Để chữa cháy rừng không còn lúng túng

25/05/2012 12:35

(Baonghean.vn) - Ngay từ đầu mùa nắng nóng trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra 1 vụ cháy rừng ở xã Nghi Kiều, Nghi Lộc, 4 vụ cháy rừng trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Mỗi khi xảy ra cháy rừng một số địa phương vẫn còn lúng túng trong khâu chữa cháy.

Như vụ cháy rừng thông ở khu vực Rú Gám (xã Xuân Thành, Yên Thành) làm thiệt hại 5 ha rừng, nguyên nhân được xác định là do người dân xử lý đốt thực bì làm lửa cháy lan. Ông Trương Xuân Lương - Bí thư xã Xuân Thành thừa nhận: Vụ cháy xảy ra là do thời điểm đó rừng thông trên địa bàn chưa được xử lý thực bì, khi xảy ra cháy, lửa bám vào thực bì cháy lây lan. Qua vụ cháy chúng tôi đã thấy được những điểm hạn chế trong công tác phối hợp chữa cháy rừng là chưa hiệu quả. Thời điểm đó huyện phải huy động thêm lực lượng ở các xã Bắc Thành, Tăng Thành, Đồng Thành, Trung Thành… gần 1.000 người, tuy nhiên các lực lượng tăng cường của các xã không được phối hợp, mạnh ai nấy làm, người thì nhiều nhưng lại không hiệu quả. Ông Trương Xuân Lương cho biết thêm: Qua vụ cháy có thể rút kinh nghiệm là: trước tiên rừng thông phải được xử lý thực bì từ đầu vụ, cải tạo và làm mới đường băng cản lửa. Khi xảy ra cháy rừng thì các lực lượng cần có sự phối hợp thống nhất, phải thống nhất trong công tác chỉ huy, cùng chung một mệnh lệnh để chữa cháy.

Vụ cháy rừng tại xã Lưu Kiền, Tương Dương làm thiệt hại 56 ha rừng (trong đó có cả diện tích lau lách). Nguyên nhân do đốt nương làm rẫy lửa cháy leo vào rừng. Ông Lữ Văn Chôm - Hạt phó kiểm lâm Tương Dương nói thêm: Qua vụ cháy, kinh nghiệm rút ra trước tiên là công tác huy động lực lượng, đặc biệt là thông tin liên lạc. Mặc dù đã dùng loa để chỉ huy nhưng vẫn chưa hiệu quả, vẫn cần các máy bộ đàm chuyên dụng để chỉ huy chữa cháy. Thiết bị dập lửa thiếu, đối với địa bàn dốc núi hiểm trở Tương Dương rất cần các loại bình bơm nước khoác vai để xịt nước dập tàn lửa. Các loại máy bơm chuyên dụng để đẩy nước cứu chữa cháy hiệu quả. Đặc biệt tăng cường công tác quản lý đốt nương làm rẫy.




Đốt nương làm rẫy gây nguy cơ cháy rừng


Ngoài việc tập huấn diễn tập tình huống, kỹ năng chỉ huy, kỹ thuật chữa cháy rừng cho cán bộ chủ chốt tại các địa phương cấp xã, thôn bản, lực lượng dân quân tự vệ, cần khẩn trương hoàn thiện các đường băng trắng cản lửa tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu. Thu dọn thực bì và đốt trước vật liệu cháy tại các trọng điểm rừng thông ở Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Quỳnh Lưu. Duy tu bảo dưỡng các chòi canh lửa ở Nam Giang (Nam Đàn), chòi canh Hoà Sơn (Đô Lương), trang bị đủ các dụng cụ như quần áo bảo hộ, xô, can nhựa đựng nước. Đặc biệt là quản lý chặt chẽ hoạt động nương rẫy. Tổ chức sản xuất nương rẫy theo đúng vùng quy hoạch hướng dẫn quy trình kỹ thuật an toàn PCCCR trong phát đốt nương làm rẫy. Chấp hành nghiêm chế độ thường trực chữa cháy rừng đểcập nhật xử lý thông tin, tổ chức thường trực 24/24 tại chòi canh lửa để phát hiện sớm các điểm cháy.

Bên cạnh đó công tác điều hành huy động lực lượng, chỉ huy chữa cháy một số địa phương còn lúng túng, chưa linh hoạt trong điều hành chữa cháy. Để PCCCR có hiệu quả thì ngoài thực hiện tốt công tác dự báo và cảnh báo cháy rừng, các địa phương, các chủ rừng (chủ yếu các loại rừng trồng, rừng thông) cần đầu tư kinh phí để thực hiện phát dọn, xử lý thực bì, tổ chức tập huấn kỹ thuật chữa cháy rừng cho các lực lượng dân quân, tự vệ, đội B cơ động cấp xã, đây là lực lượng chủ chốt để họ chủ động, linh hoạt “tác chiến” khi sự cố cháy rừng xảy ra.


Văn Trường

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Để chữa cháy rừng không còn lúng túng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO