9 sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua
(Baonghean.vn) - Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye bị phế truất; Nhiều bang tại Mỹ phản đối lệnh cấm nhập cảnh mới; Wikileaks công bố tài liệu về công cụ xâm nhập bí mật của CIA; Hệ thống tên lửa THAAD của Mỹ tới Hàn Quốc;... là những sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần qua.
1. Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye bị phế truất
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vừa bị phế truất. Ảnh: Yonhap |
Sáng 10/3, thẩm phán của tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tuyên bố giữ nguyên quyết định buộc tội tổng thống Park Geun-hye mà Quốc hội nước này đưa ra trước đó.
Với phán quyết này của Tòa án Hiến pháp, bà Park Geun-hye sẽ bị buộc phải rời khỏi cương vị trước khi nhiệm kỳ kết thúc.
Như vậy bà Park Geun-hye đã trở thành Tổng thống đầu tiên được bầu theo quy chế dân chủ ở Hàn Quốc bị buộc phải rời cương vị. Theo Hiến pháp Hàn Quốc, trong vòng 60 ngày kể từ sau phán quyết này, Hàn Quốc sẽ tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống mới.
Sau quyết định này của Tòa án Hiến pháp, bà Park sẽ buộc phải rời khỏi Nhà Xanh và cũng không còn được hưởng quyền miễn trừ truy tố nữa.
2. Nhiều bang tại Mỹ phản đối lệnh cấm nhập cảnh mới
Người dân tham gia biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cảnh mới của chính quyền Mỹ tại New York ngày 9/3. |
Ngày 9/3, một ngày sau khi bang Hawaii kiện sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bang Washington và một vài bang khác tuyên bố sẽ có hành động pháp lý nhằm ngăn chặn văn kiện này.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tư pháp bang Washington - Bob Ferguson cho biết, có ít nhất 3 bang là Minnesota, New York và Oregon đã tuyên bố sẽ tham gia cuộc chiến pháp lý mới này.
Ông Ferguson kiến nghị tòa án tiếp tục áp dụng lệnh đình chỉ đang có hiệu lực đối với sắc lệnh cấm nhập cảnh đầu tiên của Tổng thống Trump đối với sắc lệnh mới vừa được chính quyền công bố ngày 6/3.
3. Đức: Tấn công bằng rìu tại ga tàu, 6 người bị thương
Hiện trường vụ việc. (Nguồn: BILD) |
Ngày 8/3, một đối tượng cầm rìu đã lao vào tấn công những người có mặt tại ga tàu chính, thành phố Dusseldorf, miền Tây nước Đức, làm 6 người bị thương.
Theo cảnh sát tại hiện trường, 2 nghi phạm trong vụ tấn công đã bị bắt giữ và 1 trong các nạn nhân bị thương nặng.
Báo Bild (Đức) dẫn lời nhân chứng nói rằng, một đối tượng đã nhảy ra từ đám đông và vung rìu vào mọi người, sau đó tìm cách chạy ra đường phố nhưng đã bị cảnh sát bắt giữ, nghi phạm còn lại cũng bị bắt ở ga tàu.
Cảnh sát Liên bang Đức mô tả đây là "vụ tấn công điên cuồng". Ga tàu này đã bị đóng cửa trong khi cảnh sát đang triển khai một chiến dịch.
4. Wikileaks công bố tài liệu về công cụ xâm nhập bí mật của CIA
Wikileaks công bố các tài liệu liên quan đến công cụ xâm nhập của CIA vào các thiết bị điện tử. Ảnh: Cnet |
Wikileaks đã xuất bản bộ tài liệu lớn nhất từ trước đến nay về công cụ và kỹ thuật phần mềm được cơ quan CIA dùng để xâm nhập vào hầu hết các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính, TV kết nối internet.
Theo Wikileaks, công cụ có tên “Weeping Angel” là sản phẩm do CIA hợp tác cùng cơ quan tình báo Anh MI5 phát triển có khả năng xâm nhập vào ti vi thông minh của Samsung và kiểm soát ngay cả khi thiết bị tắt.
Wikileaks cũng tiết lộ rằng CIA còn xây dựng những công cụ xâm nhập khác có thể điều khiển các thiết bị Iphone, Ipad và Android từ xa - bí mật lấy các đoạn quay phim trong máy, nghe lén các cuộc trò chuyện qua mic của thiết bị và theo dõi vị trí của người dùng.
5 . Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới Hàn Quốc
Một cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của quân đội Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Theo nguồn tin từ quân đội Mỹ, bộ phận đầu tiên của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ phát triển đã được chuyển tới căn cứ không quân Osan của Hàn Quốc vào đêm 6-3 (giờ địa phương). Tuyên bố này được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi Triều Tiên phóng 4 tên lửa đạn đạo ra biển.
Trước số lượng các vụ thử tên lửa và hạt nhân ngày càng gia tăng của Triều Tiên kể từ năm 2016, Mỹ và Hàn Quốc luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Các chuyên gia cho biết, THAAD được thiết kế để bắn hạ mục tiêu tên lửa có thể đe dọa tới các khu vực dân cư, tương tự như cơ chế dùng một viên đạn để bắn một viên đạn khác.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ Harry Harris khẳng định: “Các hành động khiêu khích liên tục của Triều Tiên, bao gồm việc phóng hàng loạt tên lửa vào ngày 6/3, càng chứng minh rằng quyết định triển khai THAAD tới Hàn Quốc của liên minh là một sự thận trọng cần thiết.
6. Triều Tiên phóng 4 tên lửa đạn đạo về phía Nhật Bản
Trả đũa Mỹ - Hàn tập trận chung, Triều Tiên phóng 4 tên lửa. Ảnh minh họa: Yonhap. |
Sáng 6/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, Triều Tiên đã phóng 4 tên lửa đạn đạo ra biển, trong đó 3 tên lửa đã bay khoảng 1.000 km và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Theo nguồn tin quân đội Hàn Quốc, các tên lửa này đã được bắn ra từ Tongchang-ri, gần khu vực biên giới phía bắc giữa Trung Quốc và Triều Tiên lúc 7h36’ (giờ địa phương). Hiện chưa rõ các tên lửa được phóng ra thuộc loại nào.
Vụ phóng tên lửa đạn đạo lần này là vụ thử tên lửa mới nhất mà Bình Nhưỡng tiến hành. Theo các chuyên gia quân sự, sau hàng loạt các vụ phóng tên lửa liên tiếp, công nghệ tên lửa của Triều Tiên đã có sự cải thiện đáng kể.
Trong tháng trước, Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công loại tên lửa đạn đạo mới trong một vụ phóng tên lửa do nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát. Đó là vụ phóng tên lửa đầu tiên Bình Nhưỡng thực hiện kể từ khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Vào thời điểm đó, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên án mạnh mẽ động thái này và gọi đây là hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
7. Putin sa thải 10 tướng lĩnh không rõ nguyên nhân
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu hồi đầu năm nay. Ảnh: Ria Novosti. |
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra sắc lệnh miễn nhiệm các tướng lĩnh thuộc Bộ Nội vụ, Ủy Ban Điều tra Liên bang và Cơ quan Thi hành án Liên bang.
Danh sách miễn nhiệm bao gồm những người có vị trí quan trọng như thiếu tướng Alexander Gnezdilov, lãnh đạo Cục Thi hành án (FSIN) tỉnh Saratov, thiếu tướng Sergei Zhevlakovich, Phó hiệu trưởng Đại học Bộ Nội vụ Moscow, thiếu tướng Alexander Novikov, Cục trưởng Cục Công tác Giáo dục, Xã hội và Tâm lý thuộc Cơ quan Thi hành án Liên bang, thiếu tướng Alexander Filin, điều tra viên cấp cao về các vụ án đặc biệt nghiêm trọng dưới sự chỉ đạo từ Chủ tịch Ủy ban Điều tra, theo Ria Novosti.
Tổng thống Putin cũng miễn nhiệm bà Lydia Dyakonova, công tố viên khu tự trị người Do Thái, và ông Sergei Legostaev, công tố viên Cộng hòa Chuvash. Điện Kremlin không cho biết lý do của đợt sa thải nhân sự này.
8. Nhật Bản tưởng niệm hơn 18.000 người trong thảm họa sóng thần
Người dân mặc niệm trên đê biển ở tỉnh Iwate. Ảnh: Reuters |
Nhật Bản hôm 11/3 thực hiện một phút mặc niệm, 6 năm sau thảm họa sóng thần, động đất làm hơn 18.000 người chết hoặc mất tích, 120.000 người mất nhà cửa.
Thủ tướng Shinzo Abe và các quan chức chính phủ khác, cũng như Hoàng tử Fumihito và Công nương Kiko, nằm trong số những người dự lễ tại Nhà hát Quốc gia ở Tokyo.
Trong bài phát biểu, ông Abe cam kết tiếp tục thúc đẩy nỗ lực tái thiết. Hoàng tử lấy làm tiếc vì nhiều người không thể trở về nhà cũ do nồng độ phóng xạ cao ở tỉnh Fukushima.
Thảm hoạt hạt nhân xảy ra khi sóng thần bao trùm nhà máy điện hạt nhân Fukushim số một, khiến lõi lò phản ứng nóng chảy, khiến chất phóng xạ bị giải phóng ra môi trường.
Hơn 123.000 người vẫn phải di dời chỗ ở, trong đó có hơn 39.500 người rời bỏ Fukushima. Đây là thảm hoạt hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ tai nạn Chernobyl năm 1986 ở Pripyat, Ukraine, khi đó còn là một phần của Liên Xô. Sẽ mất ít nhất 4 thập kỷ để giải thể nhà máy Fukushima, công ty vận hành cho biết.
9. Căng thẳng Malaysia - Triều Tiên lên tới đỉnh điểm
Bình Nhưỡng cấm công dân Malaysia rời khỏi Triều Tiên. |
Triều Tiên và Malaysia sau khi ra quyết định trục xuấtđại sứ của nhau, lại tiếp tục cấm toàn bộ công dân của nước kia rời khỏi nước mình.
Cùng với tuyên bố của Thủ tướng, Bộ Ngoại giao Malaysia cũng mau chóng hành động để giải thoát toàn bộ công dân hiện đang ở Triều Tiên.
Sáng 7/3, truyền thông Triều Tiên đưa tin, toàn bộ công dân Malaysia ở Triều Tiên bị cấm rời khỏi nước này. Bình Nhưỡng tuyên bố, quyết định này có hiệu lực cho tới khi sự kiện xảy ra ở Malaysia được giải quyết.
Việc trả đũa lẫn nhau giữa Triều Tiên và Malaysia xảy ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa hai nước ngày càng tăng liên quan tới vụ một công dân Triều Tiên được cho là Kim Jong Nam, anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, bị sát hại tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur.
Thái Bình
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|