Bác sỹ 9X Nghệ An tình nguyện đồng hành cùng bệnh nhân F0

Mỹ Hà 15/02/2022 12:00

(Baonghean.vn) - Lần đầu bị nhiễm Covid-19, bệnh nhân nào cũng sẽ lo lắng, hoang mang. Vì thế, dù không giúp được nhiều nhưng em mong rằng sự động viên của mình sẽ phần nào giúp bệnh nhân bớt phần nào lo lắng.

Những cuộc gọi lúc nửa đêm

Một ngày sau khi phát hiện bị Covid-19 do lây nhiễm từ một bạn học cùng lớp, cô bé N.B.N - học sinh Trường THCS Trường Thi (TP. Vinh) xuất hiện triệu chứng khó thở. Thời điểm đó, N chỉ có chị gái là học sinh lớp 10 ở bên cạnh. Mẹ của N đi làm ăn xa, nhận được điện thoại của con lúc gần 23h đêm chị như ngồi trên đống lửa.

Qua sự kết nối của người thân ở nhà, chị gọi điện cho bác sỹ Lê Thị Thùy Trang - bác sỹ ở Khoa Xạ tổng hợp - Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Cuộc gọi đầu tiên, có tín hiệu nhưng không có người nghe. Đang hoang mang thì chị được bác sỹ Trang gọi lại và tư vấn tận tình, nhẹ nhàng, kể cả lúc đó, con gái chị không có máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2. Nhờ được sự tư vấn kịp thời, hiện sức khỏe cô bé đã từng bước ổn định và đang chờ ngày bình phục...

Bác sỹ Thu Trang nguyên là cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: MH

Bác sỹ Thùy Trang nguyên là cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: NVCC

Gần 1 tháng nay, bác sỹ Lê Thị Thùy Trang như “quên ăn quên ngủ”. Những cuộc điện thoại từ giữa đêm, hay sáng sớm cũng đã trở nên bình thường, đặc biệt là sau khi chị cập nhật số điện thoại cá nhân của mình lên trang FB cá nhân để nhận hỗ trợ tư vấn F0 tại nhà cho người dân. Nhiều cuộc gọi đến giữa lúc chị đang điều trị bệnh nhân, không cầm theo điện thoại. Tuy nhiên, ngay sau đó, tất cả các cuộc gọi nhỡ đều được chị trực tiếp gọi lại.

Mới đây nhất, một người mẹ có con 17 tháng cũng đã gọi điện cho Trang với tâm trạng hết sức lo lắng bởi con của chị còn quá nhỏ, lại có tiền sử bệnh viêm tai giữa. Sau khi bị Covid-19, bé sốt liên tục trong ba ngày không đỡ và còn chảy nước tai. Gia đình cũng ngại chuyển bé đến bệnh viện dã chiến với nhiều lý do khác nhau...

Vì đây là một ca bệnh có nguy cơ chuyển biến nặng nên ngoài kịp thời trò chuyện với gia đình, bác sỹ Trang cũng yêu cầu mẹ của bé cập nhật sức khỏe bé thường xuyên để phòng nguy cơ xấu. Đến nay, sau 6 ngày liên tục bé nhiễm bệnh, sức khỏe của bé đã bắt đầu chuyển biến tích cực.

Bác sỹ Thu Trang cùng các đồng nghiệp trẻ. Ảnh: NVCC.

Bác sỹ Thùy Trang cùng các đồng nghiệp trẻ. Ảnh: NVCC

Nói về công việc đặc biệt này, bác sỹ Lê Thị Thùy Trang cho biết: Những ngày qua, số bệnh nhân trên toàn tỉnh tăng đột biến. Lần đầu bị nhiễm Covid-19, bệnh nhân nào cũng sẽ lo lắng, hoang mang. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi muốn được trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân bình tĩnh để tự theo dõi tại nhà.

Tôi cũng nghĩ rằng, dù không giúp được nhiều nhưng tôi mong rằng sự động viên của mình sẽ phần nào giúp bệnh nhân bớt phần nào sợ hãi...

Sự kết nối giúp bệnh nhân bớt hoang mang

Bác sỹ Lê Thị Thùy Trang sinh năm 1995 và chỉ mới tốt nghiệp ngành Bác sỹ đa khoa - Trường Đại học Y Hà Nội hai năm. Là cựu học sinh lớp chuyên Hóa - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Trang đến với nghề y như một tất yếu bởi đây là một ước mơ của em từ ngày nhỏ. Ra trường, Trang về công tác tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Việc tiếp xúc hàng ngày với những bệnh nhân đang ở bên cửa tử khiến Trang càng có trách nhiệm hơn với công việc của mình.

Khám sức khỏe cho bệnh nhân F0. Ảnh: NVCC
Khám sức khỏe cho bệnh nhân F0. Ảnh: NVCC

Hiện, ngoài công việc ở Bệnh viện Ung bướu, từ ngày 23 tháng Chạp, Trang được tăng cường thêm cho Bệnh viện dã chiến số 3 ở Cửa Lò. 1 tháng qua, vì nhiệm vụ riêng Trang không được về nhà và đây cũng là năm đầu tiên em đón Tết xa bố mẹ, xa gia đình.

Nữ bác sỹ sinh năm 9X chia sẻ: Thời điểm trước Tết bệnh nhân F0 tăng nhanh. Tôi nhận nhiệm vụ tăng cường cho Bệnh viện dã chiến lúc 17h. Khi đó, tôi dường như không có bất cứ sự chuẩn bị nào và chỉ kịp test Covid-19 xong là lên đường. Đón Tết ở bệnh viện là một trải nghiệm rất đặc biệt nhưng tôi không cảm thấy buồn vì bên cạnh có đồng nghiệp, thấy ý nghĩa hơn vì có thể ở bên cạnh bệnh nhân trong những lúc khó khăn nhất.

Tết trong bệnh viện dã chiến của Trang và các đồng nghiệp. Ảnh: MH
Tết trong Bệnh viện dã chiến của Trang và các đồng nghiệp. Ảnh: NVCC

Làm việc ở Bệnh viện dã chiến và những kinh nghiệm có được từ “người thật, việc thật” cũng là lý do để bác sỹ Lê Thị Thùy Trang quyết định nhận tư vấn F0 cho bệnh nhân tại nhà. Tuy nhiên, điều Trang không lường được là số bệnh nhân gọi điện đến quá đông, dù trước đó chị chỉ nghĩ rằng “chủ yếu là tư vấn cho bạn bè, người thân vì bạn bè trên Facebook của tôi không nhiều”.

Thời điểm bác sỹ Thùy Trang đăng thông tin này cũng là lúc gia tăng F0 trên toàn tỉnh và thông tin của chị được nhiều cá nhân khác chia sẻ trên mạng xã hội. Sau khi điện thoại bị quá tải, Trang cũng đã kết nối với nhiều bác sỹ khác như bác sỹ Vân (bệnh viện Nội tiết), bác sỹ Hoa (bệnh viện Cửa Đông), bác sỹ Tước (bệnh viện Quân khu 4), bác sỹ Đức (bệnh viện Phổi), bác sỹ Công (bệnh viện Ung bướu) để kịp thời hỗ trợ. Ngoài ra, Trang và các đồng nghiệp cũng tham gia vào Dự án điều trị Bệnh nhân F0 tại nhà từ thành phố Hồ Chí Minh để kêu gọi các bác sỹ trên cả nước cùng tham gia vào hỗ trợ, tư vấn cho bệnh nhân F0 trên địa bàn.

Trước tôi, bác sỹ Tước, bác sỹ Hoa và nhiều đồng nghiệp khác cũng đã hết lòng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà trong đợt dịch bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh. Chính họ là người giúp tôi có động lực để hỗ trợ các bệnh nhân FO tại Nghệ An.

Bác sỹ Lê Thị Thùy Trang

Qua gần 1 tuần tư vấn trực tiếp cho người bệnh, bác sỹ Thùy Trang chia sẻ “hiện nay, bệnh nhân F0 chủ yếu đã được tiêm phòng nên triệu chứng không nặng hoặc không có triệu chứng. Vì vậy, việc điều trị tại nhà có thể có hiệu quả tương đương như ở trong các bệnh viện. Trong khi đó, ở nhà bệnh nhân sẽ được chăm sóc, bồi dưỡng về dinh dưỡng đầy đủ hơn”.

Khó khăn hiện nay đó là do có quá nhiều luồng thông tin nên việc điều trị của nhiều gia đình bị sai phương pháp. Cụ thể, theo bác sỹ Trang “rất nhiều bệnh nhân khi mới phát bệnh mua và sử dụng rất nhiều thuốc như kháng sinh hoặc chống viêm.

Trong khi đó, bệnh nhân chỉ có các triệu chứng như đau đầu và một vài triệu chứng bình thường khác chưa cần phải sử dụng đến thuốc. Ngoài ra, có những bệnh nhân bỏ một số tiền không nhỏ để mua thuốc kháng virus của Nga, Đức, Ấn Độ để điều trị dù các thuốc này chưa được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng. Việc sử dụng quá nhiều thuốc không cần thiết cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Các bác sỹ và bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến trong dịp Tết nguyên đán. Ảnh: MH
Các bác sỹ và bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: NVCC

Việc điều trị, tư vấn qua điện thoại trong thời điểm này cũng phù hợp với tình hình thực tế và không ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Bác sỹ Trang cũng chia sẻ: có những trường hợp bệnh nhân nặng chị và các đồng nghiệp sẽ trực tiếp quay clip triệu chứng của bệnh nhân, sau đó sẽ tiến hành hội chẩn và điều trị. Hiện tại, khi điều trị cho bệnh nhân qua điện thoại và các ứng dụng mạng xã hội bác sỹ Trang cũng yêu cầu gia đình bệnh nhân cung cấp đầy đủ các thông tin về chiều cao, cân nặng, thời gian tiêm vaccine, các bệnh nền (nếu có) và các triệu chứng về sức khỏe (kể cả video) để có thể chẩn đoán và hỗ trợ chính xác, kịp thời.

Với rất nhiều những công việc khó có thể gọi tên từ khi nhận tư vấn điều trị bệnh nhân F0 qua điện thoại, bác sỹ Lê Thị Thùy Trang cũng đã có thêm những cảm xúc mà chị chưa bao giờ có được và khác rất nhiều so với những điều đã học ở trường. Bác sỹ Trang cho rằng hiện tại dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng từ khó khăn, mỗi người lại có thể kết nối và san sẻ nhiều hơn. Từ hoạt động này, Trang cũng đã học được nhiều từ những người anh, người chị đồng nghiệp. Hiện chương trình đã được lan tỏa và ngày càng có nhiều bác sỹ trong toàn tỉnh chung tay vì cộng đồng, vì những bệnh nhân F0.

Mới nhất

x
Bác sỹ 9X Nghệ An tình nguyện đồng hành cùng bệnh nhân F0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO