An cư cho người nghèo

Thành Duy 15/02/2023 09:27

(Baonghean.vn) - Tục ngữ có câu: “Thứ nhất dương cơ…” hay “an cư lạc nghiệp”, để nói rằng trong đời sống của người Việt chúng ta, ngôi nhà chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Nhưng đó cũng là khao khát cháy bỏng của bao phận đời, phận người…

Cuối năm vừa rồi, tôi có dịp tháp tùng đoàn công tác của đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh lên thăm, chúc Tết Nguyên đán Quý Mão cán bộ, chiến sĩ người dân huyện vùng cao Quỳ Châu.

Hình ảnh vợ chồng ông Vi Văn Xuân ở bản Chàng Piu, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu cứ vấn vít mãi trong tâm trí tôi. Trên ngọn đồi nhìn ra cánh đồng heo hút gió, ngôi nhà gỗ của hai vợ chồng già trống huơ, trống hoác, gần như chẳng có vật dụng nào giá trị. Hôm đó đã là ngày 26 Âm lịch - cận Tết, nhưng khi đoàn vào thăm, ông bà cũng không có điều kiện để sắm sửa gì. Lãnh đạo xã cho biết, cả 2 ông bà đã quá tuổi lao động, đời sống gặp rất nhiều khó khăn…

Cũng trong chuyến công tác đó, chúng tôi được chứng kiến niềm hạnh phúc khôn tả ánh lên trong mắt của bà Sầm Thị Phương ở bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến; ông Vi Văn Tứ ở bản Xẹt 2, xã Châu Thắng hay bà Hà Thị Dương ở bản Thắm Men, xã Châu Thuận… khi được lãnh đạo tỉnh trao hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết với kinh phí 60 triệu đồng/căn.

Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi gia đình ông Vi Văn Xuân, ở bản Chàng Piu, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu là hộ khó khăn về nhà ở. Ảnh: Thành Duy

Tục ngữ có câu: “Thứ nhất dương cơ…” hay “an cư lạc nghiệp”, để nói rằng trong đời sống của người Việt chúng ta, ngôi nhà chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Thấu cảm mong mỏi của người dân, đặc biệt là người nghèo - những người mà cuộc sống còn phải chạy ăn từng bữa, thì đâu dám nghĩ có trong tay vài chục triệu đồng đến hơn trăm triệu đồng để có một căn nhà vững chãi - ngay từ năm 2019, Thường trực Tỉnh ủy nhất trí chủ trương kêu gọi vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở với mục tiêu làm 1.200 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Tỉnh đã tích cực kêu gọi, vận động các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nhà hảo tâm ủng hộ, đồng hành thực hiện chương trình; đồng thời chỉ đạo Sở Xây dựng thiết kế các mẫu nhà theo tiêu chuẩn về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật liệu chủ yếu tương ứng với các mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà, 60 triệu đồng/nhà, 70 triệu đồng/nhà và 100 triệu đồng/nhà phù hợp với địa hình, vị trí địa lý (miền núi, trung du, đồng bằng) và văn hóa của địa phương; chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, anh em họ hàng của người có hoàn cảnh khó khăn để cùng chung tay xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kết quả triển khai hỗ trợ để tạo hiệu ứng, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm với cộng đồng. Kết quả giai đoạn 2020 - 2022, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 4.500 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở; trong đó xây dựng mới 3.870 căn, sửa chữa hơn 630 căn với tổng kinh phí hơn 177 tỷ đồng.

Mặc dù các cấp ủy Đảng, chính quyền đã rất nỗ lực trong công tác giảm nghèo, nhưng đến nay toàn tỉnh vẫn còn trên 108.919 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó có 9.200 hộ nghèo chưa có nhà ở đang cần được hỗ trợ xây mới và trên 6.175 hộ có nhu cầu hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Ẩn sau những con số ấy là những mảnh đời, phận người còn biết bao nỗi gian truân, khổ cực… Đó cũng là đau đáu, trăn trở của lãnh đạo tỉnh suốt thời gian qua.

Ngay từ năm 2022, giữa bộn bề công việc để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, thì kêu gọi, vận động các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để có thêm điều kiện chăm lo cho người nghèo luôn thường trực trong các cuộc họp, chuyến công tác, gặp gỡ, tiếp xúc. Mới ra Xuân Quý Mão mấy ngày, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã Nam tiến, trực tiếp vào làm việc tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh. Chuyến đi ngoài gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm và trực tiếp thu hút đầu tư, còn là dịp để kêu gọi hỗ trợ chương trình an sinh xã hội trên địa bàn, mà trọng tâm là xóa nhà tạm bợ cho hộ nghèo, cận nghèo…

Sau bao nỗ lực, đúng ngày 4/2 vừa qua, nhân Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2023), Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An thống nhất chủ trương tổ chức Lễ phát động cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025, với sự tham dự đông đảo cả các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tập đoàn kinh tế, tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi phát biểu không giấu được xúc động mà nói rằng, chương trình vô cùng ý nghĩa, rất hợp lòng dân.

Hẳn cũng vì ý nghĩa cao đẹp đó, cuộc vận động hỗ trợ đã lan tỏa sâu rộng, nhận được sự hưởng ứng hết sức tích cực trong và ngoài tỉnh. Bộ Công an cũng đã có chủ trương hỗ trợ xây dựng 1.420 căn nhà cho hộ nghèo tại 27 xã biên giới của tỉnh Nghệ An với số tiền 71 tỷ đồng. Hiệp hội Doanh nghiệp Nghệ An và Hà Tĩnh tại Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng 200 căn nhà với trị giá 12 tỷ đồng; nhóm các doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai trao tặng 300 căn nhà với giá trị 20 tỷ đồng; Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội trao tặng 200 căn nhà với giá trị 10 tỷ đồng, Hội đồng hương Nghệ An tại TP. Hồ Chí Minh trao tặng 100 căn nhà với giá trị 5 tỷ đồng. Nhiều tập thể, cá nhân trong tỉnh cũng đã hỗ trợ hàng tỷ đồng đồng hành cùng chương trình…

Tính đến 9h30 sáng 4/2, 115 đơn vị, cá nhân đã ủng hộ chương trình 10.131 căn nhà; tương đương số tiền 517 tỷ 618 triệu đồng, mức bình quân hỗ trợ cho một ngôi nhà là 50 triệu đồng.

“Chiến dịch” xóa nhà tạm cho người nghèo, hộ khó khăn đã chính thức khởi động những ngày đầu Xuân Quý Mão ấm áp, chan chứa nghĩa đồng bào như thế. Chỉ trong vòng 2 đến 3 năm nữa thôi, cũng với nguồn tiền ủng hộ được phân bổ và sự chung tay góp sức của cộng đồng dân cư, gia đình, dòng họ, những ngôi nhà kiên cố, vững chãi sẽ không còn là ước mơ quá xa vời của nhiều người nghèo ở Nghệ An.

Trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ rằng: Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

Điều đó có nghĩa là: Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tôi đã đọc đâu đó rằng, không có triết lý phát triển nào, không đất nước nào, dân tộc nào có thể phát triển độc lập, mạnh mẽ mà không quan tâm đến sự nhân văn và bền vững. Có lẽ, ở cấp độ địa phương cũng vậy, con đường mà Nghệ An đang đi hướng đến sự phát triển là thực sự vì nhân dân, trên nền tảng xây dựng một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, công bằng xã hội thực sự đáng trân trọng. Đó không đơn thuần chỉ dừng lại câu chuyện chăm lo “dương cơ” cho người nghèo…

An cư cho người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO