Ăn nhiều đường có thể gây nghiện

07/03/2017 09:32

Những que kem ngọt lịm hay những cốc nước ngọt mát lạnh... rất hấp dẫn mọi lứa tuổi trong tiết trời nắng nóng, ngột ngạt của mùa hè. Nhưng ẩn sau sự lôi cuốn của vị ngọt là những nguy cơ đối với sức khỏe mà không phải ai cũng biết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đối với một người trưởng thành có chỉ số phát triển cơ thể (BMI) bình thường, không nên sử dụng quá 6 thìa cà phê đường mỗi ngày. Khi ăn quá nhiều đường sẽ gây những phiền toái cho cơ thể.

Mệt mỏi toàn thân

Nếu ăn nhiều đường, sau đó bạn sẽ cảm thấy uể oải mọi lúc mọi nơi hoặc luôn cảm thấy đói, khát. Lý giải hiện tượng này, chuyên gia dinh dưỡng Kristen F. Gradney - Viện Dinh dưỡng và chế độ ăn (Mỹ) cho biết, nếu bạn ăn các loại đường đơn giản, bạn sẽ cảm thấy đói và mệt bởi bạn không thể nhận đủ các chất dinh dưỡng khác để duy trì năng lượng, ví dụ như protein và chất xơ.

Đường gây lão hóa da.
Đường gây lão hóa da.

Gây nghiện

Não sẽ phản ứng với đường, tương tự như với cocain. Đường làm gia tăng các chất hóa học tạo cảm giác tốt bên trong não như dopamin và serotonin. Theo đó, cơ thể của bạn sẽ ngày càng khao khát một mức cao hơn của đường để tạo cảm giác thoải mái cho những lần tiếp theo. Vì vậy, mỗi lần bạn ăn đường, bạn lại muốn ăn nhiều hơn.

Tăng cân

Khoa học từ lâu đã biết đến một công thức khá đơn giản: đường dư thừa tương đương với lượng calo dư thừa. Những thực phẩm chứa lượng đường cao nhưng chúng không chứa protein và chất xơ. Vì vậy, bạn thường ăn nhiều hơn trước khi cảm thấy no.

Gradney nói: “Nếu bạn chỉ ăn đường, bạn sẽ tăng cân nhưng vẫn luôn cảm thấy đói”. Bà cho biết thêm, bạn có thể dễ dàng tăng nửa cân trong một tuần nếu ăn 1 thanh kẹo và 1 lon nước ngọt 600ml mỗi ngày, đủ để thừa ra 500 calo.

Mắc bệnh tiểu đường

Chế độ ăn có hàm lượng đường cao là một nguyên nhân chính cho hơn 1/3 dân số Mỹ bị béo phì. Trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì, các tế bào của bạn có thể trở nên đề kháng với insulin không điều hoà được đường trong máu dẫn tới bệnh tiểu đường týp 2.

Gan nhiễm mỡ và suy gan

Gan có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa carbohydrate bằng cách thu glucose dư thừa ra khỏi máu và tích trữ chúng cho các hoạt động sử dụng sau này. Như vậy, gan cũng có chức năng điều hòa nồng độ đường trong máu.

Tế bào sử dụng glucose trong máu để chuyển hóa thành năng lượng. Gan sẽ lấy phần thừa còn lại để tích trữ dưới dạng glycogen. Khi các tế bào cần năng lượng, như khoảng thời gian giữa các bữa ăn, gan sẽ giải phóng glucose vào máu.

Thế nhưng gan chỉ có thể tích trữ một lượng nhất định glucose, vì vậy, phần còn lại sẽ tích trữ dưới dạng mỡ. Nếu bạn vượt quá mức này, đường sẽ biến thành các axit béo. Và đó là khi bạn nhận được những chất béo tích lũy trong gan.

Hậu quả dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Đường không phải là nguyên nhân duy nhất, nhưng dự trữ glycogen đóng góp phần lớn cho hậu quả này.

Tổn thương động mạch

Gradney giải thích: “Các đường ống cuối cùng đều mệt mỏi. Đó là những gì xảy ra với mạch máu của bạn”. “Nó có thể dẫn đến bệnh thận mạn tính hoặc suy thận, cao huyết áp và bạn gia tăng nguy cơ đột quỵ nếu có huyết áp cao”. Theo đó, bất kể cơ quan nào chứa các mạch máu nhỏ đều sẽ bị tổn thương như thận, não, mắt, tim.

Lão hóa nhanh

Đường tác động lên làn da bằng cách phá vỡ collagen và khiến da lão hóa nhanh hơn. Khi glucose gắn vào các protein trong cơ thể, các protein được tìm thấy trong mô liên kết có trách nhiệm giữ cho làn da mịn màng làm cho các protein này khó phục hồi dẫn đến các nếp nhăn. Vì thế, ngoài các biện pháp chống lão hóa phức tạp, bạn có thể trông trẻ hơn chỉ đơn giản bằng cách cắt giảm lượng đường.

Theo SK&ĐS

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ăn nhiều đường có thể gây nghiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO