Trường Sa, mùa xuân vĩnh cửu
(Baonghean.vn0) - Cứ mỗi độ xuân về, trên các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa lại chộn rộn, náo nức bởi đợt thay quân, thu quân như thường lệ. Chúng tôi vinh dự được có mặt ở tất cả các điểm đảo này, chứng kiến và phản ánh không khí rộn ràng đón Xuân, công tác sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Trường Sa. Và chúng tôi đã gặp những chàng lính biển quê Nghệ An, tất cả họ đều vững vàng, can trường giữa nghìn trùng biển khơi…
Sau chặng hành trình nhiều ngày chạy vòng tránh bão, sóng phủ tràn trắng xóa trên boong, tàu HQ 936 (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) đã đưa chúng tôi cập đảo Tốc Tan A, huyện đảo Trường Sa.
Màu xanh trên đảo chìm
Lính biển
Có lẽ mọi người trên đảo cũng thấu hiểu nỗi vất vả của các thành viên trong đoàn nên khi vừa tới điểm đảo đầu tiên, Trung uý, Bác sĩ Nguyễn Công Tuấn, phụ trách quân y đảo Tốc Tan A không kịp để cánh phóng viên chúng tôi hỏi chuyện, chính anh là người hỏi thăm sức khoẻ các vị khách trước: “Các anh, chị có ai bị say sóng không?”, hai nữ phóng viên Hồng Nhạn và Phương Duyên đon đả: “Cập đảo các anh là bọn em hết say liền à!”.
Những tiếng cười vui mang tình cảm nồng ấm từ đất liền và hương vị tết sớm đến với các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữa trùng khơi làm mọi người quên hết mệt nhọc. Trung uý Nguyễn Công Tuấn từng có “thâm niên” 6 năm công tác ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chàng trai quê Đô Lương, Nghệ An này còn kiêm chức Bí thư chi đoàn Tốc Tan. Anh kể với chúng tôi về những kỷ niệm khó quên sau 6 cái tết xa đất liền. “Ngày ấy, khi các đảo chưa có sóng điện thoại, mỗi khi có tàu của đất liền cập đảo là chúng tôi thường chuẩn bị viết thư sẵn từ…vài tuần trước. Khi tàu vào, mình chỉ việc đề ngày, tháng và địa chỉ chuyển về, bởi thế mà nhiều lúc nhận được thư hồi âm, thấy người nhà nhắc lại những chuyện xa lắc từ trong thư trước, nhiều lúc mình cứ “ngớ” người ra không hiểu”. Bây giờ thì không còn cảnh mong ngóng những dòng thư của người thân như trước nữa bởi sóng điện thoại đã phủ khắp các điểm đảo, và đôi lúc giữa trùng khơi những người lính đảo còn được gặp cả… đồng hương khi bà con ở các tỉnh xa tới đánh bắt hải sản ở khu vực Tốc Tan A.
Hạ sĩ Tạ Hồng Hà vui sướng bê chậu mai vàng được chuyển từ đất liền ra, trang trọng đặt vào phòng họp của đảo. Đây là cái tết trên đảo đầu tiên của chàng trai đất cảng Hải Phòng. Anh nói: Đêm giao thừa anh sẽ gọi điện về chúc tết những người thân trong gia đình, bạn bè, người thân. Cuộc chia tay giữa những người ở lại và những người hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền diễn ra khẩn trương nhưng đầy cảm động. Thiếu tá Ngô Đình Dược, chính trị viên mới của đảo nhanh chóng sắp xếp quân từ trang vào căn phòng nhỏ rồi trở ra bến xuồng. Anh nắm chặt tay Thiếu tá Lê Văn Cường, nguyên đảo trưởng Đảo Tốc Tan, lắng nghe lời dặn dò của người đảo trưởng cũ… Trên chiếc xuồng CQ chòng chành bởi sóng lớn, Thiếu tá Cường giơ cao tay vẫy chào những người ở lại, anh xúc động: "Đời lính biển tôi đã từng nhiều lần ra đảo, nhiều lần chia tay đồng đội, và không có lần nào là không nôn nao, xúc động như là lần đầu tiên xa nhà đi xa…".
Các trạm phát sóng ĐTDĐ trên các đảo chìm góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Trường Sa
Thượng tá Nguyễn Văn Thư, Phó Chính uỷ Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác trao đổi với chúng tôi: “Trước những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của cơn bão số 7, chúng tôi đã tổ chức thay đổi hành trình để đảm bảo đúng kế hoạch chuyến công tác, mặc dù trong quá trình xuất phát gặp nhiều khó khăn, biển động cấp 7 cấp 8 song các thuỷ thủ trên tàu vẫn bình tĩnh xử lý các tình huống, bảo đảm an toàn về con người, phương tiện và thời gian cập đảo theo kế hoạch nhằm chuyển những món quà tết, nhất là các loại thực phẩm tươi sống… tới tận tay cán bộ, chiến sĩ các đảo thuộc tuyến giữa Trường Sa. Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn công tác vẫn bảo đảm sức khoẻ và sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những chặng hành trình tiếp theo”.
Đồng chí Hồ Công Tuệ, nhân viên cơ yếu của đảo đến hôm nay mới được mang lên vai đôi quân hàm đại úy, bởi từ khi có quyết định thăng quân hàm tháng 7-2011 cho đến hôm nay mới có chuyến tàu ra đảo, đôi cầu vai mới đến được tay anh. Tuệ đã ở đảo này được 20 tháng, biền biệt xa nhà gần hai năm rồi và Tết này anh vẫn tiếp tục ở lại trực đảo. Gia đình nhỏ của anh ở huyện Thanh Chương, Nghệ An vẫn ngày ngày mong ngóng… Tuệ tâm sự với chúng tôi rằng, bữa tháng 7 nghe tin con gái nhỏ bị tai nạn giao thông, anh gọi điện thoại gặp con con gái đang nằm trong bệnh viện, biết con đau lắm mà anh không làm gì được, nước mắt chảy ròng vì thương con…
Xuồng CQ rẽ sóng chạy với vận tốc 18 hải lý/giờ chở chúng tôi sang điểm C đảo Tốc Tan. Chúng tôi được biết, loại xuồng mới này được trang bị, sử dụng rất hiệu quả ở Trường Sa trong việc vận chuyển, đi lại giữa các điểm đảo, cứu hộ, cứu nạn và nhất là việc đẩy đuổi các xuồng, mủng đánh cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền.
Điểm C đảo chìm Tốc Tan là một ngôi nhà nhỏ, khá chật chội. Lại càng chật hơn nữa vì tại đây có đặt một trạm BTS phát sóng di động của Viettel phủ sóng cho toàn bộ khu vực. Lên đảo cùng với chúng tôi là các nhân viên kỹ thuật của Công ty cổ phần công trình Viettel mang trang thiết bị ra nâng cấp cho trạm phát sóng.
Chỉ huy trưởng điểm C đảo Tốc Tan, Thượng úy Phạm Quốc Phương tròn 30 tuổi, đen sạm. Chúng tôi trò chuyện với nhau trên ban công hẹp, gió biển Trường Sa dào dạt thổi xiêu những giàn rau xanh mướt được che chắn cẩn thận. Thượng úy Phương có con trai ba tuổi bị bệnh hiểm nghèo, hiện đang điều trị tại Bệnh viện huyết học TP Hồ Chí Minh nhưng anh cũng không nói nhiều về điều đó. "Điều quan trọng nhất ở trên mỗi hòn đảo chìm này là mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tự xác định cho mình quyết tâm cao độ trong nhiệm vụ cũng như trong cuộc sống gia đình. Có như thế mới có thể yên tâm đứng giữa biển trời, sẵn sàng đối mặt với vất vả, hi sinh".
Rời đảo chìm Tốc Tan, tàu HQ 936 chở chúng tôi đi tiếp về đảo Phan Vinh. Hoàng hôn, đảo chìm Tốc Tan mờ dần trong tầm mắt, chỉ còn lại màu xanh đại dương vĩnh hằng… Đó cũng chính là màu xanh vĩnh cửu của mùa xuân mà trong đó đã chan hòa bao máu xương của các thế hệ người Việt gìn giữ từng tấc đất chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Trần Hoài – Minh Tuệ