Anh nông dân hát nhạc Trịnh

06/08/2016 15:29

(Baonghean.vn) - Vài năm lại đây, trong đời sống âm nhạc thành Vinh, nhiều người nhớ tới một giọng ca lạ mang tên Minh Vương. Giọng hát Minh Vương gắn liền với những ca khúc của Trịnh Công Sơn, vừa giản dị, lại vừa liêu trai, đặc biệt rất gần với giọng hát của ca sỹ nổi danh Khánh Ly. Nhiều người cho rằng, nhạc Trịnh đã tìm thấy thêm một tri âm. Không mấy người biết rằng chàng trai sở hữu giọng hát ấy là một anh nông dân đích thực, hàng ngày gắn bó với ruộng đồng, vườn tược, đêm về lại lọ mọ lên phố Vinh đi hát, không hề biết tới thế giới mạng, không có facebook cá nhân...

Nghe Minh Vương hát nhạc Trịnh:

.

Minh Vương trong một đêm nhạc Trịnh được tổ chức tại Vinh.
Minh Vương trong một đêm nhạc Trịnh được tổ chức tại Vinh. Ảnh: S.N

“Tồn tại được là nhờ nhạc Trịnh”

Minh Vương là con thứ 4, và là con trai duy nhất trong gia đình có 6 chị em tại xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên. Khi Minh Vương được 10 tuổi thì mẹ mất. Cha Vương, một người lính trở về từ chiến trường ác liệt, với nhiều căn bệnh trong người, sau nhiều năm chống chọi cùng bệnh tật thì ông cũng đã đi xa, bỏ lại Vương trong căn nhà trống trải.

Gia đình nông dân nghèo, không ai theo nghiệp ca hát và cũng không ai biết hát, ngoại trừ cậu con trai duy nhất mê hát từ thời 4, 5 tuổi. Vương kể, mình bắt đầu biết đến âm nhạc là nhờ lời bà ru, sau đó giấc mơ làm ca sỹ cứ ám ảnh Vương mãi. Để rồi một ngày, Vương quyết định đăng ký vào Khoa Thanh nhạc, Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An. Tốt nghiệp năm 2006, không xin được việc làm, theo “xu thế” thanh niên nông thôn bấy giờ, Vương cũng chọn con đường Nam tiến, tìm cơ hội cho mình nơi những khu công nghiệp…

Công việc hàng ngày của Vương là ra đồng từ sáng sớm, chăn trâu, làm cỏ, cầy cày...
Công việc hàng ngày của Vương là ra đồng từ sáng sớm, chăn trâu, làm cỏ, cấy cày...Ảnh: S.N.

Vào Nam, Vương lăn lóc ở các khu nhà trọ công nhân ở Bình Chiểu, rồi các quán cơm bụi…Phận tha hương, công việc không ổn định, gia cảnh thì khó khăn, bản thân lại không làm ra tiền đã khiến Vương quay quắt trong sợ hãi, mặc cảm. Vương không đếm nổi bao đêm phải lang thang, ngủ đêm ngoài đường. Có những lần cả tuần mà trong túi không có một xu, cơn đói, nỗi chán chường bủa vây, những bước chân đưa Vương đến công viên 23-9 (T.P Hồ Chí Minh).

Vương gặp ở đây bao nhiêu phận người, nhiều trong số đó là người già, em bé. Mỗi người mang trong mình một câu chuyện dài, một tấn bi kịch và cả những khát khao… Họ co ro nơi ghế đá, chia nhau mẩu bánh cuối ngày. Và có nhiều người biết đến Trịnh qua những bài hát trĩu nặng thân phận. Họ hát cho Vương nghe, Vương cũng hát cho họ nghe.

Căn nhà của MInh Vương ở xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên
Căn nhà của anh chàng nông dân hát nhạc Trịnh ở xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên. Ảnh: S.N

Vương nói, kể từ đây, Vương đã tìm đến âm nhạc của Trịnh như một sự cứu rỗi của đời mình. Không có đài, không đĩa nhạc, Vương thường đi “nghe nhờ” trong những quán nước hay trong máy điện thoại của ai đó. Đang đi trên đường, thấy từ nhà ai cất lên tiếng hát Trịnh, là bất kể ở đâu, Vương cũng dừng lại nghe cho đến hết bài hát.

Vương nói: “Em tồn tại được là nhờ nhạc Trịnh! Em qua được những đêm đói, qua được những cám dỗ, qua được khổ đau cũng nhờ có Trịnh. Và em trở về quê, sống cùng cha những ngày cuối đời ông cũng vì có Trịnh…”.

“Được hát, đó là hạnh phúc!”

Sau trận lụt năm 2010 tại quê nhà, Vương trở về. Trở về khi nhà chỉ còn lại người cha già yếu, đi viện liên miên. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, các chị, em đã có cuộc sống riêng. Trở về, và bắt đầu bằng ruộng, vườn, cày cấy. Chỉ có giấc mơ được hát là vẫn không ngừng thôi thúc. Vương nói, không lúc nào những lời hát Trịnh tắt trên môi mình. Dù mấy mệt nhọc, dù mấy đau buồn.

Minh Vương thường xuất hiện trong chiếc áo dài màu nâu đen khi hát Trịnh tại các quán cà phê ở Vinh.
Minh Vương thường xuất hiện trong chiếc áo dài màu nâu hoặc đen khi hát Trịnh tại các quán cà phê ở Vinh. Ảnh: Hồ Chiến

Ngoài đồng ruộng, thi thoảng Vương đến những đám cưới vì được mời hát. Vương tập cho mình một số bài nhạc mới để đi hát đám cưới, nhưng không quên thỉnh thoảng chen vào một vài bài của Trịnh mà Vương thấy có âm điệu phù hợp. “Chỉ có hát Trịnh, em mới được là mình. Hình như nó đã thấm vào trong máu của em”- Vương chia sẻ.

Cũng từ đây, có người đã “phát hiện” ra chất giọng rất lạ, rất mộc của Vương. Vương đã tìm được những người bạn thích nghe Vương hát, được mời tham gia một số đêm nhạc từ thiện, đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn. Hiện tại thì quán cà phê ca nhạc Sonata đã có “hợp đồng” với Vương một tuần một vài buổi hát Trịnh. “Cát sê” không lớn, nhưng với Vương được hát đã là hạnh phúc.

Với Minh Vương, được hát nhạc Trịnh là một hạnh phúc.
Với Minh Vương, được hát nhạc Trịnh là một hạnh phúc. Ảnh: S.N.

Cho đến giờ, Vương vẫn không có nổi cái máy nghe nhạc trong nhà mình. Anh nông dân sinh năm 1983 ấy chưa từng biết đến mạng và facebook. Tài sản của Vương là những bài hát được thu âm trong chiếc máy điện thoại rẻ tiền, và một cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn do một người bạn tặng từ rất lâu.

Nhưng thật may mắn khi xung quanh Vương đã có những người yêu mến giọng hát, yêu mến con người chân thật giản dị của Vương. Trong số đó có nhạc sỹ trẻ Quốc Nam.

Ý tưởng giúp Minh Vương đến với công chúng qua những bản thu âm đã được nhạc sỹ Quốc Nam nghĩ tới và thực hiện tại phòng thu của chính mình. “Lý do giúp Minh Vương cũng chẳng có gì quá đặc biệt, Tôi luôn trân trọng những con người có tài năng, nghị lực và biết vươn lên. Nhìn Minh Vương hát là cả sự đam mê và cống hiền dù đó là trên sân khấu, trong phòng thu hay trong những khoảnh khắc đời thường...”- nhạc sỹ Quốc Nam chia sẻ.

Thùy Vinh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Anh nông dân hát nhạc Trịnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO