Náo nức một miền quê

04/05/2012 11:08

(Baonghean) Một thoáng trên các nẻo đường của huyện lúa, trước mắt tôi không những có cánh đồng lúa bạt ngàn, mà còn cả nhà máy, trường học, những công trình chuẩn bị cho sản xuất hàng xuất khẩu….

Những ngày này, Yên Thành nô nức đón chào ngày lễ trọng đại – kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, trong niềm vui quê hương đang từng ngày đổi mới. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện – ông Nguyễn Tiến Lợi, cho biết nhanh: Những năm qua, huyện Yên Thành đã có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước thuộc các lĩnh vực giao thông, xây dựng, thủy lợi, y tế, văn hóa, giáo dục, còn thu hút được dự án trồng chuối xuất khẩu sang Hàn Quốc tại xã Viên Thành; dự án may xuất khẩu của Nhật Bản tại thị trấn Nhà máy gạch tuy nen tại xã Đồng Thành; dự án khu du lịch sinh thái tâm linh đền Chùa Gám từ nguồn vốn xã hội hóa… Các dự án này đang được huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng, hoạt động.

Đây là những dự án nhằm khai thác tiềm năng của huyện, góp phần thay đổi kết cấu hạ tầng, giải quyết nhiều việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành... Nét nổi bật trong văn hóa tâm linh của Yên Thành là bằng sự nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương, đến nay trên địa bàn huyện đã có 34/200 di tích đã xếp hạng, trong đó 17 di tích công nhận cấp Quốc gia, 17 di tích công nhận cấp tỉnh. Hiện nay, huyện đang tiến hành nâng cấp, tu bổ các hạng mục công trình di tích trọng điểm, như: Phủ thờ Trần Đăng Dinh (xã Phúc Thành), đình Sừng (xã Lăng Thành), họ Hồ Tam Công (xã Thọ Thành), khu Lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành… với số vốn huy động hàng chục tỷ đồng. Năm 2011, huyện còn xây dựng 15 đề án, 6 kế hoạch phát triển kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới.




Phong trào hiến đất mở đường giao thông đang được cán bộ, nhân dân
Yên Thành hưởng ứng.

Trong đề án xây dựng nông thôn mới, đến nay Yên Thành đã khẳng định được kết quả bước đầu khả quan. Mỗi địa phương có một cách làm riêng, điểm rõ nét nhất là phong trào hiến đất làm đường giao thông, theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, kết hợp với chiến dịch ra quân làm giao thông, nhiều xã đã tiến hành giải tỏa hành lang giao thông, cắm mốc lộ giới và triển khai thực hiện cứng hóa nền đường, theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM.

Đặc biệt, một số xã làm tốt công tác gắn chuyển đổi ruộng đất kết hợp với làm giao thông, thủy lợi nội đồng, như: Lăng Thành, Phúc Thành, Đồng Thành. Đây là 3 xã làm điểm rút ra bài học kinh nghiệm, để các địa phương trong huyện tham quan học hỏi. Năm 2011, toàn huyện đã giải tỏa được 126,4 km giao thông, trong đó 37,1 km đường huyện, 89,3 km đường xã, xóm. Trong đó đã có 2 xã hoàn thành công tác giải tỏa hành lang giao thông là Thịnh Thành và Tây Thành. Công tác cắm mốc lộ giới và ký cam kết với các hộ dân được các xã quan tâm thực hiện một cách có hiệu quả, toàn huyện đã cắm mốc lộ giới được 9.028 cọc, ký cam kết với 6.533 hộ, có 5 xã hoàn thành cắm móc lộ giới: Bảo Thành, Quang Thành, Hùng Thành, Đô Thành và Nhân Thành. Trên chiều dài giao thông nông thôn đã được giải tỏa theo đúng tiêu chí, các địa phương đã rải nhựa được 33,37 km, xây mương kẹp nước dài 700 mét.



Sau khi chuyển đổi ruộng đất, xã Lăng Thành tiếp tục đầu tư làm giao thông, thủy lợi nội đồng.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân nhiều nơi đã góp tiền, góp công để bê tông xi măng được 18,21 km đường liên thôn, ngõ xóm. Tiến hành duy tu đường nhựa được 23,8 km, thi công cống các loại 125 cái, xây dựng được 14 chiếc cầu. Tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng giao thông 105 tỷ 699 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 9 tỷ 585 triệu đồng. Hiện nay huyện đang tập trung nâng cấp các tuyến đường Dinh đi chợ Chùa, đường 33, đường 534, đường Bệnh viện Đa khoa huyện đi Hợp Thành. Tu sửa nâng cấp một số công trình thủy lợi phục vụ sản xuất: hệ thống tiêu úng Diễn – Yên II, bàu Chèn… và một số hồ đập khác.

Bên cạnh đầu tư xây dựng, nâng cấp giao thông, thủy lợi, Yên Thành còn tập trung triển khai các mô hình sản xuất điểm. Năm qua, huyện đã nỗ lực khảo sát và tiến hành triển khai đề án phát triển nghề trồng nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò… tại các xã: Nam Thành, Khánh Thành, Hợp Thành, Long Thành, Quang Thành và Văn Thành. Đến thời điểm này sản phẩm nấm các loại của các địa phương sản xuất được mỗi ngày là tương đối lớn, tạo được hàng hóa cung cấp cho thị trường nội vùng và một số nhà máy chế biến. Mục tiêu của Yên Thành là phát triển nghề nấm thành mặt hàng chủ lực trong sản phẩm nông nghiệp.

Với chủ trương phát triển kinh tế chuyển dịch đúng hướng, những năm qua ngành nông, lâm, thủy sản của huyện có chiều hướng giảm dần; công nghiệp xây dựng, điện, nước, thương mại, dịch vụ tăng theo hàng năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 13,95 triệu đồng (tăng hơn so với năm 2010 là 2,48 triệu đồng). Tuy nhiên, lúa vẫn là cây trồng chủ lực của huyện. Những năm qua, Yên Thành luôn chú trọng đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy, nhằm tăng sản lượng lương thực, đồng thời tạo được vùng sản xuất lúa hàng hóa trên thị trường. Năm 2011, tổng sản lượng lương thực của huyện đạt 175.784 tấn, tăng 26.581 tấn so với năm 2010; năng suất lúa bình quân của năm 2011 đạt 60,17 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Huyện đã liên kết với Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An sản xuất lúa lai F1 tại xã Phúc Thành, lúa thuần ở Tân Thành. Phối hợp với Công ty Vĩnh Hòa sản xuất lúa chất lượng cao ở Liên Thành, sản xuất cam sạch ở Minh Thành. Tập trung khảo sát lựa chọn các cây trồng mới vào sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người dân, như trồng thử cây cỏ ngọt Stevia ở Minh Thành; quy hoạch vùng và kêu gọi đầu tư vùng dự án trồng chuối theo hướng công nghiệp tại Viên Thành. Củng cố và duy trì hoạt động phát triển các làng nghề, làng có nghề, toàn huyện đã có 11 làng nghề và 14 làng có nghề. Yên Thành còn chú trọng công tác xuất khẩu lao động, năm 2011 có 1.050 người đi lao động xuất khẩu. Hàng năm, con em lao động xuất khẩu gửi về hàng chục triệu USD. Nhiều xã như: Sơn Thành, Phú Thành, Lăng Thành… bộ mặt nông thôn đang khởi sắc phần lớn từ nguồn lao động xuất khẩu.

Bên cạnh phát triển kinh tế, những năm qua Yên Thành còn chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách tạo việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Bằng nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, những năm qua Yên Thành đã xây dựng hàng trăm ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà đồng đội. Xây dựng được hàng trăm căn nhà cho hộ nghèo, theo Quyết định 167 của Chính phủ. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm có nhiều khởi sắc, trong năm 2011 có thêm 730 con em đi lao động xuất khẩu, tạo việc làm cho 3 nghìn lao động, mở hàng trăm lớp học nghề cho nông dân… góp phần đắc lực đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15,34%.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà cách mạng Phan Đăng Lưu là dịp để toàn Đảng, toàn dân Yên Thành tiếp tục con đường thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực; đưa việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời thực hiện phong trào thi đua “Nghệ An chung tay xây dựng nông thôn mới”. Nhiệm vụ trước mắt trong xây dựng nông thôn mới ở Yên Thành là hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch, các đề án chi tiết, giai đoạn 2011 – 2015, tập trung chuyển đổi ruộng đất, chỉnh trang khu dân cư, tiếp tục vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân hiến đất làm giao thông. Bên cạnh đó huyện còn tập trung đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu đưa năng suất các loại cây trồng ngày một tăng cao.


Xuân Hoàng

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Náo nức một miền quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO