Việt Nam thực thi Công ước với tư cách là quốc gia có cảng và quốc gia ven biển
(Baonghean.vn) Trên cơ sở quy định của Công ước 1982, Việt Nam đã thực hiện tập trung ở 2 lĩnh vực chính, đó là an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường:
+ Trong lĩnh vực an toàn hàng hải: với trách nhiệm của quốc gia ven biển, quốc gia có cảng, nước ta đã thực hiện loạt các công việc sau:
- Có hệ thống đèn biển, hệ thống báo hiệu hàng hải và dịch vụ hoa tiêu hàng hải dẫn dắt cho tàu hoạt động ra vào các cảng biển, vùng biển hoặc đi qua vùng biển Việt Nam. Có hệ thống đèn biển từ Bắc vào Nam, ra tới Biển Đông - Trường Sa gồm 72 chiếc, 29 luồng và 29 hệ thống báo hiệu hàng hải trên luồng do Trung ương quản lý; ngoài ra còn một số luồng do địa phương quản lý
- Việt Nam đã tham gia Công ước viễn thông toàn cầu và đã có hệ thống đài thông tin duyên hải đáp ứng thông tin liên lạc giữa các tàu và các tàu với bờ; hệ thống này đã hoà mạng với hệ thống thông tin hàng hải quốc tế gồm 14 đài là Đài thông tin mặt đất Hải Phòng, Đài thông tin duyên hải Hải Phòng, Đài thông tin duyên hải TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Hòn Gai, Móng Cái, Cửa Ông, Bến Thuỷ, Huế, Quy Nhơn, Cần Thơ, Kiên Giang. Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và khai thác là Công ty Thông tin điện tử hàng hải.
- Tổ chức tìm kiếm, cứu nạn người trên biển: đây là một trong những nghĩa vụ nhân đạo mà quốc gia ven biển, quốc gia có cảng phải thực hiện, được quy định tại Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển mà Việt Nam là thành viên.
- Trong phạm vi nội thủy và lãnh hải Việt Nam, tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài phải chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn hàng hải của Việt Nam. Các quy định này đã được ghi nhận trọng Bộ Luật Hàng hải nước ta.
- Thanh tra an toàn hàng hải có quyền kiểm tra và xử phạt hành chính các vi phạm của tàu biển Việt Nam và nước ngoài khi hoạt động tại nội thuỷ, lãnh hải của Việt Nam nếu có đủ nghi ngờ khả năng an toàn của tàu hoặc khi tàu vi phạm quy định về an toàn hàng hải của Việt Nam.
- Tàu biển Việt Nam và nước ngoài khi hoạt động tại vùng nước cảng biển và luồng quá cảng của Việt Nam phải có đầy đủ giấy chứng nhận dung tích và các giấy chứng nhận này phải phù hợp với quy phạm Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia…
+ Trong lĩnh vực phòng ngừa ô nhiễm biển, bảo vệ môi trường biển từ hoạt động hàng hải: Việt Nam đã có hàng loạt chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường: khi hoạt động tại các vùng nước thuộc chủ quyền Việt Nam phải chấp hành đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường. Đối với tàu có nguồn gây ô nhiễm phải có quy định về thiết kế kỹ thuật đảm bảo. Cảng biển và vùng neo đậu phải có thiết bị tiếp nhận chất thải từ tàu; có quy định về xử lý, bồi thường làm sạch tàu và làm sạch ô nhiễm môi trường từ các tai nạn hàng hải gây ra cho các chủ tàu…
(còn tiếp)
Phòng bạn đọc (Gt)