Ánh sáng của tình yêu thương

Đó là điều mà bà Nguyễn Thị Thao – Chủ nhiệm CLB “vòng tay nhân ái” và “Quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi” xóm Bình Hạnh, xã Nghĩa Bình, Nghĩa Đàn luôn tâm niệm. Và trên thực tế, bằng tình yêu thương và tấm lòng nhân hậu của mình, bà đã giúp đỡ nhiều mảnh đời nhiễm HIV, nhiều số phận lầm lỡ tái hòa nhập với cộng đồng…

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ấm cúng nằm giữa một vườn cây xanh ở xóm Bình Hạnh, xã Nghĩa Bình là một người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và vui vẻ. Đây chính là người “ăn cơm nhà, vác tù và’’ mà các thành viên CLB “Vòng tay nhân ái” và “Quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi” trên địa bàn luôn trìu mến gọi là “cô Thao”, “mẹ Thao” bằng lòng biết ơn và sự tin tưởng. Nếu không được giới thiệu thì ít ai ngờ bà Thao bán bún sáng ở chợ Nghĩa Hội lại là chủ nhiệm 2 CLB nơi tập trung những mảnh đời nhiễm HIV, người nghiện ma túy, người lầm lỡ.

Cuộc sống bận rộn mưu sinh của bà Nguyễn Thị Thao.

Vốn là tay thợ cạo mủ cao su có tiếng của Nông trường 1/5, năm 2001 bà Nguyễn Thị Thao xin nghỉ về tham gia hoạt động tại địa phương và được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ xóm Bình Hạnh. Đây là xóm có địa bàn rộng, dân số đông, diện tích canh tác ít. Trước những năm 2010, tình hình an ninh trật tự của xóm rất phức tạp, tệ nạn xã hội cờ bạc, trộm cắp, ma túy có xu hướng gia tăng. Trong xóm có 10 người mãn hạn tù trở về, 10 người nhiễm HIV. Trong đó có những phụ nữ bị lây nhiễm từ chồng, bị mọi người xa lánh, kỳ thị, không dám đến gần, mà trường hợp của chị P.T N.A là một ví dụ điển hình. Mặc những lời xì xầm của những người xung quanh, là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ, bà Thao đã đến nhà gặp trực tiếp chị N.A trao đổi, động viên chị vững niềm tin vào cuộc sống. Khi nghe chị N.A tâm sự “cháu nhiễm HIV rồi cô ạ, nhà lại nghèo không có tiền mua thuốc chữa bệnh, ai cũng xa lánh cháu vì họ sợ lây nhiễm, giờ đây cháu không muốn sống nữa”. Bà Thao đã động viên: “Cháu cứ yên tâm, sẽ có cô bên cạnh, chị em BCH phụ nữ xã và xóm cũng sẽ giúp đỡ để cháu vượt qua”.

Nói là làm, ngay sáng hôm sau bà Thao đã tổ chức một cuộc họp mời BCH phụ nữ xóm, các đồng chí trong cấp ủy, ban cán sự xóm để trao đổi, xin ý kiến và đứng ra kêu gọi hội viên phụ nữ và người dân ủng hộ chị N.A một khoản tiền để chị yên tâm chữa bệnh. Đồng thời luôn sát cánh động viên chị N.A trong cuộc sống. Nhờ vậy, từ tâm lý tự ti, chán nản chị N.A dần trở nên lạc quan, yêu đời, tích cực tham gia hoạt động xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thao (trái) và chị N.A.

Từ những việc làm thiết thực của bà Thao và chi hội phụ nữ xóm cùng thực tế tình hình ở địa phương, năm 2011, Hội LHPN xã và Công an xã Nghĩa Bình đã tham mưu với UBND xã tổ chức khảo sát và triển khai ra mắt mô hình CLB vòng tay nhân ái với 47 thành viên tham gia trong đó có 10 thành viên bị nhiễm HIV (có 3 cặp vợ chồng, 3 phụ nữ và 1 trẻ em), gia đình người thân của người nhiễm… Và bà Thao được “chọn mặt, gửi vàng” là chủ nhiệm CLB.

Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, CLB vòng tay nhân ái đi vào hoạt động có nề nếp và hiệu quả. Đến năm 2012, khi trong xóm Bình Hạnh có nhiều người mãn hạn tù trở về, Hội LHPN xã Nghĩa Bình tiếp tục tham mưu xây dựng thêm CLB “quản lý, giáo dục, cảm hóa giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng”. Được tín nhiệm giao kiêm luôn chủ nhiệm CLB này, bà Thao vui vẻ nhận lời dù biết việc “ăn cơm nhà, vác tù và” không hề đơn giản. Bởi thành lập CLB đã khó nhưng duy trì hoạt động của các CLB này càng khó hơn vì đây là mô hình có tính chất đặc thù. Hơn thế, những người bị nhiễm HIV hay mới ra tù đều là những đối tượng nhạy cảm. Họ thường tự ti, mặc cảm, xa lánh mọi người, thiếu công ăn việc làm, thiếu vốn lao động sản xuất và ít tham gia các hoạt động xã hội. Rào cản lớn hơn là trong cộng đồng vẫn còn một số bà con có tâm lý xa lánh, kỳ thị, sợ lây nhiễm… Vì vậy, nội dung, hình thức vận động tuyên truyền thế nào cho hiệu quả đối với các đối tượng và cả người dân trong cộng đồng dân cư là một thử thách không hề nhỏ đối với Ban chủ nhiệm CLB.

Được sự chỉ đạo của cấp Ủy, ban cán sự xóm, sự động viên của các cấp hội phụ nữ, bà Thao và Ban chủ nhiệm các CLB đã tìm ra các giải pháp thiết thực để giúp đỡ các thành viên. Đầu tiên là tích cực gần gũi các đối tượng, rút ngắn khoảng cách nhằm tạo sự tin tưởng, xem họ cần gì, thiếu gì để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ, có thể bằng ngày công, bằng vật chất, bằng cây con giống… Khi gia đình các thành viên trong CLB có ốm đau hay công việc hiếu hỷ, các thành viên ban chủ nhiệm và bà con lối xóm đều kịp thời đến động viên, chia sẻ. Từ đó nhân lên tình tương thân, tương ái, khơi dậy tính tự giác, xóa bỏ mặc cảm của những người bị nhiễm HIV, người lầm lỡ với cộng đồng.

Chồng bà Thao luôn chia sẻ, ủng hộ vợ trong công việc xã hội.

Mặc dù bận rộn với việc mưu sinh, với trách nhiệm của người bà, người mẹ, người vợ trong gia đình và các chương trình, công tác của chi hội phụ nữ nhưng bà Thao và ban chủ nhiệm vẫn cố gắng duy trì sinh hoạt CLB một quý một lần. Mỗi lần sinh hoạt đích thân bà Thao đều trực tiếp đến từng gia đình các đối tượng để thông báo. Trong các cuộc sinh hoạt bà Thao luôn tìm cách tạo không khí cởi mở để các thành viên chia sẻ những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình, giúp họ xóa đi mặc cảm để tái hòa nhập cộng đồng. Bà cũng thường xuyên vận động xóm giềng xóa bỏ kỳ thị, tế nhị trong giao tiếp với các đối tượng. Đến nay, các CLB có 198 thành viên tham gia, trong đó có cả quần chúng nhân dân – những người không thuộc nhóm đối tượng nhiễm HIV, nghiện ma túy, người mới ra tù…

Ngoài sự giúp đỡ về tinh thần, Bà Thao cùng Ban chủ nhiệm các CLB còn dành cho các thành viên sự quan tâm, hỗ trợ về vật chất. Từ nguồn kinh phí ban đầu 14 triệu đồng, nhờ sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể cấp xã và xóm, cũng như sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; đến nay tổng số quỹ của các CLB đã có số tiền hơn 24 triệu đồng. Câu lạc bộ đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ, giúp đỡ vốn cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lãi suất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Như gia đình chị H.Th. Th, anh Ng. V. Tr đã được vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn của CLB để kết hợp với vốn vay của Ngân hàng Chính sách phát triển chăn nuôi trâu sinh sản, ổn định kinh tế gia đình. Hiện nay, mặc dù cả 2 vợ chồng đều mắc bệnh xã hội nhưng anh chị luôn sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời, tích cực tham gia lao động. Vợ ở nhà làm kinh tế, chồng là công nhân cầu đường. Hay mô hình chăn nuôi của anh Hoàng Văn Th, lúc đầu anh vay từ nguồn vốn CLB 5 triệu đồng để nuôi dê, dần dần anh bán đàn dê để nuôi trâu, cho thu nhập ổn định.

Từ chỗ mặc cảm, ngại tiếp xúc với cộng đồng, những người nhiễm HIV, người lầm lỡ ở xóm Bình Hạnh đã dần hồi sinh nhờ sự chở che, cưu mang đùm bọc của cấp ủy, chính quyền, sự quan tâm của CLB đặc biệt là sự thấu hiểu, chân tình của bà chủ nhiệm Nguyễn Thị Thao đã giúp họ có thêm động lực và niềm tin vươn lên trong cuộc sống, làm lại cuộc đời.

Chị P.T.N.A, một trong những người nhiễm HIV được bà Thao giúp đỡ, chia sẻ với chúng tôi: Khi biết tin hai vợ chồng và cả con đều bị nhiễm HIV, tôi thực sự không muốn sống nữa, không dám tiếp xúc với ai, đi đâu làm gì cũng cúi mặt sợ bị người ta để ý, dị nghị. Đúng lúc cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng nhất, cô Thao đã xuất hiện. Sự động viên chân tình, kịp thời của cô đã giúp tôi lấy lại được niềm tin vào con người, vào cuộc sống, giúp cánh cửa cuộc đời tưởng đã đóng chặt trước mắt tôi dần hé mở.

Hiện nay, chị N.A đã trở thành nhóm trưởng nhóm đồng đẳng huyện Nghĩa Đàn, dùng chính câu chuyện của mình là một tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền mọi người tránh xa ma túy, TNXH để tránh nhiễm HIV. Chị còn tham gia tư vấn, phát thuốc cho người nhiễm HIV tại bệnh viện. Và điều vui nhất đối với chị là con mình được đến trường học chung với các bạn cùng trang lứa, không chịu sự xa lánh, kỳ thị của mọi người. Tương tự, chị Đ. Th. Th ở khối Tân Hòa, thị trấn Nghĩa Đàn, bị nhiễm HIV từ chồng mặc dù không phải người xóm Bình Hạnh nhưng vẫn được bà Thao giang rộng vòng tay, tạo điều kiện sinh hoạt CLB cũng như động viên về tinh thần. Từ chỗ mặc cảm, tự ti, giờ chị đã tự tin hòa nhập cộng đồng, tham gia phát thuốc cho bệnh nhân HIV như chị N.A.

Bà Nguyễn Thị Thao (giữa) và các thành viên CLB vòng tay nhân ái.

Nói về vai trò của mình, bà Thao khiêm tốn: “CLB hoạt động tốt là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, chi ủy, ban cán sự xóm, sự ủng hộ của các cấp hội phụ nữ và quần chúng nhân dân. Còn đối với bản thân tôi, chính sự yêu thương, tin tưởng của các thành viên Câu lạc bộ đã thôi thúc tôi phải có trách nhiệm hơn nữa để giúp những người kém may mắn, những người lầm lỡ có cơ hội thay đổi cuộc đời”. Và đó cũng là lý do để người đảng viên như bà Thao, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn chưa nghỉ việc.

Mỗi lần chứng kiến sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của các thành viên CLB là thêm một lần bà Thao thấy công việc của mình có ích hơn. May mắn, bà được sự động viên, chia sẻ, ủng hộ từ chồng con, bạn bè. Các thành viên CLB khi đến với gia đình bà đều được đón tiếp chân tình như người thân. Việc làm của bà Thao và Ban chủ nhiệm CLB cũng như những người dân ở xóm Bình Hạnh đã minh chứng cho một câu nói mà chúng tôi đã được đọc ở đâu đó rằng “Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nhỏ của một que diêm. Nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh để xua tan bóng tối của những đau khổ và cái ác”.

Với những đóng góp lặng thầm của mình, bà Nguyễn Thị Thao vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen “đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 về “quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” giai đoạn 2012-2017; Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen “Phụ nữ xuất sắc 5 năm tiêu biểu toàn quốc” giai đoạn 2006-2011, cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.