Những bất cập trong công tác tổ chức lễ hội

17/02/2012 09:06

(Baonghean) Nhiều năm qua, Ngành VH,TT&DL đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và chấn chỉnh việc tổ chức lễ hội, triển khai việc quán triệt các văn bản của Chính phủ và UBND tỉnh về công tác này, nên nhìn chung công tác tổ chức lễ hội ở Nghệ An đến nay đã có nhiều bước tiến bộ, một số lễ hội đã vào nề nếp. Tuy nhiên, công tác tổ chức quản lý lễ hội vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bộc lộ nhiều bất cập, từ kế hoạch tổ chức đến sự phối hợp giữa các ban, ngành liên quan.

Trong khi đó, công tác kiểm tra, thẩm định, đánh giá của các đơn vị chức năng của ngành chưa thường xuyên, nghiêm túc. Nhiều lễ hội không được quản lý chặt chẽ, thiếu người chuyên hướng dẫn nên để du khách thắp hương, đốt vàng mã quá nhiều có nguy cơ gây cháy.Các hoạt đông vui chơi có thưởng ở nhiều lễ hội đã biến tướng thành hình thức đánh bạc trá hình, bung ra quá mức làm ảnh hưởng nhiều mặt như trật tự, VSMT, cảnh quan nơi cần được giữ tôn nghiêm. Tình trạng đảm bảo trật tự - an ninh ở nhiều lễ hội chưa được quản lý chặt chẽ, còn để kẻ gian trà trộn vào chốn thâm nghiêm móc túi của khách, trẻ ăn xin cũng vào khu vực tổ chức lễ hội như ở Lễ hội đền Cờn, đền Cuông, đền Quả...

Phần tế lễ nhiều lễ hội vùng đồng bằng còn na ná nhau, chưa rõ nét bản sắc từng lễ hội, đồng thời cũng mang nhiều tính hành chính hoá như phần diễn văn khai hội, giới thiệu đại biểu và bổ trí cả nghế bàn cho đại biểu trong tế lễ... Việc ghi công đức ở một số lễ hội còn thiếu chặt chẽ và tính khoa học; mặt khác, một số địa phương còn tuỳ tiện, dễ dãi trong việc tiếp nhận hiện vật cung tiến vào di tích và lễ hội. Chẳng hạn, vừa qua có du khách cung tiến một quả chuông vào đền Bạch Mã, BQL di tích ở đây tiếp nhận nhưng chưa thông qua ngành Văn hoá nên lại phải dừng lại. Công tác đảm bảo VS-MT ở nhiều lễ hội còn chưa tốt, bài giải về rác thải sau lễ hội luôn là vấn đề nhức nhối cho các đơn vị tổ chức lễ hội các địa phương.


Cái khó nhất trong tổ chức lễ hội là xác định đúng chủ đề mang đặc trưng, bản chất tạo sắc thái riêng của từng lễ hội, từ đó khai thác được các giá trị văn hoá của từng địa phương, vùng miền vào lễ hội. Chẳng hạn, trong Lễ hội Cầu ngư các xã ven biển Quỳnh Lưu, lễ hội xưa có tích diễn là làm một con thuyền lớn bằng tre, dán giấy màu rất đẹp, đưa lễ vật lên đó và sau lễ phóng ra biển đốt để cầu mong các vị thần phù trợ, thì nay lại dùng thuyền thật cũng đặt lễ lên và chèo thuyền ra gần cửa lạch rồi... quay vòng trở lại là sai lệch cả nội dung và hình thức lễ cầu ngư. Có thể nói, hiện nay hầu hết các lễ hội đang có sự cắt xén cả hình thức lễ, các tích trò diễn xướng... làm biến dạng và na ná nhau của lễ hội truyền thống.


Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, yếu tố truyền thống và hiện đại đan xen là tất yếu trong lễ hội, nhưng cần xác định đâu là yếu tố truyền thống mang giá trị đặc trưng của lễ hội cần được bảo tồn gần với nguyên gốc, không "biến dạng" quá đà, quá mức như dẫn chứng đã nêu.


Một vấn đề quan trọng nữa là thông qua lễ hội để mọi người hiểu được ý nghĩa lễ hội, cảm thức được bằng văn hoá tâm linh, thánh thiện, làm tăng sự cố kết cộng đồng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và quê hương. Ngoài sự tuyên truyền giáo dục bằng văn bản (bài giới thiệu, thần tích, thần phả, sắc phong...), thì các bước hành lễ, diễn tích, các trò chơi dân gian... cũng góp phần quan trọng. Tuy nhiên, nhiều lễ hội hiện nay chưa làm tốt cả 2 mặt này.


Điều đáng nói nữa là khuynh hướng thương mại hoá lễ hội đang ngày càng tăng lên từ ban tổ chức đến người dân, làm sai lệch bản chất, nội dung lễ hội. Điều này thể hiện trước hết ở cảnh sắp xếp các hàng quán, dịch vụ vui chơi có thưởng tràn lan, lấn vào lối chính của lễ hội. Mặt khác, khâu quản lý và sử dụng nguồn tiền công đức từ các di tích và lễ hội lâu nay hầu hết còn thiếu công khai, minh bạch. Tiền công đức từ các lễ hội đền Cờn, đền Ông Hoàng Mười lên tới nhiều tỷ đồng, các di tích khác thấp hơn cũng lên tới hàng trăm triệuđồng, nhưng số tiền này được sử dụng ra sao, có phục vụ việc tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội hay không vẫn chưa được được công khai minh bạch.


Để quản lý và chấn chỉnh kịp thời trong tổ chức lễ hội, việc cần làm là tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm, đồng thời có sơ kết, đánh giá kịp thời những địa phương, đơn vị và cá nhân làm tốt và chưa tốt trong tổ chức lễ hội hàng năm. Nếu không mọi lễ hội cứ "đến hẹn lại lên" rồi mọi việc lại cứ"vàng thau lẫn lộn".


Mai Hồ Minh

Mới nhất

x
Những bất cập trong công tác tổ chức lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO