Đòn bẩy phát triển nông nghiệp
(Baonghean) - Cơ giới hoá có vai trò quan trong việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại, giải phóng sức lao động cho người nông dân, tạo ra hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình đưa cơ giới hoá vào nông nghiệp ở tỉnh ta có nhiều huyện làm rất thành công, trong đó nổi bật là huyện Hưng Nguyên và Quỳ Hợp.
Với một huyện thuần nông như Hưng Nguyên, việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết. Lãnh đạo UBND huyện Hưng Nguyên cho hay: Năm 1998 Huyện uỷ đã có Nghị quyết 18/HU về việc đưa cơ giới nhỏ vào sản xuất nông nghiệp nhằm giải quyết sức kéo cho trâu, bò và giải phóng sức lao động cho người nông dân, đảm bảo kịp thời vụ trong sản xuất, đưa vụ đông trở thành vụ chính, từng bước cơ giới hoá và hiện đại hoá nông nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân khi mua máy nông nghiệp... Ngay trong năm đầu tiên triển khai, Hưng Nguyên đã có 50 gia đình mua máy nông nghiệp. Hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp là rất rõ ràng và cộng với đó là chính sách hỗ trợ mua máy phù hợp, tại Hưng Nguyện con số đầu tư mua máy phát triển theo cấp số nhân. Năm 2002 là 420 máy cày đa chức năng và 42 máy tuốt lúa; năm 2006 là 648 máy cày đa chức năng, 126 máy tuốt lúa và 5 máy gặt; năm 2010 có 914 máy cày đa chức năng, 60 máy gặt và 215 máy tuốt lúa; năm 2011 có gần 1.000 máy cày đa chức năng, 245 máy tuốt lúa.
Nông dân Hưng Nguyên sử dụng máy cày đa chức năng vào sản xuất nông nghiệp
Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng máy nông nghiệp cho người dân
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Công ty CP cơ giới nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: "Để cung cấp sản phẩm máy nông nghiệp bảo đảm chất lượng Công ty đã tìm hiểu và ký kết hợp đồng cung cấp máy tại Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam và các hãng máy nông nghiệp có uy tín của nước ngoài. Trong quá sử dụng trên địa bàn Hưng Nguyên, các loại máy nông nghiệp do Công ty cung cấp đều phát huy hiệu quả, ít xẩy ra sự cố và đều được bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời, nên được bà con tin dùng. Chính điều này đã giúp cho người dân Hưng Nguyên mạnh dạn đầu tư mua máy nông nghiệp và đây là một trong những huyện thuộc tốp đầu trong tỉnh về sử dụng máy nông nghiệp".
Theo cách tính toán của bà con nông dân, khi đưa máy móc vào sản xuất, thì mỗi ha giải phóng 20 con trâu bò, và số đó đầu tư chăn nuôi thành hàng hoá tạo thu nhập cao. Đặc biệt, trước đây chủ yếu sản xuất 2 vụ chính là đông xuân và hè thu, nhưng sau khi chủ động được sản xuất, thì huyện đã đưa vụ đông thành vụ chính trong năm. Theo sự thoả thuận của bà con, mỗi sào cày bừa làm đất nhuần nhuyễn đến lúc gieo cấy là 500.000 đồng/ha thì mỗi năm máy cày đa chức năng có thể mang về cho người sở hữu nguồn thu 10 - 12 triệu đồng. Sau thời vụ gieo trồng, máy cày đa chức năng còn được sử dụng vào việc vận chuyển hàng hoá, bơm nước, xay xát... trừ khấu hao, chi phí mỗi máy lãi ròng 15 - 20 triệu đồng/năm và như vậy sau hơn 1 năm thì bà con có thể thu hồi lại vốn. Máy gặt lúa mỗi ha thu 900.000 đồng thì sau 2 năm thu hồi được vốn và máy tuốt lúa là 18 tháng thu hồi vốn đầu tư. Đưa cơ giới hoá vào nông nghiệp, bà con nông dân ở Hưng Nguyên đã thay đổi được tập quán sản xuất, giúp nông dân tiếp cận được với tiến bộ KH - KT và nhất là giải phóng sức lao động cho khoảng 6.000 lao động chuyển sang làm việc khác có thêm thu nhập...
Đối với huyện miền núi Quỳ Hợp thì 2.340 ha đất lúa nước cũng đã đem lại hiệu quả cao nhờ một phần quan trọng của việc cơ giới hoá. Bà con các dân tộc đã chủ động được khâu làm đất và thuận lợi cho làm vụ 3 và nhờ đó sản lượng tăng từ 27.000 tấn lên 38.000 tấn/năm.
Trước đây, một bài toán khó giải cho 9.173 ha mía nguyên liệu và 5.639 ha ngô, sắn và cây màu khác là thời vụ. Bởi cày bừa, làm đất trên đất màu thực sự khó khăn đối với Quỳ Hợp và chính vì vậy thời vụ chậm, năng suất, chất lượng cây trồng không cao, mà sức lao động đổ ra lại lớn. Rõ ràng, đối với Quỳ Hợp, để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai màu mỡ không còn cách nào khác là phải đầu tư đưa cơ giới hoá vào nông nghiệp. Qua tìm hiểu được biết, việc cơ giới hoá ở huyện lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn, do tập quán sản xuất lạc hậu, ái ngại khi tiếp cận KH- KT và nhất là trong việc vay vốn ngân hàng. Ông Vi Thanh Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: "Để thực hiện tốt chủ trương cơ giới hoá nông nghiệp, huyện đã làm việc với các cấp, ngành chức năng như ngân hàng, đơn vị cung cấp máy... để xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con các dân tộc và huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi mua máy nông nghiệp. Các đơn vị cung ứng máy bàn giao tại xã, đồng thời trong quá trình vận hành máy có sự cố đều được sửa chữa kịp thời, nên bà con mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua máy nông nghiệp". Rất vui khi biết rằng ở huyện miền núi Quỳ Hợp hiện đã có gần 370 máy cày đa chức năng, 175 máy tuốt lúa, 28 máy bơm nước... Bây giờ vào tận các bản làng vùng sâu, vùng xa của huyện Quỳ Hợp, sẽ thấy máy nông nghiệp trên ruộng lúa, đồi mía. Các xã Nghĩa Quang, Nghĩa Xuân, Đồng Hợp, Tam Hợp, Minh Hợp, Hạ Sơn... là những đơn vị thực hiện khá tốt trong việc đưa máy nông nghiệp vào sản xuất. Theo người dân cho hay: Nhờ có máy nông nghiệp nên khâu làm đất kịp theo vụ sản xuất, cây trồng bảo đảm độ chín nhất là đối với cây mía đã đáp ứng được kế hoạch vụ ép của nhà máy đường. Máy cày đa chức năng đã giúp cho bà con chủ động tăng vụ, tăng diện tích cây ngô và cây màu khác. Ngoài ra, trong thời gian nông nhàn, máy cày đa chức năng được lắp thêm các thiết bị khác để vận chuyển vật liệu xây dựng, cát sỏi phục vụ việc làm đường giao thông thôn, bản, công trình thuỷ lợi tạo thêm việc làm có thu nhập cao.
Hoàng Vĩnh