Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, tính đến hết tháng 9/2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 80 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 18.342 tỷ đồng. Đã điều chỉnh 79 lượt dự án, trong đó, điều chỉnh tổng vốn đầu tư 29 lượt dự án (tăng 13.144,4 tỷ đồng). Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 31.487 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số lượng dự án cấp mới tăng 6,67%, tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tăng 43,67%.
Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An được lọt vào tốp 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm đạt 605,42 triệu USD. Một số dự án công nghiệp tầm cỡ đã cơ bản hoàn thành các thủ tục và dự kiến khởi công trong năm 2022 nhằm tăng năng lực sản xuất mới như: Dự án cấu kiện điện tử Everwin Precision Việt Nam (tháng 10/2022), dự án sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô của Tập đoàn Ju Teng (khởi công ngày 22/9/2022); bên cạnh đó, chuẩn bị đưa Dự án Goertek Vina đi vào hoạt động, mở rộng công suất nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Luxshare ở Khu Công nghiệp VSIP.
Ở từng khu công nghiệp tỷ lệ lấp đầy cũng triển vọng. Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An với vị trí thuận lợi, nằm trên các tuyến huyết mạch lớn của thành phố Vinh, có tổng diện tích 750 ha, trong đó, đất khu công nghiệp là 367 ha, là khu công nghiệp có hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ, đẳng cấp, mang tầm quốc tế. Tính đến tháng 9/2022, Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An đã thu hút 31 dự án đầu tư (trong đó, có 13 dự án FDI), đạt tỷ lệ lấp đầy 53% và dự kiến thu hút khoảng hơn 40.000 lao động địa phương. Tổng vốn đầu tư thu hút được từ 31 dự án vào Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An đạt 13.046 tỷ đồng, trong đó, có 29 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Nghệ An, ông Jun Hyun Soo – Tổng Giám đốc Công ty SangWoo Việt Nam (có nhà máy ở Khu Công nghiệp VSIP) đánh giá cao môi trường đầu tư tại Nghệ An, cho rằng, Nghệ An là đất lành cho các nhà đầu tư Hàn Quốc, hầu hết các dự án có vốn đầu tư từ Hàn Quốc đều hoạt động hiệu quả tại Nghệ An.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH VSIP Nghệ An, hiện Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An có 21 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, tạo việc làm bước đầu cho hơn 14.000 lao động địa phương, có 4 nhà đầu tư khác đang xây dựng nhà máy và 7 nhà đầu tư còn lại đã hoàn thành thủ tục đầu tư và đang thực hiện thủ tục quy hoạch để triển khai xây dựng. Trong số các doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại VSIP có thể kể tới Công ty TNHH Luxshare ICT, Công ty TNHH May An Nam Matsuoka, Công ty TNHH Innovative Manufaturing Solutions Viet Nam, Công ty TNHH MERRY&LUXSHARE (Việt Nam), Công ty TNHH Woosin Vina…
Ở Khu Công nghiệp Hoàng Mai 1, Tập đoàn Hoàng Thịnh Đạt và các đối tác vừa làm lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng, một tập đoàn đến từ Đài Loan. Đây là dự án động lực với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 200 triệu USD, sử dụng khoảng 6.000 – 9.000 lao động, trước đó là nhà máy của Tập đoàn Hoa Lợi.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, đến nay, khu kinh tế và các khu công nghiệp có 274 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 96.550 tỷ đồng, tương đương 4,17 tỷ USD; trong đó, có 61 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký 1,9 tỷ USD, chiếm khoảng 87% tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh Nghệ An. Có 213 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 53.207 tỷ đồng. Hiện có 132 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 35.000 lao động với thu nhập bình quân trên 7.000.000 đồng/người/tháng; hằng năm đóng góp khoảng 13% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Từ việc thu hút trực tiếp từng dự án, trải rộng nhiều quốc gia, Nghệ An đã có bước chuyển mới trong cách tiếp cận các nhà đầu tư, đó là thu hút các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp uy tín, từ đó, các nhà đầu tư hạ tầng kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp mà họ hiểu nhất để tạo các cánh chim đầu đàn, kéo theo các dự án khác. Với việc thu hút và tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt… Nghệ An đã đón làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… Với việc hoàn thành điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam đến năm 2040, xây dựng phương án phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế tích hợp trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, mở rộng KKT Đông Nam lên khoảng 80.000 ha… Nghệ An đang khẳng định được vị trí mới trong thu hút FDI.
Trao đổi với ông Bùi Duy Đông – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Nghệ An về các giải pháp tiếp theo trong công tác xúc tiến đầu tư, ông cho biết: Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xúc tiến đầu tư vào Nghệ An hiệu quả, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với thực tiễn và hấp dẫn nhà đầu tư. Tập trung tháo gỡ các thủ tục liên quan đến đầu tư, tiếp cận đất đai, cụ thể hóa về thủ tục đầu tư, quy trình đấu giá quyền sử dụng đất, quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án có sử dụng đất,… Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách mới có tính hấp dẫn, có lợi thế cạnh tranh với các tỉnh bạn để thu hút các nhà đầu tư quan tâm xem xét đầu tư vào tỉnh Nghệ An. Tập trung, chú trọng đến công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch, đúng tiến độ cho các nhà đầu tư, ưu tiên các dự án trọng điểm đang triển khai như: Khu Công nghiệp dịch vụ và đô thị VSIP Nghệ An; Khu Công nghiệp WHA Nghệ An; Khu Công nghiệp Hoàng Mai I và II. Làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các doanh nghiệp đã và đang triển khai dự án sau khi được cấp phép đầu tư. Nâng cao năng lực của đội ngũ làm cán bộ làm công tác xúc tiến, chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa từ phong cách và phương pháp, nghiệp vụ xúc tiến đầu tư, có trình độ chuyên môn, am hiểu từng thị trường và văn hóa của đối tác; quảng bá tiềm năng và thế mạnh của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo quy chế một cửa, một cửa liên thông, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng và thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đóng tại Việt Nam như: AusCham; Kotra, Jetro, EuroCham, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) …; triển khai các hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước và chuẩn bị tốt các điều kiện lao động, logistics cho các nhà máy.