hợp tác kinh tế Nga-Trung: Kim ngạch thương mại song phương đạt 240 tỷ USD – mức kỷ lục trong lịch sử. Tuy nhiên, các nước hàng đầu của phương Tây kiên quyết ít nhất là làm chậm lại xu hướng hợp tác này. Do vậy, phương Tây gia tăng gây áp lực kinh tế và chính trị đối với Bắc Kinh trong 6 tháng qua. Điều này khiến khu vực tư nhân của Trung Quốc ngày càng lo ngại về tác động tiêu cực có thể xảy ra dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt thứ cấp.

Sau khi Liên minh châu Âu áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ 12 đối với Nga vào tháng 12/2023, một số ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc đã trở nên miễn cưỡng chấp nhận thanh toán bằng USD với Nga. Điều này ảnh hưởng đến động lực của thương mại song phương Nga-Trung, sau 2 năm duy trì sự tăng trưởng ổn định. Tháng 3/2024, ghi nhận mức giảm 2%. Đồng thời, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga trong tháng 3 giảm 14% so với cùng kỳ năm 2023 (từ 8,9 tỷ xuống 7,6 tỷ USD), trong khi xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc tiếp tục tăng và đạt 12 tỷ USD.

Kết quả thương mại song phương trong tháng 4/2024 cũng trái chiều: Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã phục hồi một phần trong tháng 3, tăng lên 8,3 tỷ USD, nhưng nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga đã giảm xuống còn 11,4 tỷ USD.

Chuyến đi gần đây nhất của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Trung Quốc vào tháng 4/2024 một lần nữa khẳng định rằng, Washington sẽ tiếp tục làm phức tạp quan hệ kinh tế Nga-Trung càng nhiều càng tốt.

Vậy nên, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phải tập trung vào việc làm thế nào để ngăn chặn những nỗ lực đó của Mỹ và đảm bảo rằng, kim ngạch thương mại song phương thực sự lên tới 280–290 tỷ USD vào cuối năm 2024, như kế hoạch đề ra trước đó.

Các hội nghị thượng đỉnh có xu hướng đóng vai trò là chất xúc tác mạnh mẽ cho thương mại và đầu tư song phương.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ đón chính thức trước Đại lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 16 tháng 5
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ đón chính thức trước Đại lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh ngày 16/5. Ảnh: AFP

Ứng phó với các vấn đề toàn cầu

Nhiều người kỳ vọng rằng, năm 2024 sẽ là một bước ngoặt trong nền chính trị thế giới - chuyển từ trạng thái xung đột và đối đầu, sang hòa giải và hợp tác, đã tỏ ra thất vọng. Thế giới trong năm 2024 bước vào một năm đầy kịch tính hơn nữa, với nhiều sự kiện bi thảm xảy ra đồng thời ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Xung đột Nga-Ukraine và Israel-Palestine tiếp tục diễn ra; lực lượng Houthi của Yemen tiếp tục tấn công các tàu quân sự và thương mại ở Biển Đỏ; tình hình ở Sahel và Sudan vẫn bất ổn; không có tiến triển nào đạt được trong vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân; chi tiêu quốc phòng và buôn bán vũ khí toàn cầu vào năm 2024 đạt mức cao lịch sử.

Mặt khác, năm 2024 cũng mở ra một số cơ hội mà cả Nga và Trung Quốc không thể bỏ qua. Đây là một năm để BRICS tiếp nối một cách hợp lý về sự mở rộng gần đây của khối, tăng gấp đôi số lượng thành viên, và đưa ra các hình thức hợp tác mới. Đáng chú ý, năm 2024 Nga đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên, và đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tiếp theo tại Kazan vào mùa Thu.

Ngoài ra, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cũng có thể bắt đầu chuyển đổi bằng cách chấp nhận Belarus là thành viên, và tổ chức này tìm kiếm các cơ hội hợp tác đa phương mới.

Các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc sẽ phải thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng trên thế giới, và phối hợp hành động để ứng phó với những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra.

Capture.JPG
Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc tham dự một buổi tiệc trà. Ảnh: Sputnik

Xung đột với phương Tây

Mối quan hệ căng thẳng với phương Tây cũng là chủ đề thảo luận trọng tâm giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Chỉ vài ngày trước cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trở về sau chuyến công du châu Âu tới Pháp, Hungary và Serbia. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới châu Âu trong 5 năm qua, song cũng giúp ông Tập Cận Bình đưa ra đánh giá một cách thực chất về những quan điểm khác nhau ở các nước châu Âu về triển vọng phát triển quan hệ với cả Trung Quốc và Nga.

Theo chuyên gia Kortunov, 2 nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc không hoàn toàn đối lập, song có quan điểm hơi khác biệt về châu Âu hiện đại và vai trò của khu vực này trong nền chính trị thế giới. Tổng thống Putin vẫn hết sức hoài nghi về “quyền tự chủ chiến lược” của các nước châu Âu trước Mỹ, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng rằng, Bắc Kinh sẽ hợp tác với các cường quốc châu Âu, cũng như toàn bộ Liên minh châu Âu, ngay cả khi quan hệ Mỹ-Trung xấu đi.

Nga đã buộc phải vượt qua ranh giới đỏ trong quan hệ với châu Âu, trong khi Trung Quốc vẫn ở trong khu vực bất ổn chiến lược.

Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với EU lên tới 782,9 tỷ USD vào năm 2023, trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang EU vượt quá 500 tỷ USD và nhập khẩu từ EU lên tới 281,7 tỷ USD.

Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới cũng là vấn đề quan trọng trong cuộc thảo luận giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi tài liệu song phương trong cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 16/5.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi tài liệu song phương trong cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 16/5. Ảnh: Sputnik

Trật tự thế giới mới

Chuyên gia Kortunov cho rằng, một trong những nhiệm vụ chính của cả Nga và Trung Quốc là làm thế nào để tìm ra những lợi ích chung trên toàn cầu, trong một thế giới đầy biến động và khó lường – nơi quỹ đạo phát triển của từng quốc gia không những khó trùng khớp, mà ngày càng khác biệt.

Quan điểm của Nga và Trung Quốc về việc tái cơ cấu hệ thống quốc tế khá gần gũi ở các khía cạnh cơ bản. Do đó, điều quan trọng là phải thảo luận cả quan điểm tương đồng và khác biệt giữa các thành phần chính của trật tự thế giới mới nổi.

Tăng cường quan hệ đối ngoại nhân dân

Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nga và Trung Quốc. Đây không chỉ là cơ hội tốt để tổ chức chuỗi hoạt động, sự kiện văn hóa, triển lãm, hội thảo trao đổi kinh doanh, thu hút đầu tư, hội nghị khoa học, mà còn thúc đẩy việc mở rộng giao lưu nhân dân giữa 2 nước.

Đặc biệt, lãnh đạo 2 nước có thể sẽ đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng quan hệ song phương trong các lĩnh vực giáo dục đại học và khoa học, du lịch và tương tác xuyên biên giới.

Ông Kortunov kỳ vọng, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được bước đột phá trong quá trình miễn thị thực giữa 2 nước láng giềng. Hiện Trung Quốc đã miễn thị thực cho công dân của 12 quốc gia: Áo, Bỉ, Hungary, Đức, Ireland, Tây Ban Nha, Italy, Luxembourg, Malaysia, Hà Lan, Pháp và Thụy Sỹ.

phái đoàn nga trung thảo luận. tass
Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc, cùng giới quan chức cấp cao thảo luận tại Bắc Kinh. Ảnh: TASS

Theo ông Kortunov, nhiều cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ diễn ra ở hậu trường. Kết quả cụ thể của cuộc đàm phán Nga-Trung có thể không được công bố tất cả, ngay sau khi kết thúc. Tuy nhiên, lãnh đạo 2 nước có thể đưa ra một tuyên bố chính trị hoặc tuyên bố chung phản ánh các lĩnh vực đồng thuận và danh sách các ưu tiên chung của hai nước.

Khi văn kiện này được công bố rộng rãi, nó chắc chắn sẽ trở thành chủ đề được đọc kỹ nhất đối với những ai muốn biết về động lực hiện tại và triển vọng phát triển quan hệ Nga-Trung.

Thực tế là, một cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo, ngay cả khi đó là Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình, khó có thể đảo ngược tất cả các xu hướng tiêu cực trong phát triển toàn cầu. Vậy nên, theo chuyên gia Kortunov, không nên mong đợi điều kỳ diệu từ cuộc gặp gỡ này. Quan hệ song phương ổn định và hiệu quả giữa Nga và Trung Quốc không thể được coi là sự thay thế cho các định dạng đa phương mang tính đột phá hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia Kortunov nhận định, không thể phủ nhận rằng, mối quan hệ cá nhân bền chặt giữa Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đóng vai trò là nhân tố quan trọng, góp phần vào sự ổn định chung của thế giới đầy bất ổn như hiện nay./.

Theo Theo Russian Council
Copy Link

Mới nhất

x
6 lý do Tổng thống Putin chọn Trung Quốc là nơi công du đầu tiên sau khi nhậm chức lần thứ 5
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO