Bài cuối: Cần tạo nguồn lực về vốn
Hiện nay, tổng vốn chủ sở hữu của các DNNN Nghệ An (Nhà nước sở hữu 100% vốn) trên 2.080 tỷ đồng. Phần lớn nguồn vốn đó chủ yếu đầu tư vào các công trình thủy lợi, rồi được giao cho các doanh nghiệp công ích hoạt động trong lĩnh vực thủy nông. Còn về phần vốn lưu động của nhà nước tại các doanh nghiệp kinh doanh chỉ 382 tỷ đồng. Đứng đầu về số vốn của nhà nước tại hệ thống doanh nghiệp là Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An với 177 tỷ đồng và các doanh nghiệp khác có quy mô lớn nhưng vốn điều lệ rất khiêm tốn như: Công ty TNHH một thành viên Nông - Lâm nghiệp Sông Hiếu là 37 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư & Phát triển chè là 18,6 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư sản xuất - Xuất nhập khẩu cà phê cao su 16,6 tỷ đồng… Còn lại, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ mức vốn từ 5-8 tỷ đồng, đặc biệt hiện vẫn còn 2 doanh nghiệp có vốn dưới 1tỷ đồng.

Doanh nghiệp cần vốn đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng chế biến chè xuất khẩu
Với con số đó cho thấy, nguồn lực vốn để quay vòng sản xuất các DNNN trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp và đây là một trong những nguyên nhân làm cho không ít DNNN khó tạo được bước “đột phá” để đi lên. Chính vì vậy, các DNNN phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo kế hoạch của tỉnh, trong thời gian tới một số Công ty TNHH một thành viên sẽ tiếp tục chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa (CPH) và trong lộ trình, 5 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cấp nước và Công ty TNHH một thành viên Môi trường - đô thị cũng sẽ tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần (Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn). Đối với Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An, khi tiến hành chuyển đổi sang CPH sẽ gặp không ít khó khăn, vì không những nguồn vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp này rất lớn (177 tỷ đồng), mà doanh nghiệp cũng đang nợ vốn vay đầu tư dự án cấp nước lên đến 138 tỷ đồng.
Do đặc thù của lĩnh vực đầu tư - kinh doanh cấp nước sạch nên rất khó khăn trong việc hút nhà đầu tư khi bán cổ phần (tại một số tỉnh, thành khi tiến hành CPH doanh nghiệp cấp nước chỉ bán được 20% cổ phần). Theo ông Phan Cảnh Đệ - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty cho biết: “Nhiệm vụ của ngành cấp nước sạch trong thời gian tới là rất nặng nề và sau CPH, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay, nhất là nguồn vốn vay của nước ngoài cho các dự án cấp nước trên địa bàn. Vì vậy rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp, ngành đểdoanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Đây cũng là vấn đề băn khoăn của các doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn tỉnh sau này khi tiến hành CPH.
Theo kế hoạch của tỉnh, trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì 20 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước là: Công ty TNHH một thành viên Xổ số khiến thiết; 7 Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi và 12 Công ty TNHH một thành viên là nông, lâm nghiệp. Như vậy, để các DNNN đủ mạnh vươn lên sản xuất - kinh doanh có hiệu quả và phát huy được nguồn vốn nhà nước, thì vấn đề phải đượckhai thôngcho doanh nghiệp là vốn và cơ chế chính sách phù hợp... Như đã nêu trên, một sốDNNN có quy mô lớn nhưng vốn nhà nước lại quá khiêm tốn như Công ty TNHH một thành viên Đầu tư & Phát triển chè. Hiện tại, doanh nghiệp có 8 đơn vị thành viên và có “sự ảnh hưởng” rất lớn đến các vùng chè nguyên liệu rộng lớn ở Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông… nhưng hiện vốn nhà nước chỉ là 18,6 tỷ đồng. Giám đốc công ty cho biết: “Để đáp ứng được các hợp đồng xuất khẩu lớn, doanh nghiệp phải đầu tư khá nhiều công sức, tiền của để xây dựng vùng nguyên liệu chè,trong khi đó nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp hạn chế, đã vậy vấn đề quy hoạch sử dụng đất đai chưa phù hợp, nên trong quá trình đầu tư, phát triển doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn”.
Tại Công ty TNHH một thành viên lâm - nông nghiệp Sông Hiếu quản lý 6 đơn vị thành viên là các lâm trường Nghĩa Đàn, Cô Ba, Quỳ Hợp, Đồng Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong. Với đặc thù hoạt động ở địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, rất cần sự đầu tư hợp lý về nguồn vốn của nhà nước.
Các doanh nghiệp ở Nghệ An sau khi chuyển đổi sang mô hình mới gặpnhiều khó khăn về vốn, vì vậy giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN ở tỉnh ta trong thời gian tới là cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đây là một trong những khâu quan trọngtạo nền tảng cho các doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó các cấp, ngành chức năng hàng năm cần có kế hoạch hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp tương xứng với nhu cầu vốn.
Được biết, sau khi chuyển đổi sang Công ty TNHH một thành viên, mức vốn nhà nước hiện có so với mức vốn điều lệ của các DNNN sở hữu 100% vốn đã được tỉnh phê duyệt hiện còn thiếu hơn 200 tỷ đồng. Trong điều kiện vốn điều lệ hiện có là quá thấp so với nhu cầu sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, khiến cho DN càng khó cạnh tranh. Cùng với việc tháo gỡ khó khăn về vốn, các DNNN ở tỉnh ta hiện nay cũng đang rất cần sự trợ giúp để mở rộng thị trường tiêu thụ, đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp cũng như đối với người lao động…
Đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN thuộc tỉnh quản lý và là vấn đề cấp thiết hiện nay. Bởi nếu thực hiện tốt, các DNNN sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng hiệu quả các chính sách công, tạo điểm tựa cho nhiều doanh nghiệp vệ tinh khác.
Hoàng Vĩnh