Trăn trở từ cơ sở
Đối với huyện núi vùng cao Con Cuông, tại báo cáo về thực trạng phát triển lâm nghiệp hồi cuối năm 2023 cho thấy, diện tích trồng rừng nguyên liệu hiện có của toàn huyện là 11.768,27 ha. Trong đó, diện tích rừng trồng đã thành rừng là 5.655,01 ha, chưa thành rừng là 6.113,26 ha. Trồng rừng đã trở thành phong trào trên địa bàn huyện, bình quân mỗi năm trồng được từ 2.000 ha rừng keo tập trung. Cụ thể ở năm 2022, đã trồng 2.240 ha rừng tập trung; khai thác 114.020m gỗ rừng trồng (tương đương 86.655 tấn), 10,1 triệu cây mét, 15,12 triệu cây nứa.
Nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào là vậy, tuy nhiên trên địa bàn huyện Con Cuông chỉ duy nhất có Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Con Cuông hoạt động sản xuất ván bóc phục vụ nguyên liệu của Công ty và một phần của người dân. Số lượng chế biến của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Con Cuông cũng chỉ khoảng 4.500 tấn/năm, chiếm khoảng 5% sản lượng gỗ rừng trồng khai thác trên địa bàn. Như vậy, hàng năm còn hơn 82.000 tấn gỗ rừng trồng; 10,1 triệu cây mét; 15,12 triệu cây nứa người dân bán tự do cho thương lái, không có đơn vị, công ty nào ký kết hợp tác đầu ra cho sản phẩm cho người dân.
Theo các cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng và Phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông, bởi nguồn nguyên liệu tương đối lớn, lại chưa có đơn vị đủ mạnh để hợp hợp tác thu mua cố định cho người dân nên xuất hiện tình trạng doanh nghiệp tự ý tổ chức hoạt động băm dăm không đúng quy định. Bên cạnh đó, còn có một số thương lái phối hợp với người dân địa phương lắp dựng trạm cân để thuận tiện trong quá trình khai thác, thu mua và vận chuyển gỗ keo nguyên liệu. Những cán bộ này cũng khẳng định, thương lái sau khi thu mua gỗ keo nguyên liệu thì phần lớn đều chuyển ra tỉnh Thanh Hóa để chế biến gỗ. “Đây là thực tế chúng tôi đã khảo sát. Về phía người dân, dù bị tư thương ép giá nhưng dẫu sao vẫn còn có lợi ích, nhưng về phía Nhà nước thì lĩnh vực lâm nghiệp chưa có đóng góp. Bởi vậy, đây là bài toán mà huyện Con Cuông mong muốn có lời giải …” - ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Con Cuông trao đổi.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Con Cuông, ông Lương Đình Việt thì cho rằng, phần lớn diện tích của huyện Con Cuông là rừng và đất lâm nghiệp; đất rừng đã được giao cho người dân quản lý, bảo vệ và sử dụng lâu dài, các hộ dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác lợi thế bằng cách trồng rừng nguyên liệu, phủ xanh đất trống đồi núi trọc có hiệu quả. Với diện tích rừng trồng lớn, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng cao nhưng các cơ sở thu mua gỗ nguyên liệu, cơ sở chế biến băm dăm gỗ hoạt động còn manh mún, số lượng còn ít và chưa được cấp giấy phép hoạt động nên chưa thúc đẩy được sự phát triển ngành chế biến gỗ nguyên liệu của địa phương. Vì vậy, đề nghị cần quan tâm xây dựng chính sách để phát triển ngành chế biến, băm dăm gỗ trên địa bàn.
Là địa phương tồn tại xưởng băm dăm gỗ không phép, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình Nguyễn Văn Thắng cho biết, về phía chính quyền đã lập biên bản đến lần thứ 3, đồng thời, đã hướng dẫn làm hồ sơ thủ tục để hoạt động đúng quy định. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra một thực tế khiến bản thân rất khó xử, đó là mỗi lần UBND xã lập biên bản, yêu cầu xưởng băm dăm gỗ dừng hoạt động thì người dân lại lên trụ sở thắc mắc.
Sở dĩ vậy, theo ông Nguyễn Văn Thắng, ở xã Nghĩa Bình có hơn 1.500 ha đất lâm nghiệp, gồm hơn 900 ha rừng sản xuất và khoảng 600 ha rừng phòng hộ. Trong 900 ha rừng sản xuất có 100 ha rừng tự nhiên, phần diện tích còn lại là trồng keo. Bởi người dân Nghĩa Bình tự túc được giống để trồng chuyên canh nên giá trị thu hoạch khá cao, đạt từ 120 - 130 triệu/ha. Nhất là từ khi có xưởng băm dăm, người dân được giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm, không phải bán qua các trạm cân để đưa đi các xưởng băm dăm ở Thanh Hóa nên thuận lợi trong khai thác, vận chuyển và tăng giá trị kinh tế. Vì vậy, người dân trong khu vực nguyện vọng để xưởng băm dăm gỗ được hoạt động.
Một số người dân còn gây áp lực với chính quyền địa phương, họ đặt câu hỏi tại sao những cái cần đẩy đuổi thì không đẩy đuổi (khai thác cát - PV), cái cần thiết giúp cho người dân trồng rừng thì lại đẩy đuổi, không cho tồn tại? Đây là vấn đề mà chính quyền cấp xã không thể trả lời được…”.
Ông Nguyễn Văn Thắng
Ở xã Châu Đình (Quỳ Hợp) có 2 xưởng sản xuất có hoạt động băm gỗ dăm chưa đúng quy định. Cả 2 xưởng đều lắp đặt máy móc, tổ chức băm dăm gỗ trong phạm vi đất thuộc Tổng đội TNXP số 3 quản lý. Là Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP tỉnh, trực tiếp phụ trách Tổng đội TNXP số 3, ông Nguyễn Đình Thắng khẳng định những trường hợp mở xưởng sai quy định trên đất thuộc Tổng đội TNXP quản lý đều đã được xử lý.
Nhưng ông Thắng trao đổi rằng, Tổng đội được giao quản lý diện tích đất thực hiện Dự án nhưng chưa thực sự được giao quyền quản lý về đất đai. Trong khi đó, đất đai đã được giao cho các hộ đội viên làm nhà ở, tổ chức sản xuất. Với Tổng đội TNXP số 3, từ nhiều năm trước đã có phương án chuyển giao, sáp nhập với doanh nghiệp nhưng lại chưa thực hiện triệt để. Trong khi đó, đơn vị chủ quản của Tổng đội TNXP là Tỉnh đoàn thì không có chức năng thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực đất đai; mặt khác, việc mở xưởng sản xuất là nhu cầu bức thiết trong việc chế biến sản phẩm lâm sản, nên thực sự rất khó quản lý.
Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP tỉnh Nguyễn Đình Thắng nói: “Ban chỉ huy đã có các văn bản yêu cầu chủ cơ sở đình chỉ việc sản xuất, chỉ được sản xuất khi đủ thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, các chủ cơ sở đều không có quyền sử dụng đất về mặt pháp lý, khi chưa bàn giao về cho địa phương thì rất khó hoàn tất các điều kiện để được hoạt động. Chính vì vậy, do nhu cầu bức thiết về đầu ra cho cây keo nên một số cơ sở vẫn lén lút tổ chức hoạt động băm dăm gỗ…”.
Ghi ở Bãi Trành, Nghi Sơn
Thời gian ở huyện Tân Kỳ, chúng tôi đã ghé vào 2/18 cơ sở thu mua và cân gỗ (trạm cân) đóng dọc đường Hồ Chí Minh. Ở những địa chỉ này, được những người làm tại đây thông tin gỗ keo sau thu mua sẽ được chuyển ra Bắc, nhiều nhất là tỉnh Thanh Hóa. Không chỉ vậy, họ còn cho biết có rất ít người địa phương làm chủ trạm cân, hầu hết là người ngoại tỉnh, trong đó nhiều nhất là người từ tỉnh Thanh Hóa. “Gỗ tròn thì xe tải chuyển theo đường Hồ Chí Minh đến các xưởng băm dăm ở vùng Bãi Trành, hoặc xuôi Quốc lộ 48D về thị xã Nghi Sơn. Còn dăm gỗ thì đưa vào các bãi chứa hàng của cảng…” - kế toán của một trạm cân cho biết.
Để kiểm chứng thông tin được cung cấp, đã hai lần chúng tôi đi theo đường Hồ Chí Minh ngược ra vùng giáp ranh Nghệ An - Thanh Hóa. Dừng xe ngay bên tấm biển địa phận Thanh Hoá, thuộc địa bàn xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn), thì được chứng kiến khá nhiều xe keo hướng ra Bắc. Bám theo những xe này, thấy đều dừng đổ keo tại các xưởng băm dăm gỗ đóng ngay xã Bãi Trành, huyện Như Xuân. Đó là Công ty TNH Chế biến và XNK Lâm sản Xuân Sơn; Nhà máy chế biến gỗ Thành Nam; Nhà máy dăm gỗ TCT…
Dành thời gian túc trực ngã tư giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 48D đoạn qua huyện Nghĩa Đàn, chúng tôi lại được chứng kiến rất nhiều xe tải cỡ lớn chở gỗ keo nguyên cây, dăm gỗ theo Quốc lộ 48D về xuôi về hướng cảng Nghi Sơn. Đi theo một trong những đoàn xe như vậy, thì đúng như những gì được nghe ở trạm cân gỗ keo huyện Tân Kỳ, đều vào khu vực cảng Nghi Sơn. Với xe gỗ dăm, thì chuyển thẳng hàng vào bãi chứa phía sâu trong cảng, còn gỗ keo tròn thì được chuyển đến một số xưởng băm dăm gỗ phía ngoài cảng. Sử dụng flycam quan sát các bãi hàng trong cảng Nghi Sơn, ghi nhận có nhiều bãi chứa với những “núi” dăm gỗ tập kết chờ vận chuyển lên tàu biển.
Trao đổi với một số nhà quản lý về những điều đã được chứng kiến ở vùng Bãi Trành và trong cảng Nghi Sơn. Theo họ, đây là thực tế và không có gì đáng ngạc nhiên. Vì cảng Nghi Sơn là cảng nước sâu của khu vực, có thể đón những tàu hàng có tải trọng hàng chục nghìn tấn, thuận lợi cho việc vận xuất dăm gỗ. Bên cạnh đó, ở tỉnh Thanh Hoá hiện có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ; số lượng doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ dăm trực tiếp sang các thị trường nước ngoài cũng rất nhiều. Vì có sức tiêu thụ gỗ keo lớn, nên các cơ sở băm dăm của tỉnh Thanh Hóa thường trả giá cao, và trả tiền ngay sau khi bốc keo nên người dân của tỉnh thường bán cho họ.
Trong lần ghé Công ty cổ phần chế biến Lâm sản Phủ Quỳ (Nghĩa Long, Nghĩa Đàn), ông Trần Xuân Nghĩa - Phó Giám đốc Công ty cũng nói ra điều tương tự. Và cho biết dăm gỗ của công ty sản xuất được cũng thông qua một đơn vị trung gian để xuất bán; bởi vậy thuế xuất khẩu cũng nộp ở Thanh Hóa. Khi đó, chúng tôi đã hỏi ông Trần Xuân Nghĩa: Tại sao công ty không khâu nối để trực tiếp xuất hàng? Được trả lời: Để có thể kết nối với đối tác nước ngoài trực tiếp xuất hàng, đòi hỏi phải có nguồn nguyên liệu lớn. Khi doanh nghiệp chưa đủ năng lực để đáp ứng được các điều kiện, rất khó có thể xuất khẩu trực tiếp. Trong khi đó các doanh nghiệp ở Thanh Hóa đã có sẵn thị trường, vấn đề của họ chỉ là làm sao thu mua để đạt đơn hàng…”.
Những lãnh đạo phòng Kinh tế thị xã Thái Hòa cũng cho biết, một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã có ý kiến so sánh về cơ chế chính sách giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Họ cho rằng ở tỉnh Thanh Hoá có sự thông thoáng hơn đối với ngành nghề băm dăm gỗ. “Họ đưa ra lập luận rằng ngành nghề chế biến gỗ là ngành nghề ưu đãi đầu tư, chưa hề có văn bản luật nào cấm hoạt động băm gỗ dăm. Vì thế, khi nhu cầu tiêu thụ của các tổ chức, đơn vị và người dân trồng keo trên địa bàn tỉnh là rất lớn thì việc hạn chế lĩnh vực ngành nghề này là điều không thực tế…”.
Số liệu trong quý 1 năm 2024 của Sở Công Thương Thanh Hóa cho thấy, xuất khẩu tiểu ngạch và các doanh nghiệp ngoài tỉnh ước đạt 13,1 triệu USD tăng 23,4% so với cùng kỳ và bằng 21,9% kế hoạch, trong đó, xuất khẩu dăm gỗ đạt 131.000 m3.