Xuất bản thơ: Cần quan tâm chất lượng
(Baonghean) Năm 2011, NXB Nghệ An cấp giấy phép cho loại sách văn học nghệ thuật thì thơ được xuất bản nhiều hơn cả, có tới 32 cuốn, văn 7 cuốn.
Trong số đó, tác giả không chuyên của các câu lạc bộ thơ chiếm tới 2/3. Không thể thống kê hết được có bao nhiêu CLB thơ được thành lập từ phường, xã, cơ quan, đơn vị, trường học... Trong những tập thơ phong trào, thỉnh thoảng vẫn có những bài hoặc tập thơ tốt, song số đó không nhiều.
Bởi vậy, các nhà xuất bản cần tinh tường trong việc sàng lọc, lựa chọn cấp giấy phép cho loại thơ phong trào này. Có một thực tế trong những năm gần đây, thơ phong trào ngày càng phát triển. Cùng với sự nở rộ của CLB thơ là phong trào tự bỏ tiền in thơ. Số sách thơ đã xuất bản của các tác giả không chuyên được in theo đường chính thống hoặc được in không chính thống qua các cơ sở in tràn lan hiện nay là không thể thống kê và kiểm soát được, gây khó khăn cho việc quản lý nội dung tư tưởng của các cơ quan có trách nhiệm.
Thực ra, các tác giả cao tuổi đều chỉ có nhu cầu ghi lại những kỷ niệm của cuộc đời, để có sách tặng bạn hữu, con cháu, chỉ muốn qua thơ để gửi gắm tâm tình, bày tỏ những cảm xúc, suy tư, chiêm nghiệm trong cuộc sống. Đây là điều đáng trân trọng. Mấy năm gần đây, thơ Nghệ An đạt khá nhiều giải thưởng ở Trung ương và địa phương. Một số tác giả mới xuất hiện như: Phạm Mai Chiên, Trần Thu Hà, Nguyễn Trường Thọ,... bên cạnh các nhà thơ đã định hình về phong cách, có "thương hiệu" với bạn đọc như: Thạch Quỳ, Lê Quốc Hán, Đặng Hồng Thiệp, Phan Văn Từ, Phan Quốc Bình, Nguyễn Thị Phước, Vũ Toàn... Điều đó được chứng minh qua Giải thương VHNT Hồ Xuân Hương năm 2011 (có trên 40 tập thơ đạt giải). Thơ các cụ cũng có nhiều bài có chất lượng,như thơ của các CLB thơ: Hồng Lam, Trường Thi, Bến Thuỷ, các CLB thơ Đường...
Cơ chế thị trường đã tác động đến hoạt động của các nhà xuất bản, nhiều loại hình xuất bản ra đời, cạnh tranh quyết liệt. Vì vậy, đảm bảo vừa phục vụ chính trị, vừa phải tự trang trải là điều nhà xuất bản hiện nay đang rất quan tâm, trong khi giá cả tăng cao, người mua sách văn học không nhiều, văn hoá đọc sa sút...
Ông Hồ Văn Sơn - Phó Giám đốc Nhà xuất Nghệ An tâm sự: "Vẫn biết rằng thơ phong trào của các tác giả không chuyên có nhiều hạn chế, song cũng phải thấy được chính số lượng thơ này là cứu tinh cho các nhà xuất bản hiện nay''. Tuy vậy, cũng không nên vì doanh thu mà coi nhẹ chất lượng tác phẩm cấp giấy phép, đồng thời đưa những tác phẩm thật sự có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đến với bạn đọc, đồng thời giữ uy tín cho nhà xuất bản!
Vũ Ba Lan