Ba Lan muốn "mặc cả lợi ích" với EU?

12/01/2016 09:20

(Baonghean) - Quan hệ giữa Ba Lan và Đức đang gia tăng căng thẳng. Nguyên nhân xuất phát từ việc thời gian qua, Ba Lan đã thông qua nhiều dự luật gây tranh cãi mà theo các chính khách Đức là vi phạm quy định của một nhà nước pháp quyền, cũng là vi phạm các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU). Thế nhưng, giới quan sát cho rằng, tân chính phủ Ba Lan có nhiều lý do để làm mất lòng cả Đức và EU.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và chính phủ của ông đang khiến dư   luận trong nước và chính giới Đức bất bình vì các dự luật gây tranh cãi liên quan   đến Tòa án Hiến pháp và truyền thông. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và chính phủ của ông đang khiến dư luận trong nước và chính giới Đức bất bình vì các dự luật gây tranh cãi liên quan đến Tòa án Hiến pháp và truyền thông. Ảnh: Reuters.

Sau thắng lợi lịch sử trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi cuối tháng 10 năm ngoái, chính phủ mới do đảng Luật pháp và Công lý (PiS) của Ba Lan từ khi lên cầm quyền đã thông qua một số dự luật gây tranh cãi. Đó là dự luật sửa đổi thẩm quyền của Tòa án Hiến pháp và cho phép chính phủ nắm quyền bổ nhiệm trực tiếp người đứng đầu các cơ quan truyền thông nhà nước.

Không chỉ khiến hàng chục nghìn người dân dấy lên làn sóng biểu tình phản đối, các dự luật mới của chính phủ Ba Lan cũng khiến một loạt chính khách Đức - quốc gia đầu tàu của EU lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Các chính trị gia Đức đã bày tỏ hoài nghi về tính pháp quyền trong các dự luật mới của Ba Lan.

Thậm chí, Trưởng đoàn nghị sĩ liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) trong Quốc hội Đức Volker Kauder còn kêu gọi trừng phạt kinh tế đối với Ba Lan nếu nước này tiếp tục vi phạm các quy định của một nhà nước pháp quyền. Ông Kauder cũng kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) điều tra kỹ việc vi phạm của Ba Lan.

Căng thẳng đã bị đẩy lên cao khi Ba Lan cho triệu Đại sứ Đức tại nước này để “làm rõ những phát biểu chống Ba Lan của các chính khách Đức”. Câu hỏi đặt ra lúc này là tại sao một quốc gia thành viên EU như Ba Lan lại có những động thái làm “mếch lòng” Đức và cả châu Âu như vậy? Nước này sẽ có lợi gì?

Thực ra, nếu theo dõi sát quan hệ Ba Lan và Đức cũng như EU sẽ thấy, mối quan hệ này thời gian qua đang nảy sinh nhiều bất đồng, đặc biệt từ khi PiS với chủ trương bảo thủ có quan điểm hoài nghi châu Âu lên nắm quyền.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: www.polskieradio.pl.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: www.polskieradio.pl.

Thứ nhất, chính quyền mới của Ba Lan có quan điểm phản đối mạnh mẽ việc đón tiếp những người nhập cư từ Trung Đông - Bắc Phi. Đây vừa là điểm cộng cho PiS với cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội năm ngoái, vừa là yếu tố khiến cho quan hệ hai bên nảy sinh căng thẳng.

Thứ hai, Ba Lan dưới sự lãnh đạo của PiS cách đây 8 năm và hiện không có gì thay đổi, khi đảng này luôn muốn chống lại sự ảnh hưởng của Đức cũng như nhóm các quốc gia châu Âu quyền lực hơn. Với quan điểm hoài nghi sự hội nhập của châu Âu, PiS đã hướng tới củng cố mối quan hệ với các nước như Cộng hòa Czech, Slovakia hay Hungary để ở cùng một phía chống lại các quốc gia mạnh hơn trong EU. Đây cũng là lý do mà thời gian qua, Czech, Hungary và Ba Lan là 3 quốc gia cùng có quan điểm từ chối tiếp nhận người tị nạn theo chính sách của EU.

Thứ ba, PiS thông qua những dự luật gây tranh cãi mới còn nhằm gửi thông điệp đến Đức và cả EU về vấn đề an ninh quốc gia. Bởi Ba Lan từng là một trong những nước nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xôviết, có đường biên giới chung với cả Nga và Ukraine. Vì thế, những căng thẳng thời gian qua giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến Ba Lan nằm ở vị trí nhạy cảm phải “đứng ngồi không yên”.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên thủ quốc gia Czech, Slovakia và Hungary tại cuộc họp diễn ra tại Budapest,  Hungary ngày 9/10/2015. Ảnh: AP.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên thủ quốc gia Czech, Slovakia và Hungary tại cuộc họp diễn ra tại Budapest, Hungary ngày 9/10/2015. Ảnh: AP.

Thế nhưng, theo Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski, dù đã là thành viên của NATO trong suốt 16 năm qua, tình trạng đảm bảo an ninh của nước này vẫn có khoảng cách rất xa so với các quốc gia Tây Âu. Hơn lúc nào hết, Ba Lan muốn NATO sớm triển khai quân đội trên lãnh thổ của mình.

Một mặt muốn NATO tăng độ an toàn để đối phó với Nga, chính quyền mới của Ba Lan mặt khác lại muốn mặc cả với Đức và EU về dự án Dòng chảy phương Bắc - 2 mà Đức đang dự kiến hợp tác với Nga.

Trước đây, Ba Lan luôn lên tiếng phản đối gay gắt khả năng Đức hợp tác với Nga để thực hiện dự án chuyển khí đốt từ Nga sang Tây Âu. Tuy nhiên, khi nhận thấy những lợi ích từ dự án này, Ba Lan đã thay đổi thái độ, không phản đối và còn đòi bố trí một phần tuyến đường ống dẫn khí này chạy qua lãnh thổ Ba Lan.

Như thế, có rất nhiều lý do để chính quyền mới của Ba Lan đưa ra những dự luật khiến cả Đức và châu Âu phải bận tâm. Nhưng tính toán là một chuyện, còn mục tiêu có đạt được hay không lại là chuyện khác.

Cử tri Ba Lan dù ủng hộ trong cuộc bầu cử năm ngoái vì muốn đất nước có sự thay đổi, nhưng vừa qua cũng đã biểu tình để phản đối những dự luật mới của chính phủ. Trong khi đó, việc NATO triển khai quân đội tại Ba Lan sẽ còn phải thảo luận nhiều bởi khối này không hề muốn gia tăng căng thẳng với Nga, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Còn dự án Dòng chảy phương Bắc - 2 chạy qua lãnh thổ Ba Lan cũng bị đánh giá là “ảo tưởng” vì nhiều lý do, như yếu tố địa lý hay thái độ của Nga và Đức. Vì thế, cái lợi chưa thấy đâu mà chỉ thấy nhiều cái hại! Căng thẳng với Đức chỉ là điểm khởi đầu, nếu chính phủ mới của Ba Lan vẫn tiếp tục muốn mặc cả lợi ích với Berlin và cả EU.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ba Lan muốn "mặc cả lợi ích" với EU?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO