'Ánh điện an ninh' - sáng đẹp đường quê
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ khéo dân vận, tại nhiều thôn, xóm ở xã Mường Nọc (huyện Quế Phong), người dân đã đóng góp kinh phí, ngày công làm đường giao thông nông thôn gắn với mô hình “Ánh điện an ninh”. Điều này không chỉ mang lại diện mạo khởi sắc cho thôn, bản, mà còn góp phần gìn giữ an ninh trật tự, bình yên thôn xóm. Từ đó, tạo động lực để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế hộ, xây dựng nông thôn mới...
Hiện nay, đi dọc các tuyến đường ở thôn Hải Lâm, xã Mường Nọc vào ban đêm đã không còn tối tăm, u tịch như trước đây nữa. Bởi hệ thống đường giao thông, kể cả các tuyến đường nhánh nội thôn đều đã được bê tông hoá và lắp bóng điện chiếu sáng thuận tiện cho đi lại. Trời vừa chập tối, đèn đường được bật sáng. Hai bên con đường liên thôn trở thành nơi hóng mát các cụ già, nơi các cháu nhỏ vui chơi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng thôn Hải Lâm, cho biết: Tuy không phải là xóm đầu tiên triển khai mô hình này nhưng Hải Lâm lại là đơn vị kêu gọi được 180 triệu đồng để thực hiện công trình bóng điện thắp sáng phủ kín 8 tuyến đường nội thôn, với chiều dài 7,4 km, chưa kể một số tuyến đường nhánh.
Trước đó, khi có chủ trương của xã về triển khai mô hình “Ánh điện an ninh”, nhận thấy, đây là cách làm hay và phù hợp với nguyện vọng của bà con, Chi bộ xóm Hải Lâm đã ra Nghị quyết, sau đó họp Chi bộ mở rộng có sự tham gia của các chi hội đoàn thể thống nhất xây dựng phương án, cách làm, dự trù kinh phí cụ thể, rồi triển khai họp lấy ý kiến nhân dân và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao. Theo đó, bình quân mỗi gia đình đóng 900 nghìn đồng chia làm hai đợt và được nhiệt tình hưởng ứng.
Ông Nguyễn Đình Chiểu - điển hình làm kinh tế giỏi của xóm Hải Lâm, phấn khởi cho biết: Từ ngày có đèn điện thắp sáng, tình hình an ninh trật tự ổn định, việc đi lại của nhân dân vào buổi tối thuận tiện, bộ mặt thôn, bản văn minh hẳn. Người làm nông như chúng tôi đi trồng keo, đi sản xuất về muộn cũng yên tâm hơn... Hệ thống giao thông đồng bộ thì nông sản hàng hoá bà con làm ra cũng tiêu thụ thuận lợi hơn vì thương lái có thể đến thu mua tận vườn, thu nhập tăng lên nhiều lần so với trước đây.
Vì vậy, gia đình ông Chiểu đã mạnh dạn thực hiện quy hoạch vườn chuẩn NTM trên diện tích đất gần 4.000m2 phân theo khu vực chăn nuôi, khu vực trồng cây ăn quả, rau màu, ao cá, lắp đặt hệ thống tưới tự động cho cây trồng, sử dụng phương pháp sản xuất, chăn nuôi sạch được chứng nhận VietGAP.
Thôn Hải Lâm có tổng diện tích 320 ha với 197 hộ, 782 nhân khẩu, 2 dân tộc Thái và Kinh cùng sinh sống. Điều đặc biệt thôn là nơi tập trung dân góp từ 7 tỉnh, 19 huyện trong cả nước về lập nghiệp và phát triển kinh tế đa ngành nghề (trồng rừng, chăn nuôi, trồng rau màu, kinh doanh buôn bán, xuất khẩu lao động...).
Dù đến từ muôn quê với những phong tục, tập quán khác nhau, nhưng nhờ cấp uỷ, ban quản lý thôn khéo “dân vận” nên đã phát huy được sức mạnh đồng thuận, đoàn kết trong xây dựng nông thôn mới.
Theo Trưởng thôn Nguyễn Văn Thắng: Trước đây, cơ sở vật chất trong thôn nghèo nàn, xuống cấp, giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn, đường xá nhiều chỗ còn lầy lội. Khi có Nghị quyết xây dựng nông mới, cấp uỷ Chi bộ, Ban quản lý thôn xác định đầu tiên phải tạo sự đột phá về giao thông, bởi giao thông có thuận lợi thì mới kích cầu sản xuất, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân từ đó cũng sẽ được nâng lên.
Do vậy, thôn đã thành lập Ban Phát triển do đồng chí Bí thư Chi bộ làm trưởng ban, trực tiếp phân công nhiệm vụ cho các thành viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kết hợp với các cuộc họp xóm, sinh hoạt đoàn thể để tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, góp kinh phí, góp công làm đường giao thông nông thôn, lắp đèn đường chiếu sáng.
Trong đó, cán bộ, đảng viên tiên phong đi đầu và mọi công trình, phần việc đều phát huy tinh thần “vì dân phục vụ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.
Nhờ vậy, đến nay, toàn thôn Hải Lâm đã xây dựng được 7 km đường bê tông nội thôn, nhân dân tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, phá dỡ hàng trăm mét tường rào xây, đóng góp hơn 800 triệu đồng và hơn 20 nghìn ngày công lao động để làm đường.
Thôn còn kêu gọi được nhân dân nhất là lực lượng con cháu đi xuất khẩu lao động (toàn thôn có 55 lao động đang làm việc ở nước ngoài) đóng góp 100 triệu đồng để chỉnh trang khuôn viên và mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa... góp phần đưa thôn Hải Lâm đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023.
Không chỉ ở thôn Hải Lâm mà phong trào làm đường giao thông, đèn chiếu sáng đã trở thành “luồng gió mới” tạo không khí thi đua sôi nổi trên địa bàn xã Mường Nọc. Mỗi thôn xóm có một cách làm riêng nhưng đều được người dân đồng tình ủng hộ.
Tại xóm Trung Sơn - nơi có 153 hộ, 636 khẩu, 6 dân tộc cùng sinh sống. Phát huy lợi thế quy tụ đông đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ về hưu, Chi bộ, Ban quản lý xóm đã vận dụng “dân vận khéo” kết hợp đề cao tinh thần nêu gương “nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên để huy động sức dân đóng góp xây dựng các công trình, thiết chế văn hoá thể thao. Hiện nay, 100% đường giao thông nông thôn của xóm Trung Sơn đã được bê tông hoá, đây cũng là xóm có đường cờ, đường điện đẹp nhất nhì xã.
Bà Hoàng Thị Dung (62 tuổi) - Xóm trưởng xóm Trung Sơn, cho biết: Trước đây, xóm đã chủ động lắp đặt đường điện chiếu sáng khoảng 2km dọc đường 554B đoạn đi qua địa bàn. Đến năm 2003, khi có chủ trương phát động mô hình “Ánh điện an ninh”, xóm đã vận động người dân lắp đặt 102 bóng đèn chiếu sáng trên 5 tuyến đường nội thôn, với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, bình quân 1 năm, 1 hộ đóng 150 nghìn đồng để bảo dưỡng đường dây, nộp tiền điện thắp sáng Chủ trương hợp lòng dân, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân nên được bà con đồng tình, ủng hộ.
Là đơn vị được chọn xây dựng mô hình xóm văn hoá tiêu biểu cấp tỉnh, ngoài sửa sang, nâng cấp hệ thống đường giao thông, lắp đặt “Ánh điện an ninh”, xóm Trung Sơn còn huy động nhân dân góp kinh phí, ngày công làm đường cờ gắn với pano, áp phích tuyên truyền vào nhà văn hoá xóm, trị giá 20 triệu đồng; nâng cấp 2 sân bóng chuyền, làm sân bóng đá cho thanh, thiếu niên trị giá hơn 50 triệu đồng.
Khuôn viên nhà văn hoá, thiết chế văn hoá của xóm bảo đảm tiêu chí "sáng, xanh, sạch, đẹp” với hệ thống ghế đá, cây xanh, thùng rác do người dân, con em đi làm ăn xa và các đoàn thể ủng hộ.
“Bộ mặt thôn xóm khởi sắc, người dân ai nấy đều phấn khởi, đặc biệt từ khi có mô hình “Ánh điện an ninh”, ban đêm trên các tuyến đường ở xóm Trung Sơn đều sáng trưng như ở phố, các cháu học sinh đi học về muộn an tâm hơn, người dân đi tập thể dục cũng tiện lợi hơn... Đó là kết quả của sự đồng thuận “ý Đảng - lòng dân” hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên tinh thần "dân làm, dân hưởng thụ”, chị Hoàng Thị Huyền - Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm Trung Sơn vui vẻ cho hay.
Mường Nọc nằm ở địa bàn vùng trung tâm của huyện Quế Phong với tổng diện tích tự nhiên là 50,78 km2. Toàn xã có 1.506 hộ, 6422 khẩu, gồm 3 dân tộc Thái và Kinh, Khơ Mú sinh sống tại 11 xóm, bản.
Từ năm 2020, sau khi sáp nhập hai xã Quế Sơn và Mường Nọc thành xã Mường Nọc, toàn hệ thống chính trị của xã bắt đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Lúc này xã mới đạt 14/19 tiêu chí; trong đó, một số tiêu chí cứng như thu nhập, nhà ở, nghèo đa chiều, giao thông đều chưa đạt.
Bởi vậy, bên cạnh các giải pháp xoá nhà tạm bợ, tập trung chuyển đổi đất cao cưỡng, bãi bồi sang tập trung sản xuất rau, hoa các loại, xây dựng các mô hình kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, cấp uỷ, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân góp công, góp sức làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình dân sinh.
Ấy thế nhưng, đối với địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm đến 67%), việc tuyên truyền, vận động giúp bà con nhận thức rõ: người dân mới là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới không phải là điều dễ dàng.
Bởi vậy, cùng với công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, cấp uỷ, chính quyền địa phương yêu cầu cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong các phong trào, từ giải phóng mặt bằng đến góp công, góp quỹ để làm đường giao thông nông thôn, làm đường cờ, đường điện chiếu sáng...; phân công cán bộ phụ trách các thôn xóm cùng đồng hành, cùng triển khai với nhân dân, tạo phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới sôi nổi khắp toàn xã.
Để khuyến khích phong trào, cấp uỷ chính quyền xã Mường Nọc chỉ đạo hệ thống chính trị xây dựng các mô hình dân vận khéo tập trung vào các việc “khó” như: Giải phóng mặt bằng; mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng các tuyến đường điện an ninh; giải quyết các “điểm nóng” phức tạp, bức xúc nổi cộm phát sinh ở cơ sở... Qua đó, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là trong thực hiện các tiêu chí “khó” trong xây dựng nông thôn mới.
Nhờ khéo kết hợp nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và huyện, cùng sự vận động đóng góp của người dân mà đến nay 20,86km trục đường thôn, đường liên thôn trên địa bàn xã Mường Nọc đã được bê tông hoá, bảo đảm ô-tô lưu thông thuận tiện. Các công trình như cầu cứng qua sông Nậm Giải, đường giao thông liên bản Thanh Phong 1 - Thanh Phong 2, thủy lợi Truông Bành cũng được khởi công, sửa chữa.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương: Trên địa bàn xã có đường tỉnh ĐT.544B đi qua với tổng chiều dài 6,58 km, đường huyện H.336 chiều dài 12km, 01 tuyến đường xã dài 4,56km và 46 tuyến đường thôn, liên thôn dài 20,86km, 53 tuyến đường ngõ xóm dài 9,73km.
Thời gian qua, toàn hệ thống chính trị từ xã đến các xóm, bản ở Mường Nọc đã huy động sức dân triển khai hiệu quả việc phát quang cây xanh, bụi rậm che khuất tầm nhìn của các phương tiện, tạo lề thông, hè thoáng; đồng thời thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là các hộ mua bán hàng hóa dọc theo tuyến đường tỉnh không lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường làm nơi mua bán, xây, đặt bục bệ, làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, gây cản trở tầm nhìn cho các phương tiện khi tham gia giao thông...
Những con đường được làm mới hay nâng cấp thoáng rộng đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây; tuy nhiên, khi đường thông thoáng thì người dân lại nơm nớp nổi lo về va chạm giao thông hay các vấn đề về an ninh trật tự có thể nảy sinh, nhất là vào ban đêm. Để giải quyết vấn đề này và hướng tới xây dựng các tuyến đường đảm bảo tiêu chí “sáng- xanh- sạch- đẹp”, cấp uỷ, chính quyền địa phương chủ trương phát động xây dựng mô hình “Ánh điện an ninh” trên toàn xã.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lô Thị Hồng - Bí thư Đảng uỷ xã Mường Nọc, cho biết: Bắt đầu từ những đơn vị làm điểm, thấy được những hiệu quả thiết thực từ mô hình, người dân các thôn bản đã đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp thêm kinh phí cùng sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn xã.
Đến thời điểm hiện tại, xã Mường Nọc đã có 8/11 xóm bản triển khai mô hình “Ánh điện an ninh” với hơn 100 tuyến đường, dài hơn 30km được bố trí 820 bóng điện thắp sáng. Tổng số tiền để thực hiện công trình này lên đến gần 800 triệu đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp gần 600 triệu đồng và các cơ quan doanh nghiệp hỗ trợ gần 200 triệu đồng.
Mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, vừa thắp sáng các tuyến đường, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện vào buổi tối, vừa góp phần làm cho đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp, hạn chế tai nạn giao thông, giảm nạn trộm cắp, bớt tụ tập gây mất an ninh trật tự... Mô hình cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở và Công an xã, đảm bảo sự bình yên, hạnh phúc cho người dân.
Để đảm bảo ánh sáng và an toàn trong quá trình sử dụng, chính quyền xã Mường Nọc chỉ đạo các ban quản lý xóm, bản thường xuyên kiểm tra để sửa chữa, thay mới những bóng đèn, dây điện hư hỏng, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo phủ kín mô hình “Ánh điện an ninh” lại 3 đơn vị còn lại nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, tạo sự khởi sắc cho bộ mặt thôn bản”- đồng chí Lô Thị Hồng cho hay.
Việc phát huy sức dân xây dựng, nhân rộng mô hình tuyến đường giao thông sáng, đẹp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn đã góp phần giúp Mường Nọc hoàn thiện 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2200 ngày 23/8/2024 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mường Nọc cũng là đơn vị đầu tiên của huyện 30a Quế Phong về đích nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025.