8 giải pháp giúp các quốc gia hướng tới một chính phủ số toàn diện
(Baonghean.vn) - Chính phủ số là cung cấp các dịch vụ mới theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ số nhờ dữ liệu số và công nghệ số thấu hiểu người dân hơn, vì vậy, cung cấp dịch vụ số tốt hơn, chăm sóc người dân tốt hơn.
Hòa nhập kỹ thuật số liên quan đến các hoạt động cần thiết để đảm bảo tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách công bằng để tham gia vào đời sống kinh tế và xã hội, bao gồm giáo dục, dịch vụ xã hội, y tế, xã hội và sự tham gia của cộng đồng.
Ảnh minh hoạ. |
Khái niệm hòa nhập kỹ thuật số bao gồm nhiều vấn đề, bao gồm khả năng tiếp cận các thiết bị và internet giá cả phải chăng, hiểu biết về kỹ thuật số và sự sẵn có của các tài nguyên và dịch vụ trực tuyến. Nếu không hòa nhập kỹ thuật số, các cá nhân, cộng đồng và thậm chí toàn bộ quốc gia có thể bị bỏ lại phía sau về cơ hội phát triển kinh tế, giáo dục và kết nối xã hội.
Mặc dù các quốc gia trên thế giới đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, hoà nhập kỹ thuật số vẫn là một thách thức đáng kể. Đây là một vấn đề phức tạp đòi hỏi sự cộng tác và hợp tác giữa các tổ chức chính phủ và khu vực tư nhân.
Dữ liệu từ Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cho thấy, tỷ lệ thâm nhập internet toàn cầu trung bình là 66%, tương ứng với 5,3 tỷ người vào năm 2022, còn lại khoảng 34%, tương ứng với 2,7 tỷ người vẫn chưa có cơ hội tiếp cận với Internet.
Trong đó, ở các quốc gia Châu Âu, Cộng đồng các Quốc gia độc lập (CIS) và Châu Mỹ, có tỷ lệ người dân được tiếp cận với Internet cao nhất, từ 80 đến 90%. Tiếp đến là các quốc gia Ả Rập và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có tỷ lệ người dân được tiếp cận với Internet tương ứng là 70% và 64%, trong khi khu vực Châu Phi chỉ có 40% dân số được tiếp cận với Internet.
Đặc biệt, đối với các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới thì tỷ lệ dân số được tiếp cận với Internet chỉ đạt 36%.
Dưới đây là 8 giải pháp để các quốc gia thu hẹp khoảng cách số và hướng tới một chính phủ số toàn diện.
1. Thu hẹp khoảng cách kinh tế bằng cách tăng khả năng tiếp cận với các thiết bị kỹ thuật số và internet giá cả phải chăng. Các quốc gia cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho các cộng đồng có thu nhập thấp và bị thiệt thòi trong xã hội nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế, qua đó có thể giúp thu hẹp khoảng cách số và đảm bảo rằng mọi người đều có quyền tiếp cận bình đẳng với các lợi ích mà nền kinh tế số mang lại.
2. Tiếp tục khuyến khích người dân tham gia các chương trình xóa mù về kiến thức số. Việc tạo điều kiện cho tất cả người dân đặc biệt là những người dân ở các khu vực khó khăn có thể tiếp cận với Internet đã là một vấn khó nhưng làm thế nào để họ biết cách sử dụng các thiết bị và dịch vụ số một cách an toàn là vấn đề khó hơn, đặc biệt là ở các nước kém phát triển và đối với người dùng cao tuổi.
Vì vậy, các quốc gia cần có các chính sách phù hợp cũng như bố trí nguồn lực tài chính để đào tạo và khuyến khích người dân tham gia các chương trình xóa mù về kiến thức số, qua đó không những thúc đẩy người dân tiếp cận với các nền tảng số mà còn giúp họ có kiến thức số đầy đủ.
3. Khuyến khích hợp tác công - tư (Public - Private Partnership: PPP). Hợp tác công – tư là một trong những phương thức huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc thực hiện các nhiệm vụ công đã được triển khai áp dụng phổ biến trong thực tế ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, mang lại nhiều thành công ở các lĩnh vực khác nhau. Đây là hình thức hợp tác được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và người dân vì tận dụng được nguồn lực tài chính và năng lực quản lý từ khu vực tư nhân, kiểm soát tốt hơn việc sử dụng các nguồn lực công của Nhà nước trong khi vẫn bảo đảm lợi ích cho người dân và xã hội.
4. Thúc đẩy một môi trường số toàn diện và dễ tiếp cận. Để thúc đẩy một môi trường số toàn diện và dễ tiếp cận, điều quan trọng là các quốc gia cần có chính sách để đảm bảo rằng các dịch vụ kỹ thuật số có thể tiếp cận được tất cả cộng đồng, đặc biệt là đối với người khuyết tật và các nhóm yếu thế khác trong xã hội. Để làm được điều này, đòi hỏi các quốc gia phải xây dựng được các ứng dụng công nghệ như khả năng chuyển văn bản thành giọng nói, hỗ trợ xử lý ngôn ngữ và các công nghệ hỗ trợ khác.
5. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ. Các quốc gia cần có các chính sách đầu tư, nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng để cải thiện khả năng kết nối và tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật số, giúp cho người dân ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa có thể được tận hưởng các dịch vụ số ngang bằng với người dân ở các khu vực đô thị.
6. Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số. Các quốc gia cần ban hành các chính sách nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, khơi dậy sự sáng tạo của các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ. Cung cấp các khoản tài trợ để tạo ra các doanh nghiệp kỹ thuật số lớn mạnh nhằm tạo ra những sản phẩm số mới, phân khúc khách hàng mới.
7. Hợp nhất chính phủ điện tử và các dịch vụ số. Trải nghiệm người dùng được xem là một yếu tố quan trọng, nó có thể thúc đẩy sự phát triển hoặc cũng có thể làm phá sản một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và điều này cũng đúng đối với các dịch vụ của chính phủ số. Do vậy, chính phủ các nước cần tăng cường đầu tư nguồn lực vào các sáng kiến nhằm đảm bảo trải nghiệm thống nhất trên nền tảng số và vật lý.
8. Tăng cường niềm tin thông qua bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo mật dữ liệu. Bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường số nói chung và trong các nền tảng tương tác giữa chính quyền với người dân nói riêng sẽ giúp củng cố niềm tin của người dân và thúc đẩy họ tham gia quá trình chuyển đổi số. Thực hành tốt về bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân trong khu vực công là một trong những yếu tố then chốt để tạo dựng niềm tin của người dân về dịch vụ công trực tuyến.
Các quốc gia cần thường xuyên đánh giá việc thực thi các quyền đối với dữ liệu cá nhân của người dân trên các nền tảng tương tác giữa chính quyền địa phương với người dân; đồng thời bổ sung các tiêu chí đánh giá bảo vệ dữ liệu cá nhân vào Bộ chỉ số chuyển đổi số các cấp. Các cơ quan chức năng cần xây dựng hướng dẫn quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong khu vực công và ban hành quy chế mẫu về chính sách quyền riêng tư cho các nền tảng trực tuyến.
Đối với Việt Nam, để hướng đến một Chính phủ số, ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Chiến lược đã xác định: “Phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025”.
Chính phủ số là Chính phủ “có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội”.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó, tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan Nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục,… Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số”.
Tóm lại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số là xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới. Do vậy, trong thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách phải thực hiện các giải pháp cụ thể để thu hẹp khoảng cách số và đảm bảo sự hoà nhập kỹ thuật số cho mọi công dân. Bằng cách đó, chúng ta có thể tạo ra một xã hội công bằng, thịnh vượng và bền vững hơn, nơi không ai bị bỏ lại phía sau./.