Bác sỹ Tôn Thất Tùng với phát kiến mang tầm thế giới

(Baonghean.vn) - Mới 27 - 28 tuổi, Tôn Thất Tùng đã có công trình được tặng huy chương bạc của Liên hiệp Pháp và huy chương bạc của Đại học Y Paris. Ông trở thành chủ nhiệm Khoa Ngoại Trường Y Hà Nội khi mới 28 tuổi. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông đã công bố 62 công trình trên các tạp chí y học Pháp ở Paris và ở Viễn Đông.

Khẳng định chỗ đứng trong nền y học 

GS - Bác sỹ Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/5/1912 tại tỉnh Thanh Hoá. Ông mất ngày 7/5/1982 tại Hà Nội, thọ 70 tuổi. Thân sinh làm Tổng đốc tỉnh Thanh Hóa. Cha mất từ khi cậu bé Tùng mới ba tháng tuổi; mẹ đưa cậu trở về Huế, sống trong một ngôi nhà có vườn rộng bên bờ sông Hương, gần cầu Bạch Hổ. Năm chín tuổi, Tôn Thất Tùng ra Hà Nội, sống trong nhà Bác sĩ Hồ Đắc Di (lúc bấy giờ là nhà phẫu thuật người bản địa duy nhất trong toàn cõi Đông Dương) để theo học Trường Bưởi, rồi Trường đại học Y.

Bác sỹ Tôn Thất Tùng.
Bác sỹ Tôn Thất Tùng.

Bị kẹp giữa một nền y học yếu kém và chi phối bởi người  Pháp, nhưng với sự chăm chỉ, ham học hỏi, quan sát và thực hành, bác sĩ họ Tôn đã làm rạng danh cho nền y học nước nhà, còn đồng nghiệp trên thế giới, thì lấy làm cảm phục ông. 

Vượt qua tất cả những khó khăn cả về cơ sở vật chất trong y học, cũng như sự tự mãn quá đáng của giới y học Pháp nơi đất Việt, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã từng bước khẳng định chỗ đứng của mình trong giới y học nước nhà, cũng như tên tuổi được ghi nhận trong nền y khoa thế giới. 

Năm 1932, ông học tại trường Y-Dược, một thành viên của Đại học Đông Dương, đóng tại Hà Nội với suy nghĩ đây là nghề “tự do”, không phụ thuộc vào quan lại hay chính quyền thực dân. Ngày ấy, cả Đông Dương chỉ có một trường thuốc duy nhất tại Hà Nội mà người bản xứ không được dự các kỳ thi nội trú.

Từ năm 1935, Tôn Thất Tùng được tuyển cùng 10 sinh viên khác làm ngoại trú tại Bệnh viện Phủ Doãn. Anh sinh viên y khoa Tôn Thất Tùng là người đầu tiên đấu tranh buộc chính quyền thực dân phải tổ chức thi nội trú cho các bệnh viện Hà Nội. Năm 1935, anh là người duy nhất được nhận vào làm việc tại khoa ngoại của trường Y-Dược, tức là bệnh viện Việt - Đức hiện nay.

Trong điều kiện học tập khó khăn, các thầy giáo Pháp chủ yếu chú trọng kiến thức sách vở, ít liên hệ tới điều kiện khí hậu và con người bản xứ, trang thiết bị thiếu, lỗi thời, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã phải tự đặt ra cho bản thân những nguyên tắc học tập và làm việc, coi công việc thực tiễn hàng ngày là quan trọng bậc nhất và là nguồn động lực đi vào con đường nghiên cứu khoa học.

Qua học tập, trao đổi với các đồng nghiệp, đặc biệt là khả năng quan sát, suy luận, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã phát hiện trong gan của một người bệnh có hàng chục con giun chui ở các đường mật. Với một dụng cụ thô sơ, chỉ bằng một con dao nạo, ông đã phẫu tích kỹ lưỡng cơ cấu của lá gan. Bằng phương pháp này, trong suốt thời gian từ 1935 đến năm 1939, ông đã phẫu tích trên 200 lá gan của các tử thi để nghiên cứu các mạch máu. Rồi ông vẽ lại thành các sơ đồ, đối chiếu chúng với nhau để tìm ra những nét chung.

Trên cơ sở đó, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề “Cách phân chia mạch máu của gan”. Với bản luận án này, ông đã được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Paris (Trường Đại học Y-Dược tại Hà Nội lúc bấy giờ là một bộ phận). Bản luận án được đánh giá rất cao và trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông. 

GS Tôn Thất Tùng giảng bài cho các sinh viên Trường đại học Y khoa (1947), (Ảnh: Internet)
GS Tôn Thất Tùng giảng bài cho các sinh viên Trường đại học Y khoa (1947), (Ảnh: Internet)


Trong kháng chiến chống Pháp, ông cùng GS Hồ Đắc Di, GS Hoàng Tích Trí, GS Đặng Văn Ngữ và một số thầy thuốc khác xây dựng Trường đại học Y tại làng Ải, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Là Thứ trưởng Bộ Y tế, Cố vấn phẫu thuật của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông có mặt tại chiến trường và trực tiếp tham gia mổ xẻ cho hàng trăm thương binh nặng ở Điện Biên Phủ.

Trong kháng chiến chống Pháp, GS Tôn Thất Tùng đã cứu chữa nhiều trường hợp hiểm nghèo. Ông cùng GS Đặng Văn Ngữ sản xuất penicillin, thuốc kháng sinh vô cùng quý để cấp cứu cho bộ đội, dân công-thành tích diệu kỳ mà trong điều kiện chiến tranh du kích chưa nước nào làm được.

Năm 1947, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Với vai trò là Thứ trường Bộ Y tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ông đã cùng giáo sư Hồ Đắc Di đã tổ chức giảng dạy, đào tạo cho trường Đại học Y khoa tại chiến khu Việt Bắc. Bên cạnh đó ông vẫn tham gia tổ chức điều trị, phát triển ngành y tế, đồng thời với nghiên cứu khoa học, với đào tạo sinh viên, xây dựng nền tảng trường Y khoa Việt Nam.

Dù phải di chuyển nhiều lần, ở nhiều địa bàn như Vân Đình, Hà Đông (1946), Lăng Quán, Tuyên Quang (1947), Phù Ninh, Phú Thọ (1948), Đại Lục, Phú Thọ (1949), Chiêm Hóa, Tuyên Quang (1950)…Ông cũng được cử làm cố vấn phẫu thuật ngành quân y ở Bộ Quốc Phòng. Ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế cho tới năm 1961. 

GS.Tôn Thất Tùng (người mặc complet trắng bên trái) dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Việt - Đức sau ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954)
GS.Tôn Thất Tùng (người mặc complet trắng bên trái) dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Việt - Đức sau ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954)

Sau ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954), ông xin từ chức Thứ trưởng Bộ Y tế để chuyên tâm làm Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (về sau đổi tên là Bệnh viện Việt - Đức) và giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Đại học Y Dược Hà Nội. Ông đề cao việc tiếp thụ y học phương Tây để xây dựng và phát triển nền y học của Việt Nam, nghiên cứu bệnh tật và chữa trị cho người Việt Nam, đi đầu trong việc áp dụng các kỹ thuật phát triển ngành ngoại khoa Việt Nam.

Ông đã để lại một dấu ấn sâu sắc cho nền Y học nước nhà thế kỷ XX về tài năng, trí tuệ nỗ lực nghiên cứu y học để tìm ra giải pháp tốt nhất cho điều trị bệnh nhân.

Phát kiến mang tầm thế giới

Nói về đóng góp của GS. Tôn Thất Tùng, ta thấy rằng, không chỉ có công lao với nền y học nước nhà, mà những tìm tòi, phát kiến của ông, có giá trị mang tầm thế giới. GS, BS Daniel Jaeck người Pháp đã nhận định về GS Tôn Thất Tùng trong bài viết “Giáo sư Tôn Thất Tùng - Một nhân cách lớn, trí tuệ uyên bác và kỹ thuật phẫu thuật tuyệt vời” rằng:

“Đối với chúng tôi, Giáo sư vẫn là một trong những ông tổ nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất trong phẫu thuật hiện đại về gan. Các công trình của Giáo sư là nguồn gốc của những tiến bộ lớn lao trong chuyên ngành phẫu thuật. Giáo sư đã có công lao lớn nhất trong việc tạo dựng và phát triển phương pháp phẫu thuật gan hiện đại phát triển trên toàn thế giới”. Vậy, công lao ấy là gì? 

Vì biết rõ các cơ mạch trong gan, ông đã tập trung nghiên cứu một phương pháp mới trong phẫu thuật gan. Vào những năm 1960, ông đã nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”. Đây là một phương pháp hoàn toàn mới và hiện đại, khác hẳn với những phương pháp trước đây. Vì trước đó, do chưa có mô tả chính xác các mạch máu trong gan nên người ta vẫn quen dùng phương pháp “cắt gan không có kế hoạch”. Ông cho rằng làm như vậy thì thật nguy hiểm, vì cắt xong nếu không đúng mạch, bệnh nhân có thể chết do chảy máu hoặc do hoại tử gan. 

Bác sĩ Tôn Thất Tùng đang nghiên cứu trên bệnh phẩm (gan khô) (năm 1962). Nguồn ảnh: VNN
Bác sĩ Tôn Thất Tùng đang nghiên cứu trên bệnh phẩm (gan khô) (năm 1962). Nguồn ảnh: VNN

Để ghi nhận công lao của người đầu tiên đã tìm ra phương pháp cắt gan này, người ta gọi là “Phương pháp mổ gan khô” hay “Phương pháp Tôn Thất Tùng”. Chính vì thế, giáo sư người Pháp nổi tiếng Malêghi trong báo “Lion phẫu thuật”, năm 1964 đã viết: “Trường Đại học Y khoa Hà Nội có thể tự hào đã có hai thành tựu trong lịch sử của mình, một là đã nghiên cứu lần đầu tiên về cơ cấu các mạch trong gan, hai là lần đầu tiên đã thành công trong việc cắt gan có kế hoạch”.

Trong cuộc đời khoa học của mình, GS. Tôn Thất Tùng đã có “123 công trình nghiên cứu của bản thân và nhiều bài viết về nghiên cứu khoa học, phương pháp nghiên cứu khoa học-công nghệ. Ông là người chẩn đoán và mổ thành công trường hợp đầu tiên viêm tụy cấp do giun chui ống mật, hay đưa ra phương pháp cắt gan mới, từ cắt gan hạ phân thùy đến phân thùy, cắt gan phải, cắt gan trái… Năm 1960, ông đã nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”, còn gọi là “phương pháp mổ gan khô”, hay “phương pháp Tôn Thất Tùng”.

Rồi phương pháp điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật kết hợp dùng miễn dịch cũng được ông tiên phong… Ông cũng là người đi tiên phong trong lĩnh vực mổ tim mạch ở Việt Nam, năm 1958, khi là người đầu tiên mổ tim ở nước ta. Không chỉ thế, GS họ Tôn còn nghiên cứu cả về chất độc dioxin do Mỹ rải xuống trong chiến tranh Việt Nam cùng tác hại của nó, để trên cơ sở đó đấu tranh với Mỹ trong việc không giải chất khai quang ở miền Nam Việt Nam.

GS Tôn Thất Tùng hướng dẫn học trò trong một giờ giảng giải phẫu. Nguồn ảnh: quochoi.org
GS Tôn Thất Tùng hướng dẫn học trò trong một giờ giảng giải phẫu. Nguồn ảnh: quochoi.org

GS Hồ Đắc Di, cũng là một danh y, là bà con với ông, đã hết lời ngợi khen GS họ Tôn là: “Trong giới phẫu thuật thế giới, số người được giải thưởng Lannelongue như anh ấy quá hiếm, hiếm hơn cả số nhà vật lý được giải thưởng Nobel hay số nhà toán học được giải thưởng Fields”… “Có vị giáo sư người Pháp đã nói với tôi thế này: “Tôn Thất Tùng là một của báu xa xỉ đối với Việt Nam”.../.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

tin mới

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.

Tụt huyết áp nên làm gì?

Tụt huyết áp nên làm gì?

Tụt huyết áp là gì, nên làm gì khi bị tụt huyết áp. Biểu hiện tụt huyết áp, nguyên nhân và cách hạn chế. Hạ huyết áp, tụt huyết áp tư thế đứng là gì?