Áp dụng kỹ thuật quản lý dịch hại trên vùng trồng cam Nghệ An

Phú Nam 11/12/2018 15:11

(Baonghean.vn) - Mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quản lý dinh dưỡng tổng hợp (ICM) trên cây cam nhằm giải quyết nỗi lo về dịch bệnh gây vàng lá, rụng quả đối với nhiều vùng trồng cam trọng điểm của tỉnh.

Nghệ An có tổng diện tích trồng cam lên tới 5.589 ha, với nhiều vùng trồng tập trung lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây trên cây cam xuất hiện nhiều dịch bệnh gây hại, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả.

Đặc biệt hiện tượng cam ngơ và bệnh vàng lá, rụng quả gây hại nghiêm trọng chủ yếu trên cây cam 8 - 10 tuổi dẫn đến cây sinh trưởng phát triển kém, chất lượng quả và năng suất thấp.

Hiện tượng cam ngơ và vàng lá rụng quả đã gây ảnh hưởng gần 700ha trên vùng trồng cam toàn tỉnh  trong 2 năm 2017 - 2018 vừa qua. Ảnh: Phú Nam
Hiện tượng cam ngơ và vàng lá, rụng quả đã gây ảnh hưởng gần 700 ha trên vùng trồng cam toàn tỉnh trong 2 năm (2017 - 2018) vừa qua. Ảnh: Phú Nam

Đầu năm 2018, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quản lý dinh dưỡng tổng hợp (ICM) được áp dụng trên cây cam của 30 hộ nông dân tại địa bàn xóm Minh Hồ (Minh Hợp, Quỳ Hợp).

Các vườn cam được chọn đều nằm trong độ tuổi từ 8-10 năm và đang có hiện tượng cam ngơ, thối rễ, vàng lá, rụng quả trong năm 2017. Qua trình đó, các ngành chức năng lấy mẫu đất để phân tích các chỉ tiêu về dịch hại và các yếu tố dinh dưỡng trong đất để kịp thời bổ sung cho cây. Đồng thời xây dựng quy trình sản xuất cam an toàn qua các khâu làm đất, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, tỉa cảnh, tạo tán, tủ gốc…

Trong thời gian triển khai thực hiện mô hình, bà con được tập huấn, hướng dẫn về sinh lý cây cam và cách phòng trừ dịch hại qua các giai đoạn phát triển. Cùng với đó là các khâu kỹ thuật chăm sóc, điều tra, phân tích hệ sinh thái vườn cam nhằm mục đích giúp người dân có kiến thức tổng hợp để quản lý vườn cam tốt hơn.

hiện tượng
Mô hình quản lý dịch hại và dinh dưỡng tổng hợp trên cây cam bước đầu đã cho kết quả khả quan về năng suất và chất lượng quả. Ảnh: Phú Nam

Sau gần 1 năm triển khai, 169 gốc cam được áp dụng kỹ thuật mới được đầu tư về dinh dưỡng và quản lý dịch hại kịp thời nên sinh trưởng và phát triển tốt. Năng suất đạt trên 15 tấn/ha, cao hơn vườn cam truyền thống khoảng 5 tấn/ha.

Từ thành công bước đầu, mô hình quản lý dịch hại và dinh dưỡng tổng hợp trên cây cam đã làm thay đổi nhận thức về cách áp dụng quy trình trồng và chăm sóc cam theo hướng an toàn bền vững, góp phần phục hồi năng suất và chất lượng của thương hiệu đặc sản “cam Vinh”.

Mới nhất
x
Áp dụng kỹ thuật quản lý dịch hại trên vùng trồng cam Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO