8 bí kíp đơn giản giúp bảo vệ điện thoại thông minh khỏi tin tặc
Điện thoại thông minh đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người, chứa đựng vô số thông tin cá nhân quan trọng. Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi là những rủi ro về an ninh mạng. Tin tặc ngày càng tinh vi, luôn tìm cách xâm nhập và đánh cắp dữ liệu từ điện thoại của bạn.
Bị tin tặc tấn công điện thoại không khác nào một cơn ác mộng tồi tệ. Hãy tưởng tượng, chỉ trong tích tắc, tin tặc có thể thâm nhập vào mọi ngóc ngách đời sống số của bạn, từ mạng xã hội, email, tài khoản mua sắm đến những thông tin nhạy cảm như ngân hàng.
Hậu quả là một chuỗi ngày dài "đau đầu" với việc thay đổi mật khẩu, khóa thẻ tín dụng, liên hệ ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ, cùng nỗi lo lắng khôn nguôi về những thiệt hại khó lường.

Thay vì chờ đợi "nước đến chân mới nhảy", hãy chủ động xây dựng "phòng tuyến" vững chắc cho chiếc điện thoại của bạn. Đừng để đến khi mất bò mới lo làm chuồng, hãy hành động ngay hôm nay để bảo vệ quyền riêng tư và an toàn dữ liệu.
Bài viết này sẽ "bật mí" 8 "bí kíp" đơn giản nhưng hiệu quả, giúp bạn "miễn nhiễm" trước những đòn tấn công tinh vi của tin tặc.
1. Sử dụng khóa bằng mật mã hoặc nhận diện khuôn mặt hay vân tay
Khi nghĩ đến việc bị tin tặc tấn công, nhiều người hình dung cảnh một hacker ngồi ở đâu đó xa xôi, gõ một loạt mã phức tạp để xâm nhập vào thiết bị của họ. Điều này đôi khi đúng, nhưng thực tế thường đơn giản và ít kịch tính hơn nhiều.
Tấn công mạng đơn giản là khi ai đó có quyền truy cập trái phép vào dữ liệu trên thiết bị của bạn. Nếu ai đó cầm được điện thoại của bạn và truy cập dữ liệu mà không có sự cho phép, về bản chất, bạn đã bị tấn công.

Lớp phòng thủ đầu tiên cho thiết bị di động của bạn chính là mật mã, nhận diện khuôn mặt hoặc cảm biến vân tay.
Dù không có công nghệ nào bảo mật tuyệt đối 100%, nhưng bật khóa màn hình hoặc phương thức xác thực sẽ ngăn chặn phần lớn những người có ý đồ xấu nếu họ vô tình (hoặc cố ý) có được điện thoại của bạn.
Việc đặt mật khẩu có thể hơi bất tiện, nhưng nó chẳng đáng là gì so với rắc rối khi bị tin tặc tấn công.
2. Thường xuyên sao lưu điện thoại
Sao lưu điện thoại thường xuyên là một thói quen quan trọng với nhiều lợi ích. Ngay cả khi bạn không làm mất hay bị trộm điện thoại, một bản sao lưu đầy đủ sẽ giúp bạn chuyển đổi sang thiết bị mới dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Trong trường hợp xấu nhất, điện thoại bị mất hoặc đánh cắp, bạn có thể xóa dữ liệu từ xa mà vẫn yên tâm rằng, tất cả thông tin quan trọng của mình vẫn được bảo toàn.
Hãy nhớ rằng, nếu bạn không có ít nhất 3 bản sao của dữ liệu, thì thực tế, dữ liệu đó chưa thực sự an toàn.
3. Không lưu trữ mật khẩu hoặc các thông tin nhạy cảm trên điện thoại
Tốt nhất, bạn không nên lưu trữ mật khẩu hay thông tin nhạy cảm như chi tiết thẻ tín dụng hoặc dữ liệu cá nhân trực tiếp trên điện thoại.
Nếu thiết bị bị tấn công và kẻ tấn công truy cập được những thông tin này, hậu quả có thể nghiêm trọng. Tin tặc có thể lấy được những thông tin nhạy cảm của bạn hoặc thậm chí rút sạch tài khoản ngân hàng.
Nếu cần lưu trữ mật khẩu trên điện thoại, hãy sử dụng một trình quản lý mật khẩu đáng tin cậy. Ngay cả khi ngân sách eo hẹp, bạn vẫn có thể tìm được các tùy chọn miễn phí.
Trình quản lý mật khẩu hoạt động bằng cách yêu cầu một mật khẩu chính để mở khóa tất cả thông tin đăng nhập của bạn, vì vậy hãy tạo một mật khẩu thật mạnh nhưng dễ nhớ. Quan trọng nhất, đừng bao giờ lưu trữ mật khẩu chính đó trên điện thoại của bạn.
4. Chỉ tải xuống các ứng dụng từ cửa hàng ứng dụng chính thức
Điều này đặc biệt quan trọng đối với người dùng Android, vì quy trình kiểm duyệt ứng dụng của Apple nghiêm ngặt hơn nhiều so với Google.
Hơn nữa, Android cho phép cài đặt ứng dụng từ bên thứ ba, điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ tải xuống các ứng dụng độc hại cao hơn.

Ảnh: Internet.
Bên cạnh đó, hãy cẩn trọng với các quyền mà bạn cấp cho ứng dụng. Nhiều ứng dụng yêu cầu truy cập vào máy ảnh, micrô, ảnh và dữ liệu cá nhân khác. Dù một số trường hợp có lý do chính đáng, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Đừng dễ dàng chấp nhận mọi yêu cầu quyền truy cập, bạn có thể vô tình để lộ nhiều thông tin hơn mức cần thiết.
5. Luôn cập nhật hệ điều hành và các ứng dụng của điện thoại
Mặc dù việc trì hoãn cập nhật có vẻ tiện lợi, nhưng hầu hết các bản cập nhật đều chứa các bản vá bảo mật quan trọng hoặc cải tiến hiệu suất.
Nếu có lỗ hổng trong hệ điều hành hoặc ứng dụng, tin chắc rằng tin tặc sẽ không bỏ lỡ cơ hội khai thác chúng. Bằng cách thường xuyên cập nhật điện thoại và ứng dụng, bạn sẽ luôn đi trước một bước so với những mối đe dọa tiềm ẩn.

Ngoài ra, nếu có ứng dụng nào bạn không còn sử dụng, tốt nhất là hãy xóa chúng để giảm thiểu rủi ro bảo mật và giải phóng dung lượng thiết bị.
6. Luôn sử dụng bảo mật xác thực hai yếu tố
Xác thực hai yếu tố (2FA) là một lớp bảo mật bổ sung giúp bảo vệ tài khoản của bạn. Thay vì chỉ yêu cầu mật khẩu, 2FA yêu cầu một phương thức xác minh thứ hai để xác nhận danh tính của bạn, giảm thiểu nguy cơ bị xâm nhập.
Có nhiều hình thức 2FA khác nhau, bao gồm mã SMS, ứng dụng xác thực, kết nối Bluetooth và thậm chí cả khóa bảo mật vật lý.
Mỗi phương pháp mang lại mức độ bảo mật khác nhau, vì vậy việc hiểu rõ cách thức hoạt động của chúng sẽ giúp bạn chọn lựa phương án phù hợp nhất. Tuy nhiên, khi nói đến bảo mật điện thoại, khóa bảo mật vật lý vẫn là lựa chọn an toàn hàng đầu.
7. Sử dụng mạng riêng ảo
Khi duyệt web bằng mạng Wi-Fi công cộng, hãy luôn sử dụng mạng riêng ảo (VPN). VPN giúp ẩn địa chỉ IP của bạn và mã hóa toàn bộ dữ liệu gửi đi, khiến kẻ tấn công khó có thể theo dõi hoặc đánh cắp thông tin.
Điều này không chỉ giúp bạn an toàn hơn khi mua sắm trực tuyến mà còn bảo vệ dữ liệu cá nhân khỏi bị rò rỉ.

Ảnh: Internet.
Khi không có VPN, địa chỉ IP của bạn sẽ bị lộ, tạo cơ hội cho các cuộc tấn công từ xa (Remote Hacking). Đây là phương pháp mà tin tặc có thể lợi dụng IP để xâm nhập vào điện thoại hoặc các thiết bị khác của bạn.
VPN giúp ngăn chặn điều này bằng cách thay thế địa chỉ IP thực của bạn bằng IP của máy chủ VPN, giảm nguy cơ bị tấn công từ xa và tăng cường bảo mật cho thiết bị của bạn.
8. Có kế hoạch B nếu điện thoại của bạn bị đánh cắp hoặc bị tấn công
Nếu không may điện thoại của bạn bị tấn công hoặc đánh cắp, điều quan trọng là phải có một kế hoạch hành động để nhanh chóng hạn chế thiệt hại mà tin tặc có thể gây ra.
Xóa dữ liệu từ xa ngay lập tức
Đừng đợi đến khi mất điện thoại mới tìm cách xóa dữ liệu từ xa, hãy tìm hiểu trước và sẵn sàng thực hiện nếu cần. Càng xóa nhanh, bạn càng giảm nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân.
Định vị thiết bị của bạn
Sau khi xóa dữ liệu, hãy cố gắng xác định vị trí điện thoại bằng các công cụ như Find My iPhone (iOS) hoặc Google's Android Device Manager. Ngay cả khi thiết bị đã bị khôi phục cài đặt gốc, bạn vẫn có thể theo dõi vị trí trong một số trường hợp.
Bảo vệ tài khoản tài chính của bạn
Nếu nghi ngờ tin tặc đã truy cập thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, hãy ngay lập tức liên hệ với ngân hàng để khóa tài khoản và vô hiệu hóa thẻ. Đồng thời, hãy đóng băng hoặc khóa tín dụng của bạn để kẻ tấn công không thể mở tài khoản mới dưới tên bạn.