"Lá chắn" trên biển cho ngư dân
(Baonghean) - Sóng to, gió lớn, bão tố, mưa giông luôn là nỗi ám ảnh của bà con ngư dân trước mỗi chuyến tàu ra khơi. Nhiều năm nay với sự có mặt của lực lượng cứu hộ thuộc Hải đội 2 - Bộ đội Biên phòng tỉnh nhiều chuyến tàu gặp nạn đã may mắn được trợ giúp...
Mờ tối ngày 23/6/2011 cơn bão số 2 bất ngờ ập về khiến cho toàn bộ vùng biển Nghệ An, Hà Tĩnh chìm trong những cơn sóng lớn. Mâm cơm tối vừa kịp dọn lên thì phòng trực ban của Hải đội 2 nhận được tin bão khẩn cấp: ở phía Đông Nam hòn Nôm thuộc vùng biển Hà Tĩnh, tàu của ngư dân Lê Văn Tám (Diễn Ngọc, Diễn Châu) đang lâm nạn. Không chần chừ, Trung tá Phan Văn Xuân - Hải đội trưởng điều động một cuộc họp khẩn cấp. Sau khi xác định rõ toạ độ, nắm chắc vị trí tàu bị lâm nạn, thuyền cứu hộ do Hải đội trưởng Hải đội 2 trực tiếp chỉ huy thẳng hướng Đông Nam lên đường. Gần 2 tiếng lênh đênh trên biển cuối cùng thuyền cứu hộ cũng đã tìm thấy con tàu bị nạn. Khi đó, gần một nửa con tàu đã chìm xuống biển. Trên boong tàu, 8 ngư dân với gương mặt hoảng hốt đang gắng gượng mọi nỗ lực cuối cùng để giữ cân bằng...Chỉ chậm chân một chút nữa thôi, tính mạng của 8 ngư dân đã bị đe doạ.
Hải đội 2 cứu nạn.
Với Trung tá Phan Văn Xuân - điều nhớ nhất và sợ nhất sau gần 30 năm lăn lộn theo những chuyến tàu cứu nạn đó là đói. Giữa biển cả mênh mông, sóng to, gió lớn, thuyền chòng chành, nghiêng ngả. Muốn nấu một ấm nước để pha mì tôm cũng cần tới ba bốn người: một người giữ ấm, những người còn lại giữ chặt bếp để khỏi nghiêng, nấu được ấm nước cũng mất gần 2 tiếng đồng hồ. Thức ăn độc nhất với anh em thuyền viên là mì tôm. Thiếu tá Thái Văn Hà - Hải đội phó, người có thâm niên trong công tác cứu hộ cứu nạn trên biển không thể quên về những chuyến cứu hộ của hơn mười năm về trước. Đó là giai đoạn mà mọi thông tin chuyển về đơn vị đều mù tịt theo kiểu truyền miệng "nghe nói", hoàn toàn không chắc chắn. Mặc dù vậy, để đảm bảo tính mạng cho người dân, dù chỉ là một thông tin nhỏ thuyền cứu hộ của lực lượng biên phòng vẫn tìm đến. Có khi, chỉ trước đó mười lăm phút còn nhìn thấy đèn báo hiệu của ngư dân thế mà khi áp sát được đến nơi thì chỉ còn lại bãi biển đen ngòm, thuyền đã bị sóng dạt sang hướng khác. Vì thế, mỗi một chuyến đi kéo dài đến cả tuần là chuyện bình thường.
Công tác cứu hộ hiện nay thuận lợi hơn nhiều nhờ có sự hỗ trợ của nhiều phương tiện kĩ thuật hiện đại như máy bộ đàm, ra đa, máy fax, điện thoại....Tuy vậy với vùng biển có nhiều đá ngầm, nhiều cửa sông, cửa lạch như Nghệ An thì nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn vẫn còn rất nhiều khó khăn. Hàng năm Hải đội 2 lên kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão, hạn chế tối đa thiệt hại cho ngư dân. Cùng với đó, phối hợp với các phương tiện đánh bắt xa bờ, lực lượng hiệp đồng và qua mạng thông tin phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn để nắm tình hình tai nạn trên biển và đề xuất phương án cứu hộ cứu nạn. Đơn vị cũng phối hợp với trung tâm cứu hộ, cứu nạn thị xã Cửa Lò tổ chức tập huấn cho các nhân viên để từ đó triển khai xuống cơ sở về công tác cứu hộ, cứu nạn. Với bà con ngư dân, không chỉ tuyên truyền về công tác cứu hộ, cứu nạn, hải đội còn tạo điều kiện để ngư dân mượn bộ đàm, mượn máy E-com để thuận lợi đi biển. Nhiều chuyến ra khơi của ngư dân bên cạnh anh em thợ thuyền, lực lượng biên phòng cũng cùng sát cánh để kịp hỗ trợ những khó khăn trên biển...
Cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng cứu hộ, Hải đội 2 - Bộ đội biên phòng tỉnh thực sự là "lá chắn" cho ngư dân đi biển.
Mỹ Hà - Khánh Ly