'Hành trình đỏ' tri ân những người vợ, người mẹ anh hùng

Thanh Quỳnh 18/07/2023 18:58

(Baonghean.vn) - Với tấm lòng hy sinh cao cả, những người vợ, người mẹ liệt sĩ trên mảnh đất xứ Nghệ đã thầm lặng vượt qua bao mất mát không gì có thể bù đắp, để rồi kiên cường đứng dậy, sống cuộc đời ý nghĩa trong hành trình viết nên trang sử hào hùng của dân tộc. 

Thấu hiểu những giá trị thiêng liêng ấy, tuổi trẻ Nghệ An đã cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân đến các mẹ. Để rồi sau mỗi chuyến đi, họ cảm thấy mình trưởng thành hơn…

Mạch nguồn vun đắp tình yêu đất nước

Những năm qua, ngôi nhà nhỏ của mẹ liệt sĩ Trần Thị Sâm ở xóm Thái Sơn, xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ luôn là địa chỉ thân thuộc đối với những bạn trẻ nơi đây. Mỗi lần được gặp mẹ lại là một lần các bạn được lắng nghe biết bao câu chuyện cảm động thời chiến, ở đó không chỉ có nụ cười, có chiến thắng, mà còn biết bao nước mắt và sự hy sinh thầm lặng. Bước vào tháng 7 – tháng của niềm tri ân, ngôi nhà của mẹ lại mở rộng cánh cửa để đón các bạn trẻ cùng nhau về với mẹ để nấu những bữa cơm đong đầy yêu thương, để giúp mẹ dọn lại khu vườn và trao tặng mẹ những món quà ý nghĩa.

bna_tân kỳ.jpg
Mẹ liệt sĩ Trần Thị Sâm (sinh năm 1920), ở xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) luôn nhận được sự quan tâm, trân quý của cấp ủy, chính quyền và các bạn trẻ trong tỉnh. Ảnh: TĐNA

Chị Thái Thị Hiền - Bí thư Đoàn xã Nghĩa Thái cho biết, mẹ liệt sĩ Trần Thị Sâm sinh năm 1920, năm nay đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Mẹ có 3 người con tham gia kháng chiến, nhưng mãi mãi mất đi người con Phạm Văn Đạt vào năm 1972. Khi ấy, liệt sĩ Phạm Văn Đạt chỉ mới tròn 20 tuổi và đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Thời điểm đó, không chỉ có mẹ, mà còn rất nhiều người phụ nữ khác tại quê hương Tân Kỳ cũng mất đi chồng, con nơi chiến trận. Vượt lên nỗi đau, mẹ cố gắng mạnh mẽ để thực hiện những mong muốn, ước mơ còn dang dở của con trai mình.

bna_ảnh 2 tân kỳ.jpg
Tuổi trẻ địa phương chỉnh trang lại vườn nhà cho mẹ liệt sĩ Trần Thị Sâm. Ảnh: TĐNA

Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các bạn trẻ tại địa phương là niềm động viên, an ủi lớn để mẹ liệt sĩ Trần Thị Sâm có thêm điểm tựa đứng lên trong mất mát. Năm nay, như thường lệ, các bạn trẻ lại về ngôi nhà của mẹ để cùng nhau tổ chức các hoạt động ý nghĩa. Dẫu rằng thời gian bên mẹ không nhiều nhưng đã mang lại thật nhiều tiếng cười cho mẹ.

Còn tại mảnh đất Nam Đàn, những câu chuyện về những người phụ nữ là vợ, là mẹ liệt sĩ vẫn luôn là mạch nguồn cảm xúc thiêng liêng trong mỗi người. Theo chân đoàn công tác của Tỉnh đoàn Nghệ An và tuổi trẻ Công an huyện Nam Đàn về với vợ liệt sĩ Lê Thị Hường ở xóm 4, xã Xuân Lâm, mới cảm nhận được hết tấm lòng sắt son, kiên trung của người phụ nữ dành trọn 54 năm thờ chồng.

bna_nàm đàn.jpg
Vợ liệt sĩ Lê Thị Hường ở xóm 4, xã Xuân Lâm (Nam Đàn) giữ trọn tấm lòng sắt son khi 54 năm qua thay chồng nuôi con khôn lớn, chăm sóc bố mẹ chồng. Ảnh: TĐNA

Theo đó, bà Lê Thị Hường (sinh năm 1938), là vợ của liệt sĩ Trần Đình Chất (sinh năm 1943). Quay ngược thời gian về cuối năm 1968, lúc đó, chiến sĩ Trần Đình Chất đã tham gia kháng chiến được gần 4 năm. Xa quê từng đó thời gian, anh được đơn vị cho về nghỉ phép 20 ngày. Trong 20 nghỉ phép đó, anh đã nên duyên cùng cô gái Lê Thị Hường – người đã đem lòng yêu thương anh từ lâu. Kết thúc quãng thời gian nghỉ phép, chiến sĩ Trần Đình Chất tạm biệt vợ, gia đình tiếp tục lên đường tham gia chiến đấu. Vậy rồi, đầu năm 1969, chiến sĩ Trần Đình Chất đã hy sinh. Thời điểm đó, bà Lê Thị Hường đang mang thai con gái. “Vậy là, hai bố con đã không thể gặp được nhau”, bà bùi ngùi chia sẻ.

bna_ảnh 2 nam đàn.jpg
Tuổi trẻ Công an huyện Nam Đàn phối hợp với lực lượng đoàn viên, thanh niên địa phương cùng nhau nấu những bữa cơm tri ân ấm áp tới các mẹ liệt sĩ trên địa bàn huyện. Ảnh: TĐNA

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, bà không tin là chồng mình đã mất. Niềm tin chồng vẫn còn sống đã giúp bà có sức mạnh để vượt qua nỗi đau, nuôi con gái khôn lớn, trưởng thành. Tình yêu dành cho chồng quá lớn, nên sau 54 năm kể từ khi chồng mất, bà vẫn sắt son thờ chồng. Mẹ chồng của bà là cụ Trần Thị Tròn (sinh năm 1922) không chỉ mất đi con trai cả Trần Đình Chất mà còn mất đi hai người con trai khác trong những năm sau đó. Cụ Trần Thị Tròn được trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng với tấm lòng hy sinh cao cả không thể nào đo đếm.

bna_hoàn mai.jpg
Tỉnh đoàn, đại diện tuổi trẻ Công an thị xã Hoàng Mai và lực lượng đoàn viên, thanh niên địa phương cũng đã có nhiều hoạt động tri ân các vợ, các mẹ liệt sĩ trên địa bàn thị xã. Ảnh: TĐNA

Được gặp bà, trò chuyện với những người vợ, người mẹ tuyệt vời đó đã khiến cho những bạn trẻ trong đoàn công tác không khỏi xúc động. Chia tay gia đình, chị Nguyễn Thị Quỳnh – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn khẳng định, việc gặp gỡ, chăm sóc, tri ân những người mẹ, người vợ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh thực sự đã thay đổi nhận thức của nhiều đoàn viên, thanh niên trong nhịp sống hiện đại. Những hy sinh thầm lặng, to lớn của các thế hệ đi trước đã giúp họ hiểu hơn giá trị của hòa bình, hiểu hơn trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, quê hương.

Nối dài hành trình tri ân

Tháng 7, cả dân tộc thành kính tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc và ghi nhớ công lao to lớn của những người mẹ đã thầm lặng hy sinh cho độc lập nước nhà. Trong không khí đó, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An cũng đã đồng loạt triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa tới các bà, các mẹ.

bna_ảnh 1.jpg
Đại diện Tỉnh đoàn, Huyện đoàn Quỳnh Lưu và Đoàn xã Quỳnh Mỹ thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Vũ Thị Ngân (sinh năm 1928), hiện đang sống tại xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: TĐNA

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hàng trăm suất quà và các bữa cơm tri ân của các bạn trẻ tổ chức triển khai tới các vợ, các mẹ liệt sĩ. Bên cạnh đó, còn là sự ân cần thăm hỏi sức khoẻ, động viên tinh thần các mẹ luôn sống vui, sống khỏe làm chỗ dựa tinh thần cho con cháu và tương lai của đất nước.

Bày tỏ niềm vui khi nhận được sự quan tâm của thế hệ trẻ, các bà, các mẹ không giấu nổi sự xúc động. Đồng thời chia sẻ, sự thăm hỏi, động viên này đã góp phần xoa dịu nỗi đau, tiếp thêm niềm vui sống khi về già của các bà, các mẹ khi tuổi đã xế chiều.

Niềm vui đó chính là mạch nguồn ý nghĩa để tuổi trẻ Nghệ An tiếp tục nối dài hành trình tri ân ý nghĩa, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn giữa những giá trị văn hóa đan xen trong nhịp sống hiện đại ngày nay...

Mới nhất

x
'Hành trình đỏ' tri ân những người vợ, người mẹ anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO