Nhớ một thời oanh liệt
(Baonghean) - Ngày 05/8/1964 giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Khu 4 trở thành tuyến lửa. Đặc biệt là những địa phương ven biển, hàng ngày hứng chịu không chỉ bom đạn của máy bay mà còn cả pháo từ hạm đội bắn vào. Người dân ven biển vẫn kiên cường vừa bám biển sản xuất vừa chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Hình ảnh anh dân quân Nghi Hải tay súng, tay chèo bám biển đã đi vào thi ca. Anh hùng Nguyễn Bá Vanh trước lúc hy sinh để bắt được giặc lái Mỹ... Đó là những nốt son tô thắm cho trang sử hào hùng của lực lượng dân quân địa phương vùng biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Tác giả cùng vợ chồng ông Sơn trò chuyện về kỷ niệm
bắn tàu chiến Mỹ năm xưa.
Trong căn nhà khang trang của vợ chồng ông Mai Hồng Sơn - bà Hoàng Thị Loan ở khối 2 phường Nghi Thuỷ (Thị xã Cửa Lò), ông bà kể tôi nghe kỷ niệm của trận bắn cháy tàu chiến Mỹ để bảo vệ vùng biển của địa phương. Năm 1967 Trung đội dân quân biển xã Nghi Thuỷ được thành lập. Trung đội được trang bị 2 khẩu pháo 57 ly. Chỉ sau 1 tháng huấn luyện, với sự giúp đỡ của Trung đoàn 271, trận đầu ra quân chỉ với hơn 30 phát đạn đã bắn cháy tàu chiến Mỹ. Ông Sơn còn nhớ như in ngày 26/12/1967 ông cùng 10 nữ dân quân của khẩu đội pháo mặt đất đang đẩy pháo ra trận để luyện tập (Trung đội chia làm 2 khẩu đội: 1 khẩu đội nam - 1 khẩu đội nữ). Hôm đó trời sương mù dày đặc nên tầm nhìn hạn chế, từ những ánh chớp của đạn pháo bắn lên trên tàu, với kinh nghiệm của người đi biển, ông cùng chỉ huy của trung đội ước lượng vị trí... tàu chiến địch neo đậu. Sau khi hội ý, đơn vị cho pháo vào trận địa. Chờ khi sương mù tản bớt, Trung đội phát lệnh chiến đấu. Chỉ với hơn 30 quả đạn pháo 57 ly chiếc tàu chiến bị trúng đạn phải vội vàng rút ra xa khỏi tầm bắn của ta. Và cũng từ đó tàu chiến địch không giám ngang nhiên xâm phạm lãnh hải. Cảm phục lòng quả cảm, ý chí quyết đoán trong chỉ huy, khẩu đội trưởng Mai Hồng Sơn đã lọt vào mắt xanh của pháo thủ số 4 Hoàng Thị Loan. Năm 1968 họ nên vợ chồng, ngày cưới cả trung đội xúm lại tổ chức, đơn sơ nhưng ấm cúng. Xây dựng gia đình, bà Loan vẫn cùng với chồng ngày ngày trực chiến trên trận địa. Không chỉ ông Sơn, bà Loan nên vợ nên chồng, mà trung đội dân quân biển ngày đó đã có đến 4 cặp thành ông thành bà mà nay con cháu đã yên bề gia thất. Mỗi lần kỷ niệm ngày thành lập của đơn vị, con cháu kéo đến vây kín cả hội trường. Ngồi bên cạnh chồng, tiếp chúng tôi nghe kể lại chuyện chiến đấu năm xưa của khẩu đội, thỉnh thoảng bà lại cải chính một chi tiết mà ông nhớ nhầm.
Đang sôi nổi, giọng bà như chùng xuống khi nói về cuộc sống hiện tại. Khi cả 6 người con đã yên bề gia thất, hai ông bà sống với nhau, không một chế độ ở cái tuổi xấp xỉ 70 và bà mong Nhà nước xét đến công lao của những người như ông bà đã cống hiến một phần tuổi thanh xuân cho đất nước đỡ hiu quạnh lúc tuổi già.
Khi nghe chúng tôi trao đổi về tình hình trên biển thì bà lại sôi nổi hỏi han tình hình. Bà nói, tuổi mình đã già "không còn" kham nổi việc lớn nữa những có "ai đó " đụng chạm vùng biển của quê hương bà sẽ động viên con cháu canh giữ. Bởi vì theo bà "biển là nhà". Tôi thực sự khâm phục ý chí của bà.
Anh Tuấn