Nghệ nhân làng và "những câu chuyện kể với đời"
(Baonghean) - Bước vào căn nhà nhỏ của ông Hoàng Quang Tế (xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu), đi tới đâu cũng "vấp" phải tác phẩm điêu khắc của ông. Những bức tượng không đơn giản chỉ tạc một hình dáng, mà ẩn chứa trong đó câu chuyện đầy ý nghĩa. Chứng kiến "gia tài" đặc biệt ấy, ít ai ngờ rằng nó ra kết quả sáng tạo miệt mài của một lão nông chính hiệu.
B ắt tay vào sáng tạo tác phẩm đầu tiên từ năm 1966, đến nay ông Hoàng Quang Tế (sinh năm 1942) đã hơn nửa đời người sống với những gốc cây, rễ cây xù xì, dị dạng. Những thứ mà thiên hạ coi là... củi đun ấy đối với ông lại là cả một niềm đam mê. Với óc tưởng tượng phong phú, cùng với những suy nghĩ, tâm sự, chiêm nghiệm từ cuộc sống trải qua nhiều vất vả lo toan, ông đã biến những gốc cây, mẩu gỗ thành "một câu chuyện để nói với đời".
Ông Hoàng Quang Tế với bức tượng về nỗi đau chất độc màu da cam.
Ông tâm sự: "Tôi không biết nói thành thơ, thành văn, thành truyện, thì tôi nói bằng những hình khối, màu sắc để người đời có thể hiểu được mình, hiểu được đời và sống tốt đẹp hơn". Chỉ là một lão nông gắn với đồng ruộng, mảnh vườn, con lợn, con gà trong sân, ông đã nuôi 9 người con khôn lớn, trưởng thành, giờ đây 7 người con đầu đã có gia đình, còn 2 người con sau cùng vừa tốt nghiệp đại học cũng đã đi làm. Ai cũng khen ông "nuôi con giỏi", nhưng cái giỏi của ông còn hơn thế nữa bởi những am hiểu, nhận thức lịch sử đất nước, về cuộc đời, con người.
Bức tượng về mẹ Nguyễn Thị Thứ, là một trong những tác phẩm mà ông tâm đắc nhất. Ông kể lại: Năm 2004, khi đọc một bài báo viết về việc góp tượng tham khảo để đắp tượng đài mẹ Thứ ông đã nảy ra ý tưởng về hình ảnh của một bà mẹ đau thương, anh hùng. Bức tượng làm từ gỗ mít khắc họa tập trung vào hình ảnh 11 chiếc khăn tang. Một chiếc khăn trắng mẹ chít trên đầu, tay phải gồng lên đỡ 9 cái khăn tang của 9 người con, dải khăn tang rủ xuống nở thành hình bông hoa huệ, tượng trưng cho tấm lòng người mẹ... Chiếc khăn tang còn lại nằm trên tay trái là cho cháu ngoại của mẹ, nhưng mẹ đã không còn đủ sức để gồng lên mà đỡ nữa, tay mẹ xuôi cả xuống cho những nỗi mất mát đã quá sức chịu đựng.
Mỗi bức tượng về những nhân vật, sự kiện lịch sử, vốn đã được rất nhiều người, nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp tạc nên, nhưng ông Tế đã tìm cho mình một cách thể hiện riêng, ý nghĩa. Bức tượng Bác Hồ dựa theo nguyên tác bức ảnh của Vũ Năng An, chụp lúc Bác đang ở Việt Bắc để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Biên giới (1950). Tuy nhiên, ông đã có sáng tạo khi để Bác ngồi trên đài sen. Theo ông, người Việt
Ông Tế hào hứng khoe về chiếc tủ "độc nhất vô nhị" do ông tự đóng. Nó không phải là chiếc tủ đơn thuần, 2 bên cửa tủ, ông đã cẩn thận khảm nên hình ảnh của chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến công của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, biểu tượng cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta. Điều thú vị là ở ngăn giữa của chiếc tủ, ông đã tạc tượng cô thôn nữ tay cầm khay đựng ấm chén, trên cái khay đó là hoa văn hình lá sen, con ếch, con cua... tạo ấn tượng về hình ảnh của một vùng quê yên bình. Ông còn nhiều những tác phẩm về anh bộ đội, cô du kích, bác thương binh, hay quân dân Quỳnh Bảng bắt giặc lái Mỹ năm xưa... với tình cảm chân thành muốn cho thế hệ sau biết rõ về lịch sử đất nước, quê hương. Ông đã tặng nhiều tác phẩm của mình cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức tôn giáo...
Để tạc nên những bức tượng ấy, có khi ông hoàn thành rất nhanh trong chỉ mấy tiếng đồng hồ, nhưng cũng có những tác phẩm ông phải làm cả tuần, thậm chí đến cả tháng mới đúng ý mình. Có lúc đang ăn cơm nghĩ ra một ý tưởng hay, ông vội buông bát để ôm khúc gỗ đẽo đẽo, gọt gọt. Có lần, đi lên đồi tìm "nguyên liệu" về, ông chợt thấy một cái rễ cây tít dưới khe, có dáng một con rồng đang bay, ông bất chấp cả nguy hiểm xuống dưới đó, rồi trèo ngược trở lên chỉ để lấy một cái rễ cây như thế!
Đã là một nghệ nhân, ai cũng muốn tác phẩm mình làm ra được người đời hiểu và cảm nhận. "Nhưng giờ đây người ta cũng ít chơi gỗ lũa. Những ý tưởng của tôi nhiều khi không phải ai cũng nhìn ra được, chính con cái tôi chưa chắc đã hiểu. Với tôi, hoàn thành một tác phẩm là một câu chuyện kể với đời.
Hồ Lài