damgo-b1-cover(2).png
Pháp luật

Bài 1: Cận cảnh xưởng băm gỗ dăm không phép

Nhật Lân - Tiến Đông 09/07/2024 08:47

Để hình thành một công xưởng hoạt động băm gỗ keo lấy dăm khá đơn giản. Người ta chỉ cần “tìm” một khoảnh đất trống rộng vài ngàn m2 trong vùng trồng cây keo nguyên liệu, mua sắm lắp đặt một dây chuyền băm gỗ với giá trị trên dưới 1 tỷ đồng tùy theo nhu cầu và huy động thêm một số nhân công…

Thanh Chương, Tân Kỳ…

Cách Vinh khoảng 50km, ở vùng Đượm – tức xóm Thủy Chung (Thanh Thủy, Thanh Chương), nơi tiếp giáp với biên giới nước bạn Lào và huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) - đã tồn tại từ khá lâu xưởng băm gỗ dăm không phép. Về vùng Đượm, là nơi đóng quân của Đội sản xuất số 2, Tổng đội TNXP 5, còn xưởng băm gỗ dăm không phép, thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Thủy, được quản lý bởi một đội viên Tổng đội TNXP 5, ông Trần Công Quý.

Xưởng băm gỗ dăm đặt trên một khoảnh đất khá lớn, bằng phẳng, rộng xấp xỉ 2 ha, là đất trồng cây lâu năm thuộc quyền quản lý của Tổng đội TNXP 5 nhưng đã giao khoán cho một hộ đội viên, cũng là thành viên của Hợp tác xã. Hệ thống nhà xưởng, thiết bị máy móc băm dăm gỗ đã cũ kỹ. Thời điểm chúng tôi ghé đến, trong khuôn viên xưởng có gỗ keo, loại gỗ tròn và loại đã bóc để làm gỗ dán, đồng thời có gỗ dăm. Nhưng hệ thống máy băm gỗ dăm thì đang dừng hoạt động. Như lời của chủ xưởng Trần Công Quý thì bị trục trặc, đang phải sửa chữa.

Dăm gỗ thành phẩm tại xưởng của HTX Nông nghiệp Thanh Thuỷ. Ảnh_ Nhật Lân
Dăm gỗ thành phẩm tại xưởng của HTX Nông nghiệp Thanh Thủy. Ảnh: Nhật Lân

Ông Trần Công Quý tự giới thiệu bản thân tham gia Tổng đội TNXP 5 ngay sau khi thành lập năm 2000. Sau đó, trở thành hộ đội viên của Đội sản xuất số 2, lên vùng Đượm lập nghiệp ổn định cuộc sống lâu dài, phát triển theo mô hình Nông - Lâm kết hợp, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững an ninh biên giới Việt Nam - Lào.

Ở nơi này, trước là khu vực đồi núi hoang vu, không có dân ở, không đường, không điện. Sau hơn 20 năm, bằng công sức của 3 đội sản xuất, gồm 157 hộ đội viên với gần 600 nhân khẩu, vùng Đượm đã có những đồi chè, và khoảng 700 ha rừng keo xanh tốt. Khoảng hơn 3 năm qua, vùng Đượm có điện lưới, mở ra nhiều hướng đi trong phát triển kinh tế cho các hộ dân, hộ đội viên.

Những đồi keo và đồi chè nằm xen lẫn nhau và rất xanh tốt tại vùng Đượm, xã Thanh Thuỷ (Thanh Chương).
Những đồi keo và đồi chè nằm xen lẫn nhau và rất xanh tốt tại vùng Đượm, xã Thanh Thuỷ (Thanh Chương).

Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Thủy được thành lập ở giai đoạn này, vào năm 2020. Các ngành nghề Hợp tác xã đã đăng ký gồm bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng khác; Sản xuất sản phẩm khác từ gỗ, sản xuất sản phẩm từ tre, nứa, rơm, rạ và vật liệu tết bện... Loại hình ngành nghề băm dăm gỗ dù không có trong đăng ký kinh doanh, nhưng Hợp tác xã đầu tư để làm sau khi ông Quý và các thành viên nhận thấy nhu cầu gia tăng giá trị kinh tế cho cây keo của các hộ đội viên Tổng đội và người dân trong vùng.

Ông Quý trao đổi: “Các hộ đội viên mất nhiều công sức trồng, chăm sóc trong suốt 5-6 năm trời, thế nhưng họ luôn bị tư thương từ nơi khác đến ép giá. Cây keo để lâu thì rỗng ruột, giảm giá trị, trong khi đời sống các hộ đội viên thì khó khăn nên họ buộc phải bán. Nhận thấy việc tổ chức băm dăm sẽ có kinh tế cho Hợp tác xã, đồng thời, tạo thuận lợi cho các hộ trong vùng nên chúng tôi đã đầu tư thiết bị để làm…”.

Dây chuyền băm dăm của HTX Nông nghiệp Thanh Thuỷ là dây chuyền cũ được mua về lắp đặt cách đây hơn 1 năm. Ảnh: Tiến Đông
Dây chuyền băm dăm của HTX Nông nghiệp Thanh Thuỷ là dây chuyền cũ được mua về lắp đặt cách đây hơn 1 năm. Ảnh: Tiến Đông

Kể từ khi mở xưởng, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Thủy đã trở thành điểm thu mua keo cho phần lớn các hộ đội viên trong khu vực, cũng như người dân trồng keo trên địa bàn xã Thanh Thủy và cả xã Sơn Hồng, thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Ông Trần Công Quý cũng không giấu việc đất đai Hợp tác xã đang sử dụng chưa được được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và cũng chưa chuyển mục đích sử dụng; các hồ sơ thủ tục liên quan đến môi trường, quản lý an toàn, nguồn gốc lâm sản… cũng chưa đầy đủ. Thế cho nên ông nhìn nhận Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Thủy đã sai khi lắp đặt thiết bị, dây chuyền máy móc băm dăm, hệ thống nhà xưởng, có nguy cơ phải đóng cửa.

Ông Trần Công Quý thừa nhận đất đai HTX đang sử dụng chưa được cấp Giấy CNQSDĐ. Ảnh Nhật Lân
Ông Trần Công Quý phân trần với phóng viên. Ảnh Nhật Lân

Thời gian qua đã có đoàn kiểm tra về làm việc, họ đã chỉ ra những vấn đề tồn tại của Hợp tác xã, yêu cầu dừng hoạt động băm dăm gỗ. Thế cho nên chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện các thủ tục theo quy định để được tiếp tục sản xuất…”.

Ông Trần Công Quý

Trên địa bàn huyện Tân Kỳ, tồn tại một xưởng băm gỗ dăm không phép ở xã Nghĩa Bình. Xưởng nằm cách đường Hồ Chí Minh khoảng hơn 100m, trên 7.500m2 đất vườn của một hộ gia đình xóm 6. Chủ xưởng băm dăm gỗ này là ông Trần Xuân Hải, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Bình.

Theo ông Hải, xưởng được mở năm 2021, với các ngành nghề đã đăng ký gồm: Cưa, xẻ, bào gỗ và bảo quản gỗ (Cưa, xẻ, bóc gỗ, chế biến gỗ, sản xuất sợi gỗ, bột gỗ, vỏ bào, hạt gỗ). Tuy nhiên, ở vùng đất Nghĩa Bình có diện tích keo lớn nhất nhì của huyện Tân Kỳ (khoảng 800ha) người dân thường bị tư thương ép giá, nên vào tháng 9/2023, gia đình ông Hải đã vay tiền mua 1 dây chuyền băm dăm để chuyển sang băm gỗ dăm.

Đống dăm gỗ tại Nghĩa Bình (Tân Kỳ).Tiến Đông
Đống dăm gỗ tại Nghĩa Bình (Tân Kỳ). Ảnh: Tiến Đông

Là người hiểu rõ các quy định của Nhà nước, ông Trần Xuân Hải nhìn nhận các nội dung tổ chức sản xuất trên đất chưa chuyển đổi mục đích, hoạt động ngành nghề không có trong Giấy phép đăng ký kinh doanh là chưa đúng pháp luật. Nhưng ông phân trần rằng, nguồn nguyên liệu băm dăm chủ yếu là tự khai thác rừng trồng của gia đình và mua lại của một số hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi địa bàn xã Nghĩa Bình. Với khả năng hoạt động của xưởng, mỗi ngày sẽ băm được 100 tấn gỗ keo tươi, sẽ tạo thuận lợi và tăng giá trị kinh tế cho người dân xã Nghĩa Bình.

Trên địa bàn huyện Tân Kỳ, dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh chỉ có một số trạm cân kiêm cơ sở thu mua keo để bán cho các xưởng sản xuất khác trong tỉnh hoặc bán ra Thanh Hóa. Vì vậy, tổ chức sản xuất tại chỗ thì người dân sẽ thu được lợi ích kinh tế cao hơn…”.

Ông Trần Xuân Hải

Ông Hải trao đổi với PV
Ông Hải trao đổi với PV. Ảnh: Nhật Lân

Con Cuông, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳ Châu...

Tìm hiểu, xưởng băm gỗ dăm không phép có tại khá nhiều địa phương chứ không chỉ riêng tại các huyện Thanh Chương, Tân Kỳ. Như địa bàn huyện núi Con Cuông có 1 cơ sở sản xuất chế biến dăm gỗ của Công ty cổ phần chế biến gỗ Hoàn Thành. Vị trí xưởng đặt tại bản Tổng Chai, xã Chi Khê, trong khuôn viên của Công ty cổ phần Huy Tuấn – chi nhánh Nghệ An (trước đây là Nhà máy sản xuất, tái chế, chế biến giấy Trà Lân của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Hồng).

Vào năm 2019, Công ty cổ phần Huy Tuấn được UBND tỉnh cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất giấy sóng carton với công suất 45.000 tấn/năm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các thủ tục, Công ty cổ phần Huy Tuấn đã cho Công ty cổ phần chế biến gỗ Hoàn Thành thuê một phần nhà xưởng để lắp đặt dây chuyền băm dăm. Bởi việc tổ chức băm gỗ dăm không đúng quy định của pháp luật, sau một thời gian đã bị UBND huyện Con Cuông phát hiện tổ chức kiểm tra, và yêu cầu dừng hoạt động.

Thành phẩm dăm gỗ tại dây chuyền của Công ty CP chế biến gỗ Hoàn Thành (Chi Khê, Con Cuông). Ảnh: Tiến Đông
Thành phẩm dăm gỗ tại dây chuyền của Công ty CP chế biến gỗ Hoàn Thành ( xã Chi Khê, Con Cuông). Ảnh: Tiến Đông

Ở huyện Nghĩa Đàn, ngay tại cụm công nghiệp xã Nghĩa Long cũng có Công ty cổ phần chế biến lâm sản Phủ Quỳ tổ chức hoạt động băm dăm không đúng quy định. Công ty Cổ phần chế biến lâm sản Phủ Quỳ mua lại Dự án Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu của Công ty Cổ phần Phượng Nguyên vào năm 2016.

Cũng trong năm 2016, tại Văn bản số 9817/UBND-CN, UBND tỉnh cho ý kiến về việc chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu chuyển nhà đầu tư từ Công ty cổ phần Phượng Nguyên sang Công ty cổ phần chế biến lâm sản Phủ Quỳ, trong đó đã yêu cầu làm rõ mục tiêu đầu tư loại sản phẩm dự án trước khi xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh (lưu ý: không chế biến dăm gỗ). Dẫu vậy, trong khi chưa thực hiện xong việc điều chỉnh giấy phép thì Công ty cổ phần chế biến lâm sản Phủ Quỳ tiến hành lắp đặt dây chuyền và hoạt động băm dăm gỗ.

Hoạt động băm dăm cũng được thực hiện tại Công ty CP chế biến lâm sản Phủ Quỳ (Nghĩa Long, Nghĩa Đàn). Ảnh: Tiến Đông
Hoạt động băm dăm cũng được thực hiện tại Công ty CP chế biến lâm sản Phủ Quỳ (xã Nghĩa Long, Nghĩa Đàn). Ảnh: Tiến Đông

Trong Cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa, vào ngày 13/12/2023, có một doanh nghiệp bị chính quyền xử phạt vi phạm hành chính với số tiền lên đến 170 triệu đồng. Doanh nghiệp này là Công ty TNHH Đầu tư PTP, thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất ván ghép thanh và sản xuất mộc dân dụng, mỹ nghệ. Lỗi dẫn đến bị xử phạt là đã lắp đặt và tổ chức hoạt động 2 dây chuyền nghiền dăm, trong khi hạng mục này không có trong hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, không đúng với quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt.

Hình ảnh Công ty TNHH Đầu tư PTP tại Cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ (TX. Thái Hòa), trong đó có hoạt động băm dăm. Ảnh: Nguyễn Đạo
Hình ảnh Công ty TNHH Đầu tư PTP tại Cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ (TX. Thái Hòa), trong đó có hoạt động băm dăm. Ảnh: Nguyễn Đạo

Với huyện núi Quỳ Châu, xưởng băm gỗ dăm “được” lắp đặt, tổ chức hoạt động tại bản Kẻ Nậm, xã Châu Bình, trên diện tích đất bãi thải của dự án hồ chứa nước Bản Mồng đã bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Vào tháng 1/2023, với lý do tránh tình trạng người dân xâm lấn đất trồng keo, UBND xã Châu Bình đã cho ông Hồ Đức Hoàn thuê đất mở xưởng chế biến gỗ. Tuy nhiên, đến tháng 12/2023, UBND huyện Quỳ Châu phát hiện ông Hồ Đức Hoàn tổ chức xây dựng xưởng băm dăm gỗ trái phép, vì vậy đã có văn bản chỉ đạo UBND xã Châu Bình kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật…

Vị trí xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu. Nguồn: Google.maps

>> Bài 2: Keo Nghệ, về Thanh…

Bài 1: Cận cảnh xưởng băm gỗ dăm không phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO