Niềm tự hào về một mái trường

04/05/2012 15:08

(Baonghean.vn) - Tôi có nhiều người bạn ở miền quê ấy, chứng kiến những cuộc gặp gỡ giữa họ, dù ở bất cứ nơi nào, đều thấy ánh lên một niềm ấm áp, tự hào: Là học trò trường Phan Đăng Lưu. Về Yên Thành vào những ngày náo nức đầu tháng Năm, ghé thăm ngôi trường mang tên người con ưu tú của quê hương, đi dưới hàng xà cừ thâm trầm tỏa bóng mát,và ríu rít áo trắng giờ tan trường để cảm nhận thật rõ vì sao ngôi trường bình dị này đã làm nên niềm thương, nỗi nhớ của bao lứa học trò đi xa và trở thành niềm tự hào của mỗi người dân quê lúa...

T rong màu áo trắng ấy, tôi đã gặp Trần Thị Minh Nguyệt, học sinh lớp 12,vừa đạt giải Nhất học sinh giỏi tỉnh môn Toán, cũng là một đảng viên trẻ mới được kết nạp trong trường. Em chia sẻ: Ngay từ ngày học lớp 9, thì em hay bất cứ một học sinh cấp 2 nào của huyện nhà đều có giấc mơ sẽ trở thành học sinh của Trường Phan Đăng Lưu. Em còn nhớ cái cảm giác ngưỡng mộ của mình mỗi khi nhìn thấy các anh chị bước vào ngôi trường này. Đến lượt mình, suốt 3 năm học, dù năm nào cũng được ôn lại truyền thống của trường mình, năm nào cũng được nghe thêm một lần về cuộc đời, sự nghiệp của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, nhưng khi nào chúng em cũng vẫn vẹn nguyên niềm tự hào. Đó cũng là một động lực giúp em cố gắng vươn lên…

Thầy Bùi Văn Hưng - Hiệu trưởng nhà trường đã giúp tôi hình dung thêm về chặng đường phát triển của trường bằng những mốc son thời gian.




Trường PTTH Phan Đăng Lưu đón nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT. Ảnh: Đ.C

Hơn 50 năm trước, cả huyện Yên Thành chỉ có vài chục học sinh tốt nghiệp cấp 2 phải xuống Diễn Châu hoặc lên Đô Lương để học lên cao nữa. Ngày 1/9/1961 đã đánh dấu sự kiện quan trọng: Một ngôi trường cấp III khai sinh tại đình Bảo Lâm, đất Tràng Thành với 3 lớp 8, khoảng 150 học sinh và 7 thầy giáo. Trong số học sinh lứa đầu tiên đó, có 5 người đã hy sinh trên chiến trường chống Mỹ. Hai năm sau đó, một cơ sở mới được dựng lên tại địa điểm trường bây giờ, là kết quả của bao nhiêu mồ hôi, công sức gánh đá, đào đất, chở cát của phụ huynh và học sinh. Vừa đi vào nề nếp được 4 năm thì giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, trong lúc phải lo hỗ trợ cho Trường cấp III Yên Thành 2 mới thành lập, thì thầy và trò đồng thời lo sơ tán. Trường được dựng lên trong xóm Hóp, xã Văn Thành với lán lũy, hầm hào bao quanh, được sự giúp đỡ, chở che của những người dân lam lũ. Dù thiếu thốn đủ bề, dù trên đầu máy bay giặc điên cuồng gầm rú, thì dưới hào, trong lán, những bài giảng vẫn vang lên. Giặc Mỹ có thể “đem bom nghìn cân, dội lên trang giấy trắng” (thơ Chính Hữu), nhưng không làm nguội tắt niềm khao khát được học tập, không làm tắt được ánh sáng của tri thức đã được nhen lên ngay từ hào sâu, hầm tối. Cho tới khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, thầy và trò Trường cấp III Yên Thành 1 lại giã từ nơi sơ tán, dựng lại phòng học là những lán tranh tre trên đất cũ bị bom đạn tàn phá. Năm 1972, cuộc sơ tán lần thứ 2 diễn ra khi giặc Mỹ đánh phá lại miền Bắc. Lán lũy lại được dựng lên ở Kẻ Ngòi, Tăng Thành và sau này là vùng đồi Thạch Châu, Văn Thành. Những người dân lam lũ lại một lần nhường đất, nhường vườn, nhường nhà cho thầy, trò ở và học tập cho tới sau Hiệp định Pari ký kết (1973).

10 năm chiến tranh (1965-1975) trải qua những thiếu thốn, vất vả nhưng cũng là 10 năm đầy tự hào của Trường: Vừa di chuyển, vừa xây dựng nhưng không sao nhãng việc dạy và học, trở thành một trong những trường khá trong phong trào thi đua “Hai tốt” của tỉnh. Từ năm 1981, thầy và trò đã tự đóng và nung gạch xây trường để đến năm 1986, Trường đã “ngói hóa” toàn bộ phòng học, phòng làm việc. Trong điều kiện một huyện thuần nông còn muôn vàn khó khăn bấy giờ, mới thấy có được sự khang trang ấy là cả một thành quả lớn.

Một mốc son quan trọng ấy là từ ngày 25/4/1984, Trường được mang tên nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Cũng từ đây, hoạt động của Trường vừa phát triển chiều sâu chất lượng văn hóa, đạo đức, vừa phát triển bề nổi, luôn gắn chặt với phong trào cách mạng của đất nước, của địa phương. Năm học 1995-1996, cùng với 4 trường trong tỉnh, Trường THPT Phan Đăng Lưu đã thực hiện chương trình thí điểm phân ban đạt kết quả tốt. Năm học 2006-2007, Trường nằm trong tốp 100 trường cả nước có số học sinh thi đậu đại học cao nhất. Hơn 50 năm, Trường đã vinh dự đón nhận 3 Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba; được Bộ GD&ĐT tặng cờ thi đua xuất sắc 3 năm liền; 2 thầy giáo được nhận danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” là thầy Chu Văn Tần và thầy Nguyễn Khuân; 7 học sinh đậu thủ khoa đại học; 5 học sinh đạt danh hiệu HSG Quốc gia. Trường đã đào tạo 48 khóa với 28.000 học sinh tốt nghiệp, trong đó có 142 học sinh đã ngã xuống trên chiến trường, hàng ngàn người là kỹ sư, bác sỹ, hàng trăm nhà khoa học, nhà quản lý xuất sắc, hàng chục sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang, anh hùng quân đội, đại biểu Quốc hội…

Rất nhiều những cái tên được nhắc đến để làm nên niềm tự hào của mái trường Phan Đăng Lưu trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, là các thầy hiệu trưởng qua các thời kỳ, đặc biệt là thầy Nguyễn Như Du, thầy Chu Văn Tần, và những học sinh thành đạt, giỏi giang: Nguyễn Tâm Chiến, Nguyễn Trọng Xương, Phan Văn Quý, Lê Quang Hưng, Hồ Xuân Sơn, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thành Biên, Nguyễn Đình Chi, Đinh Viết Hồng… Nhưng không thể không nhắc đến rất nhiều người, bằng niềm yêu mến, tự hào đã nhen nhóm ước mơ trở thành giáo viên của chính mái trường mình học. Họ là các thầy cô: cô Quỳnh Giang, cô Quế Bình, thầy Đức Nghĩa, thầy Văn Khoa…của ngày hôm nay. Thật giản dị, đôi khi ước mơ, niềm quyết tâm trở về chỉ vì những bài giảng, sự ân cần một thầy giáo tâm huyết in sâu mãi trong tâm trí, vì mái trường thân thuộc đến khó thể rời xa, vì hàng điệp trước sân do chính tay mình trồng hình như vẫn vẫy gọi ở phía quê hương, vì bao nhiêu kỷ niệm đã làm nên chính mình ngày hôm nay…

Họ đã trở về, mang cả nỗi niềm của bao người đi xa nữa. Để giữ mãi những điều đẹp đẽ nhất của những năm tháng là học sinh Trường Phan Đăng Lưu! Trong niềm vui của những lần gặp mặt, họ nhắc về hồ sen chỉ còn trong hoài niệm, cái hồ sen với những bậc tam cấp để học trò giải lao sau giờ thể dục với mặt nước tĩnh lặng trong veo, mùi hương thanh khiết tỏa ra mát thơm từ những đóa hoa hồng phấn để gặp bất cứ hồ sen nào trong đời, họ đều giật mình thảng thốt. Nhắc về hàng xà cừ mấy chục năm tuổi, kiên cường trong bão gió đến giờ vẫn tỏa bóng mát bình yên trong sân trường. Về những cây bàng, cây điệp…do các lớp nhận trồng với những kỷ niệm “ăn, ngủ với cây, xót xa khi mùa bão nổi”. Về những bữa trưa mang theo cơm nắm, muối vừng và mấy cọng dưa muối mặn. Về nguồn nước mát trong từ giếng nước trong trường được học trò lấy uống những trưa hè nắng cháy năm nào. Về những chiếc xe cà tàng chở học trò nghèo thường xuyên tuột xích, để các cô, cậu lấm lem suốt chặng đến trường. Cả ngày ấy, và bây giờ, dù đã là ký ức hay đang là hiện tại, thì những lứa học trò sinh ra nơi vùng chiêm trũng đã mang theo niềm ước mơ của mình sau tấm áo bạc màu đồng đất, những bó củi chất nặng vai gầy, những đường cày từ tinh sương, đôi quang gánh trĩu nặng mồ hôi mùa vụ của mẹ, của cha, của bà con xóm giềng. Họ đã học cách yêu thương cuộc đời để lớn lên như thế…

Sân trường hôm ấy bỗng thênh thang. Những cây xà cừ với thảm lá rực vàng xào xạc dưới chân bước đã làm nên một bức tranh đẹp, độc đáo của mái trường này. Tôi đã nhìn thật lâu những lớp vỏ xù xì của hàng cây ấy, để thấy rằng đã bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu nắng gió đi qua, hàng cây đã trở thành nhân chứng lịch sử của lớp lớp học sinh lớn lên. Từ những bước chập chững đầu tiên, cho tới khi đã sải cánh muôn phương, thì tiếng trống trường vẫn nôn nao trong tâm tưởng. Họ đã từng gửi nỗi nhớ của mình lên những vòm xanh dậy tiếng ve ran, khắc một dòng tên của người bạn trai, bạn gái dưới lớp vỏ cây này. Hàng cây lặng lẽ thâu nhận trong mình tất thảy nỗi niềm để vòm lá thắm một ngày reo cùng với nắng, gió trời xanh về ước mơ trở thành một chính khách, một doanh nhân, về nỗi buồn bị thầy quở mắng, về mối tình đầu chưa ngỏ mãi mãi nằm trong những thớ gỗ im lặng…

Cũng thật giản dị như chính quê hương này đã hun đúc lên tư tưởng của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Những lứa học trò ngày xưa nhớ, nhắc và tự hào về ngôi trường của mình như mái nhà bao dung, ấm áp. Để ở đâu, gặp nhau vẫn ríu rít, tự hào, đều khiến người khác phải thoáng chút ghen tỵ, rằng: “Học trò Trường Phan phải không?”.


Thùy Vinh

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Niềm tự hào về một mái trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO