Alain Juppé: Ngôi sao đang trở lại chính trường Pháp
(Baonghean) - Nhiều người có thể nghĩ Alain Juppé là một chính trị gia buồn tẻ. Thực tế, cựu Thủ tướng của nước Pháp lại đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống năm tới. Ông có thể chặn đường trở lại Điện Élyseé của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, và khiến đương kim Tổng thống François Hollande nghỉ hưu.
Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ phải đối đầu với ông Alain Juppé để giành chiếc vé ứng cử viên Tổng thống tranh cử năm sau. Ảnh: Telegraph. |
Sự trở lại chưa từng có
Một buổi sáng mùa hè cách đây không lâu, Alain Juppé tới thăm Roger André, chủ cửa hàng thịt tại thị trấn Perpignan, để thử món paté ở đây. Mỗi lần cho lát paté vào miệng, Juppé lại không giấu nổi sự hài lòng và tán dương ông chủ cửa hàng với những cái gật gù khen ngợi.
Nhưng điều đáng chú ý là nhiệt kế lúc đó chỉ 30 độ C trong khi cựu Thủ tướng Pháp đang vận bộ vest tối màu, cà-vạt nghiêm ngắn trên cổ. Tháp tùng ông là đội ngũ chuyên gia cố vấn và chính trị gia địa phương. Tất cả đều đóng bộ rất chuẩn mực. Họ đang trong hành trình tới thăm tỉnh Pyrénées-Orientales, ở mũi cực Nam nước Pháp và giáp Tây Ban Nha. “Thăm khu chợ” là lịch trình trong ngày dù địa điểm này ở ngay cạnh đồn cảnh sát. Không có nhiều du khách ghé qua khu chợ và phái đoàn của Juppé trở thành tâm điểm chú ý.
Liệu chuyến thăm tới một góc chợ nhỏ bé ở một tỉnh xa xôi có phải là chiêu làm truyền thông quá lố của Alain Juppé? Câu trả lời là không hề. Đơn giản đó là dấu hiệu cho thấy sự nghiêm túc của cựu Thủ tướng Pháp trong chuyến trở lại vị trí quyền lực nhất nước này vào năm tới.
Alain Juppé hiện là Thị trưởng Bordeaux và là ứng cử viên đầy hứa hẹn cho đảng Những người Cộng hòa khi bước vào cuộc tranh cử Tổng thống sắp tới. Trong vòng bầu chọn sơ bộ vào tháng 11, chính trị gia 70 tuổi đang nóng lòng muốn giành được tấm vé của đảng, điều mà ông đã nhiều lần thất bại. Thiên thời, địa lợi có vẻ đang đứng về phía ông, sau gần nửa thế kỷ tham gia chính trường.
Cựu Tổng thống Jacques Chirac, tiền bối của Juppé sẽ hậu thuẫn ông trong chiến dịch tranh cử sắp tới. Ảnh: france24. |
“Tốt nhất trong chúng tôi”
Ông chủ cửa hàng thịt Roger André lắc đầu khi Juppé và phái đoàn rút đi. “Ông ấy sẽ không cứu chúng tôi, và ông ấy cũng không giúp gì cả.” André bình luận về vị khách vừa tới. “Ông ấy là một phần của đội cận vệ già. Thứ mà đất nước này cần là cho thế hệ trẻ nắm lấy chiếc bánh lái”. Đó là cảm giác của một người dân bình thường trước một chính trị gia từng đảm nhận những vị trí cao nhất.
Alain Juppé từng được bầu vào vị trí thủ tướng và chủ tịch đảng. Ông cũng từng nhiều lần đứng đầu các bộ Ngoại giao, Ngân khố và Môi trường. Nhưng có một thứ ông chưa bao giờ đạt được: sự ủng hộ tuyệt đối của công chúng. Từng tốt nghiệp những cơ sở giáo dục tốt nhất nước Pháp, Alain Juppé luôn được coi là thông minh đặc biệt và cũng kiêu ngạo đến ngạc nhiên. Cựu Tổng thống Jaques Chirac, người thầy của ông từng gọi Juppé là “tốt nhất trong số chúng tôi”.
Tuy vậy, bất chấp triển vọng trong cuộc bầu cử năm tới, người ta vẫn thấy những điểm yếu của Alain Juppé. Cho dù dẫn đầu trong các cuộc thăm dò toàn quốc nhiều tháng liền, Juppé vẫn bị coi là người của quá khứ. Nó gợi nhắc những khó khăn mà nước Pháp đang phải đối mặt trong quá trình làm mới mình, cũng như cả hàng ngũ tinh hoa. Con đường thăng tiến của ông đã cho thấy điều đó. Nổi lên từ cuối những năm 1970 khi làm việc cho cựu Thủ tướng Jacques Chirac, Juppé leo lên vị trí bộ trưởng lần đầu năm 1986, và chức thủ tướng năm 1995. Nhưng đến năm 1997, Juppé bị buộc phải từ chức khi người dân phản đối gay gắt những cải cách của ông. Kể từ đó, ông bị coi là một trong những thủ tướng nhận được ít sự ủng hộ nhất nền Cộng hòa thứ V.
Alain Juppé (thứ hai từ phải sang) thời còn là phụ tá cho cựu Tổng thống Jacques Chirac. Ảnh: Lepoint. |
Lợi thế từ chiến lược tranh cử
Tỷ lệ ủng hộ dành cho Juppé vẫn chưa có gì khả quan. Nhưng may mắn cho ông, các đối thủ trong chiến dịch bầu cử Tổng thống sắp tới cũng không phải là lựa chọn tốt hơn. Tổng thống đương nhiệm, François Hollander khó có khả năng tái đắc cử. Ông Hollander thậm chí còn nhận được ít cảm tình hơn người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy khi ông này bị hất cẳng năm 2012. Cả Hollander và Sarkozy không mong đợi gì hơn ngoài việc đối mặt thêm một lần nữa. Hai chính trị gia này đều tin rằng ác cảm của công chúng dành cho người kia lớn hơn dành cho mình. Nếu một cuộc đấu như thế diễn ra, người được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là Marine Le Pen, Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia.
Xét trên khía cạnh đường lối tranh cử, Alain Juppé có nhiều thuận lợi hơnSarkozy trong việc giành vị trí đại diện cho đảng Những người Cộng hòa. Các ưu tiên của ông Juppé được cho là hợp lý hơn nhiều, tập trung vào những vấn đề mà người dân muốn giải quyết từ lâu. Ông muốn một chính phủ nhỏ hơn, chi tiêu ít hơn. Ông muốn tuần làm việc tại Pháp được nới từ 35 lên 39 giờ, tuổi nghỉ hưu sẽ là 65 chứ không phải 62. Các gánh nặng với doanh nghiệp cũng sẽ hứa được bãi bỏ bằng cách hạ thấp những chi phí ngoài tiền lương.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây về kế hoạch dành cho nước Pháp nếu thắng cử, Alain Juppé tỏ ra là một ứng viên rất chuyên nghiệp. Ông thể hiện quan điểm một cách nhẹ nhàng, trái với phong cách sôi sục, nồng nhiệt tới mức hung hăng của Sarkozy. “Tôi muốn khôi phục lại niềm tin của nước Pháp. Người dân sẽ một lần nữa tự hào vì là người Pháp”, Juppé nói. Juppé đã nhắc tới ba mục tiêu sẽ phải hoàn thành nếu ông là tổng thống: giáo dục tốt hơn cho thanh niên, một chính phủ mạnh và quyết đoán hơn, đặc biệt trong các vấn đề an ninh, và cuối cùng là nhiều việc làm hơn. Những gì Juppé tuyên bố, dù mới chỉ trên giấy, nhưng cũng đã tạo ra ít nhiều hy vọng với cử tri Pháp, những người vốn đã mệt mỏi với lô lốc vấn đề của đất nước.
Thanh Sơn
TIN LIÊN QUAN