Hàng Việt với người Việt vẫn mang hình thức

22/12/2011 11:02

Sau 2 năm thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 40 tập thể và 44 cá nhân được khen thưởng sau cuộc vận động. Tuy nhiên, thực tế người tiêu dùng chưa “với” được tới hàng Việt Nam giá rẻ, chất lượng cao.

Hàng Việt mới chỉ tiếp cận với một bộ phận nhỏ người tiêu dùng thành thị.

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập WTO, nguồn vốn các doanh nghiệp (DN) nước ngoài lớn, sản phẩm ngoại nhập chất lượng, giá cả cạnh tranh buộc các DN sản xuất trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt thị hiếu khách hàng, cũng như xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt.

Tuy nhiên, cuộc vận động chưa đi vào được đời sống đông đảo đại bộ phận người dân ở các vùng miền, nhất là người tiêu dùng ở vùng nông thôn và miền núi. Người tiêu dùng các vùng sâu vùng xa vẫn tiêu dùng chủ yếu các mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc, hàng Việt chất lượng cao giá rẻ chưa tiếp cận được với người dân vùng núi và nông thôn.

Ông Lê Bá Trình, Trưởng ban tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhận định: “Cuộc vận động là cuộc cách mạng thay đổi từ nhận thức tới hành vi của người tiêu dùng là một chặng đường dài. Trong cuộc vận động này, không ít các đơn vị triển khai còn mang tính hình thức, chưa tạo được sự tham gia sâu rộng của các tổ chức, cá nhân trong DN; chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Những việc làm còn mang tính hội nghị, chưa đưa ra kế hoạch cụ thể. Ở trên cứ chỉ đạo cho có việc, ở dưới làm tới đâu thì làm…”.

Chính vì sự hời hợt trong cách tổ chức, thiếu sự giám sát từ cấp trên nên hàng Việt Nam mới chỉ tới được với một bộ phận nhỏ người tiêu dùng. Hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng cạnh tranh với hàng chính gốc bằng giá rẻ và mẫu mã lien tục thay đổi.

Do hầu hết các DN đã cổ phần hóa nên mục tiêu lợi nhuận đặt lên hàng đầu nên phân khúc thị trường của các DN vẫn chú trọng phần nhiều vào phân khúc cho khách hàng trung lưu trở lên. Hàng Việt chất lượng cao, giá rẻ chủ yếu vẫn ở thị trường thành thị, chưa tới được với người dân các tỉnh vùng nông thôn và miền núi.

“Nguyên nhân hàng Việt tới thị trường nông thôn còn thưa là do phí vận chuyển cao, nguyên phụ liệu đầu vào tăng giá mạnh, nhất là giá bông trong năm qua, tỉ giá USD/VNĐ liên tục biến động mạnh, làm giá thành sản phẩm không thể thấp hơn. Nếu bán với giá rẻ cho tất cả người tiêu dùng mua được thì DN không có lãi. Vì thế, DN cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của Chính phủ về vốn và các thủ tục pháp lý…” - Bà Nguyễn Thị Hồng Tín, Trưởng ban thị trường trong nước, Tập đoàn dệt may Việt Nam phân tích.

Hội chợ thời trang hàng Việt Nam thu hút người tiêu dùng tới mua, tuy nhiên giá cả về hàng quần áo, giầy dép (loại đẹp) vẫn ở mức khá cao. Trừ những bộ quần áo, giầy dép hàng bình thường giá từ 100 - 200 nghìn đồng thì những món hàng thời trang được coi là đẹp vẫn mang giá tiền triệu.

Tuy kim ngạch ngành Dệt may nội địa tăng 23% (năm 2010 so với 2009) và tăng12 -15% (năm 2011 so với năm 2010) nhưng hàng Việt mới chỉ đến được với những người dân thành thị, mà những chuyến hàng Việt về với miền núi và vùng nông thôn mới chỉ mang hình thức.

Hàng Việt Nam sản xuất ra được lại không phục vụ người tiêu dùng, các công trình trong nước mà phải mang đi xuất khẩu 100%, trong khi nhu cầu mặt hàng này phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều DN mong muốn được cung cấp sản phẩm của DN mình vào thị trường trong nước nhưng chưa làm được, chỉ vì lý do thủ tục và thời gian thanh khoản.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sản xuất ra mảng vải địa kỹ thuật dành cho các công trình xây dựng giao thông thủy lợi. Trong khi thực tế nhu cầu trong nước có nhưng chúng tôi buộc phải mang sản phẩm này xuất khẩu 100%, do thời gian thanh khoản từ các ngân hàng quá lâu, phải từ 1 -2 năm, chúng tôi mới thanh toán được. Sản phẩm trong nước có nhưng các công trình của chúng ta phải nhập loại vải địa này từ nước ngoài…”.


Theo Dantri

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Hàng Việt với người Việt vẫn mang hình thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO