Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Quốc Trị qua lời kể của con gái

Đào Tam Tỉnh 26/07/2023 12:56

(Baonghean.vn) - Trong dịp cả nước đang hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và "Đền ơn đáp nghĩa" tưởng nhớ tri ân các thương binh, liệt sĩ, tôi tình cờ được gặp người con gái của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Quốc Trị.

Đó là chị Nguyễn Thị Phương Lan – con gái liệt sĩ Nguyễn Quốc Trị - nhân chứng sống kể lại về cuộc đời người cha anh hùng của mình.

Chị Nguyễn Thị Phương Lan năm nay đã có tuổi trên 70, nhưng vẫn khỏe mạnh, lạc quan. Tôi gặp chị tại cuộc hội ngộ do nhà Sử học, Đại tá Công an Ngô Trí Sinh tổ chức tại quán cà phê Summer Vinh một cách khá bất ngờ. Ngoài anh Sinh và tôi còn có nhà báo cựu chiến binh Nguyễn Đào, 3 anh em đang hàn huyên thì có 2 phụ nữ vào quán và đến bàn chúng tôi. Thì ra anh Sinh đã hẹn mời đến cùng mà chúng tôi không được biết trước.

bna_ anh 1.jpg
Chị Nguyễn Thị Phương Lan – con gái liệt sĩ Nguyễn Quốc Trị. Ảnh: NVCC

Sau khi anh Sinh giới thiệu mọi người với nhau, tôi mới biết tên 2 người phụ nữ khi lần đầu gặp mặt, đó là chị Nguyễn Thị Phương Lan và chị Nguyễn Thiên Thanh Thanh.

Chị Nguyễn Thiên Thanh Thanh là nhà thơ, chị Nguyễn Thị Phương Lan là Thiếu tá làm việc ở Viện Quân y 4, đã nghỉ hưu. Họ là bạn thân của nhau từ nhiều năm.

Khi biết chị Phương Lan là con gái của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Quốc Trị, tôi thấy thật may mắn khi gặp được chị để hiểu hơn về người cha của chị.

Khi tôi ngỏ ý xin các tài liệu về cụ Nguyễn Quốc Trị để nghiên cứu và viết bài thì chị Phương Lan đã gửi thông tin và các ảnh về cụ, rồi báo cho tôi biết là chị sẽ trả lời phỏng vấn trong Chương trình: “Kể chuyện chiến sĩ: Anh hùng Nguyễn Quốc Trị - chuyện chưa kể" do Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An phối hợp thực hiện.

Tôi nghe qua lời kể của chị và tài liệu trong sách, báo đã hình thành nên bài viết này để phục vụ quý bạn đọc, góp phần hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Anh hùng Nguyễn Quốc Trị.

bna_ anh 33.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về Anh hùng Nguyễn Quốc Trị. Ảnh chụp lại tư liệu

Thân sinh của chị Nguyễn Thị Phương Lan là ông Nguyễn Quốc Trị (1919-1967), thân mẫu là bà Vũ Thị Hy, mất năm 1983, thọ 62 tuổi. Ông bà sinh được 4 người con, gồm anh cả Nguyễn Quốc Sĩ (sinh năm 1942) tu nghiệp ở Tiệp Khắc (cũ), năm 1970 về công tác ở Viện Máy công cụ; con thứ 2 là chị Nguyễn Thị Phương Lan (sinh năm 1948); con thứ 3 là anh Nguyễn Quốc Hòa (sinh năm 1957) công tác ở địa phương; con thứ 4 là anh Nguyễn Quốc Bình (sinh năm 1962) làm ở Nhà máy Dệt kim Hoàng Thị Loan, thành phố Vinh.

Làng Phượng Kỷ, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, quê của Anh hùng Nguyễn Quốc Trị cũng như bao làng quê khác ở đôi bờ sông Lam rất đẹp, với những lũy tre xanh, cây đa, bến nước, sân đình, nương ruộng xanh tươi mát mắt trải dài ven sông. Sông Lam qua huyện Đô Lương gặp khúc quanh nơi trước đền Quả Sơn (1 trong 4 ngôi đền đẹp và linh thiêng nhất xứ Nghệ: Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng), là nơi phù sa đọng lại tốt nhất cho cây trồng, trước khi đưa nước xuống hạ lưu Lam Giang, nên đây là nơi đất tốt, sinh nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước. Ông bà, cha mẹ và bản thân chàng trai Nguyễn Quốc Trị phải vất vả, tần tảo, làm nghề nông trồng lúa, trỉa bắp quanh năm mới đủ sống dưới chế độ phong kiến và thực dân. Nguyễn Quốc Trị có lòng yêu nước nồng nàn, sớm tham gia cách mạng, 16 tuổi bị Pháp bắt đày làm phu bên Lào, người yếu nên ông bị bệnh sốt rét hành đến "thập tử nhất sinh".

Vốn là người có sức sống mạnh mẽ, dẻo dai nên ông đã vượt qua được bệnh tật. Khỏe lại, ông lại tiếp tục hoạt động và xung phong vào Đội Tự vệ đánh Nhật, đã có thành tích cùng đồng đội diệt được 10 tên địch, phá hủy 5 xe vận tải quân sự. Ông hăng hái tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện Đô Lương (tháng 8/1945). Sau đó, ông xung phong vào bộ đội, tham gia đánh trận ở nhiều mặt trận từ Bình Trị Thiên, Nghệ An… (từ tháng 12/1946 - 1/1947), riêng ông diệt 19 tên Pháp và 2 tên Nhật.

bna_ anh 44.jpg
Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Báo Nhân Dân, số 61, ngày 12/6/1952, tr.3. viết về Anh hùng Nguyễn Quốc Trị với bút danh C.B. Ảnh chụp lại tư liệu

Sau đó, ông được điều ra Việt Bắc, được giao chỉ huy Khẩu đội Ba-dô-ka, chiến đấu trên đường số 4 (2/1948), đã bắn cháy 1 xe chở quân, diệt 30 tên địch… Trong các chiến dịch Việt Bắc và Thu Đông, ông chỉ huy đại đội lập nhiều thành tích, đặc biệt, góp công lớn bắt sống 2 tên Quan 5 là Lơpagiơ và Sáctông.

Trong trận Trung du, ông có sáng kiến đánh giặc từ nóc nhà giặc đánh xuống nên thắng giặc chỉ trong nháy mắt.

Trong trận Ninh Bình, ông cùng 6 đội viên đã dùng mưu mẹo bắt sống 90 tên giặc, tiêu diệt một số tên khác, trong đó có quan hai là con tướng giặc Tátxinhi…

Báo Nhân dân, số 61, ngày 12/6/1952 đã có bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh C.B tổng kết về thành tích thi đua lập công của Nguyễn Quốc Trị như sau:

“Anh hùng thi đua diệt giặc lập công Nguyễn Quốc Trị đã đánh 95 trận từ Bình Trị Thiên đến Việt Bắc, tự mình diệt hơn 200 tên giặc, bị thương nặng 5 lần mà vẫn không rời bộ đội.

Tham gia cách mạng khi 16 tuổi. Bị Pháp bắt đày sang Lào. 17 tuổi vào bộ đội từ ngày khởi nghĩa, ở trận Biên giới, bộ đội Nguyễn Quốc Trị đã nhịn đói và chịu ướt 2 ngày đuổi theo quân giặc, góp phần vào việc bắt sống 2 tên Quan 5 Lơpagiơ và Sáctông.

Trong trận Trung Du, đồng chí Nguyễn Quốc Trị đã có sáng kiến đánh từ trên nóc nhà giặc đánh xuống, kết quả đã hoàn toàn chiến thắng trong nháy mắt.

Trong trận Ninh Bình đồng chí Quốc Trị cùng 6 đội viên đã dùng mưu mẹo bắt sống 90 tên giặc và tiêu diệt một số, trong đó có tên quan hai, con tướng giặc Tátxinhi. Trên đây chỉ là vài thí dụ. Những đức tính tốt của đồng chí Nguyễn Quốc Trị là:

- Nhanh nhẹn và gan góc khi đánh giặc;

- Kiên quyết thi hành lệnh trên giao cho;

- Thương yêu đội viên như anh em ruột thịt;

- Cần kiệm quý trọng của công;

- Thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình;

- Đồng chí Quốc Trị thường nói: "Tôi có những thành tích đó, là nhờ Bác Hồ và Chính phủ, nhờ Đảng và nhân dân và cũng nhờ anh em toàn đồng đội đồng tâm đoàn kết".

Đồng chí được Đại hội toàn quân bầu làm Anh hùng Quân đội”.

Nguyễn Quốc Trị khi ở Việt Bắc còn có công bảo vệ Bác Hồ (Ảnh Bác Hồ chống gậy hành quân đi chiến dịch, có hình ảnh ông đi ngay sau lưng Bác). Những ngày được sống bên Bác, ông học tập được nhiều điều hay tốt ở vị lãnh tụ, nhất là ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Pháp. Từ đó, ông luôn xung phong ra trận và luôn đánh thắng giặc, luôn xứng danh với biệt danh mà Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đặt cho ông: "Nhanh như sóc, mạnh như hổ".

Ông xứng đáng được Đảng, Chính phủ và Quân ủy Trung ương tặng thưởng: 1 Huân chương Quân công hạng Ba; 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Chiến sĩ Thi đua toàn quốc; là 1 trong 4 người được phong Anh hùng đợt đầu tiên cùng Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Ngô Gia Khảm (19/5/1952).

Nguyễn Quốc Trị là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ Đô, Đại đoàn quân Tiên phong. Trung đoàn được Bác Hồ đưa vào dâng hương, tưởng niệm ở đền thờ Hùng Vương và hứa quyết tâm tiếp bước cha ông giữ gìn bảo vệ non sông gấm vóc: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải ra sức giữ lấy nước".

Khi về tiếp quản Thủ Đô, ông được vinh dự dẫn đầu đoàn quân vào tiếp quản Thủ đô và là người được cử kéo Quốc kỳ lên Kỳ đài Thăng Long (hình ảnh ông ôm bó hoa tươi do dân đón tặng có trên nhiều bài báo và phim ảnh về ngày giải phóng Thủ đô). Ông được đứng trước hàng quân và là đại biểu danh dự tượng trưng cho ý chí quyết tử bảo vệ Thủ đô (15h ngày 10/10/1954).

Ngày 16/8/1967 là ngày định mệnh, mất mát đau thương cho gia đình bà Vũ Thị Hy khi được báo tin ông đã hy sinh trên trận địa pháo ngay tại quê nhà Đô Lương. Ngày mà Thượng tá, Anh hùng Nguyễn Quốc Trị - Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân khu 4 trên đường đến thăm để động viên chiến sĩ tại trận địa pháo đã bất ngờ hy sinh vì bị bom nổ chậm của đế quốc Mỹ. Khi đó, anh cả Quốc Sĩ còn ở nước ngoài, mẹ đau yếu, nên chị Phương Lan đã thay mặt gia đình nén đau thương đến trận địa pháo để tìm nhặt xác của cha. Lúc đó xác cha hòa lẫn xác của các đồng đội cùng hy sinh.

Chị Phương Lan kể: "Tôi chạy đi nhặt xác cho cha mà nước mắt không chảy được. Tôi quỵ xuống. Đó là một nỗi đau bàng hoàng suốt tuổi thơ của 4 anh em chúng tôi và một người mẹ nghèo".

bna_ anh 22.jpg
Chiến dịch Việt Bắc 1952. Ảnh chụp lại tư liệu

Đồng đội và nhân dân đã làm lễ tang trang trọng cho Anh hùng Nguyễn Quốc Trị và các chiến sĩ liệt sĩ đã hy sinh. Mộ của ông trở thành di tích tiêu biểu, là tấm gương cho người dân và các thế hệ trẻ đến dâng hương tôn vinh, học tập, nhất là trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hàng năm. Tấm gương Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Quốc Trị đã được Đảng, Nhà nước và các lãnh tụ tôn vinh.

Nhân dịp chị Phương Lan ra thủ đô đến chúc mừng sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp 90 tuổi, chị đã nghe tướng Giáp nói về sự quan tâm, tiếc thương của Bác Hồ đối với Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Quốc Trị và bản thân ông cũng vậy khi nhắc: "Dịp 27/7 vừa rồi bác từ Hà Nội đi thẳng vào Nghĩa trang huyện Đô Lương thắp hương cho bố cháu và ông Hoàng Kiện".

Tướng Giáp còn để lại bút tích sau một tấm ảnh của Anh hùng Nguyễn Quốc Trị vào ngày 19/5/2002 như sau: Tôi nhớ mãi hình ảnh của Anh hùng Nguyễn Quốc Trị người chiến sĩ "nhanh như sóc, mạnh như hổ" hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được đơn vị giao phó, để lại tấm gương sáng cho các cán bộ và chiến sĩ lực lượng vũ trang. (Ký tên Võ Nguyên Giáp).

Biết ơn người anh hùng, Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Xường đã sáng tác và cho biểu diễn hợp xướng mang tên: Bài ca Anh hùng Nguyễn Quốc Trị. Tên của ông Nguyễn Quốc Trị đã được đặt cho 1 con đường đẹp ở Thủ đô Hà Nội, thuộc quận Cầu Giấy và 1 con đường mang tên ông được đặt ở TP. Vinh, thuộc phường Hưng Phúc, còn trên quê ông ở huyện Đô Lương có ngôi trường THCS cũng mang tên ông - Trường THCS Nguyễn Quốc Trị. Nhà truyền thống lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Quốc Trị cũng đã được xây dựng tại quê ông - xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An./.

Tài liệu tham khảo:

1. Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh Nghệ An. Đơn vị và cá nhân Anh hùng tỉnh Nghệ An. T.3.- Vinh, NXB Nghệ An, 2009.- Tr. 481-482.

2. Báo Nhân Dân, số 61, ngày 12 tháng 6 năm 1952 (xem ảnh).

3. Lời kể của nhân chứng sống chị Nguyễn Thị Phương Lan, con gái anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Quốc Trị qua chương trình: "Kể chuyện chiến sĩ: Anh hùng Nguyễn Quốc Trị - chuyện chưa kể" do Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An và Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh Nghệ An phối hợp thực hiện.

Và một số tài liệu khác…

Mới nhất

x
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Quốc Trị qua lời kể của con gái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO