damgo-b3-cover(1).png
Pháp luật

Bài 3: Thanh kiểm tra hoạt động chế biến, băm gỗ dăm

Nhật Lân - Tiến Đông 09/07/2024 08:49

Bắt nguồn từ xác minh phản ánh của Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An về tình trạng băm gỗ dăm không phép tràn lan, tháng 12/2023, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động chế biến, băm dăm gỗ.

Có sự “cạnh tranh không lành mạnh”

Tìm hiểu được biết, ngày 24/7/2023, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 6071/UBND-NN về việc “kiểm tra theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ”. Tại đây, UBND tỉnh thông tin việc nhận được Văn bản số 05/HHCBG&LS ngày 20/7/2023 của Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An; và có ý kiến chỉ đạo “Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Công thương và UBND các huyện, thành phố, thị xã xem xét các thông tin và đề xuất của Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An tại Văn bản nói trên, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện”.

Tiếp cận Văn bản số 05/HHCBG&LS của Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An, được ký bởi Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội là ông Nguyễn Tiến Lâm, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Toàn văn nội dung Văn bản số 05/HHCBG&LS như sau:

“Căn cứ Kết luận số 02-KL/TU ngày 13/05/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An về Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An giai đoạn 2011-2015; trong đó có nội dung “không đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến sắn, bột giấy, gỗ băm”.

Kết luận số 02 từ năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ AnKết luận số 02 từ năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An làm căn cứ để đề xuất với UBND tỉnh .
Kết luận số 02 từ năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An làm căn cứ để đề xuất với UBND tỉnh.

Căn cứ Văn bản số 2008/UBND-CN ngày 04/04/2016 của UBND tỉnh Nghệ An và Văn bản số 4031/UBND-CN ngày 09/06/2016 của UBND tỉnh Nghệ An, về việc xử lý triệt để tình trạng băm dăm gỗ trái phép trên địa bàn.

Qua khảo sát thực tế tại các huyện miền Tây Nghệ An; Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An (Hiệp hội) nhận thấy tình trạng băm dăm tràn lan, trong đó một số đơn vị mở xưởng băm dăm kết hợp trạm cân ngay bìa rừng, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý rừng trồng và công tác thống kê sản lượng gỗ hàng năm. Băm dăm trái phép, không kiểm soát dẫn đến việc khai thác rừng non; cạnh tranh không lành mạnh, mất an ninh trật tự trên địa bàn vùng miền núi. Không kiểm soát được sản lượng gỗ khai thác, chế biến hàng năm ảnh hưởng đến nguồn thu Ngân sách nhà nước. Không dự báo được sản lượng gỗ nguyên liệu phục vụ xây dựng kế hoạch các nhà máy chế biến sâu ngành gỗ trên địa bàn tỉnh.

Một số doanh nghiệp núp dưới hình thức chế biến gỗ không băm dăm, nhưng thực tế chỉ có hoạt động băm dăm, không thực hiện đúng hồ sơ, thủ tục đầu tư đã được cấp, ảnh hưởng tới công tác bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ.

Công ty TNHH Đầu tư PTP (xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa). Ảnh: Nguyễn Đạo
Công ty TNHH Đầu tư PTP (xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa). Ảnh: Nguyễn Đạo

Vì vậy, Hiệp hội kính đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Kết luận 02- KL/TU ngày 13/05/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An và Văn bản số 4031/UBND-CN ngày 09/06/2016 của UBND tỉnh Nghệ An để đưa ngành gỗ Nghệ An đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đúng quy định; đảm bảo nguồn gỗ cho các doanh nghiệp đã đăng ký sản xuất hợp pháp trên địa bàn tỉnh”.

Sau hơn 3 tháng kể từ ngày Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An có kiến nghị tại Văn bản số 05/HHCBG&LS, vào ngày 1/12/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3967/QĐ-UBND, chỉ đạo thành lập Đoàn liên ngành để thực hiện kiểm tra hoạt động chế biến, băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đoàn liên ngành gồm các thành viên là đại diện của các sở, ngành (Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh), có trách nhiệm tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với các cơ sở chế biến, băm dăm gỗ trên địa bàn toàn tỉnh.

Một khu vực trồng keo tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Nguyễn Đạo
Một khu vực trồng keo tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Nguyễn Đạo

Kiểm tra, ra sai phạm

Trung tuần tháng 6, chúng tôi được biết từ báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo lên UBND tỉnh. Tiếp cận Báo cáo số 249 /BC-SNN.KL ngày 7/6/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổng hợp kết quả kiểm tra hoạt động chế biến, băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh cho thấy, Đoàn liên ngành đã thực hiện kiểm tra tất cả 31 cơ sở hoạt động chế biến, băm dăm gỗ, tại 11 huyện, thị xã gồm: Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Con Cuông, Nghi Lộc, Tân Kỳ. Trong đó, có 19 cơ sở hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; 11 cơ sở hoạt động theo mô hình Hộ kinh doanh và 1 cơ sở hoạt động theo mô hình Hợp tác xã.

Đồ họa: H.Q
Đồ họa: H.Q

Báo cáo nêu rõ, toàn bộ 31 cơ sở đều được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp Giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, một số cơ sở đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng thực hiện chưa đúng, hoặc chưa phù hợp ở một số nội dung, mục tiêu của dự án đã được phê duyệt. Đó là Công ty TNHH Đầu tư PTP (xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa), Công ty TNHH sản xuất chế biến và thương mại Thắng Lợi (xã Đồng Hợp, Quỳ Hợp), Công ty TNHH Trường Quyền Nam Phát (xã Châu Quang, Quỳ Hợp), Công ty TNHH Thịnh Kỳ (xã Châu Thái, Quỳ Hợp), Công ty Cổ phần chế biến lâm sản Phủ Quỳ (xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn), Hộ kinh doanh Bùi Thị Thanh (xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn).

Hình ảnh đang hoạt động băm dăm tại Công ty PTP nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Đạo
Hình ảnh đang hoạt động băm dăm tại Công ty PTP nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Đạo

Nhiều cơ sở còn chưa chấp hành nghiêm chỉnh việc báo cáo định kỳ tình hình thực hiện dự án theo quy định tại Điều 72, Luật Đầu tư năm 2020; chưa cung cấp được các hồ sơ về công tác quản lý an toàn trong chế biến gỗ dăm: Hệ thống quản lý an toàn, quản lý rủi ro, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, an toàn khu vực sản xuất... theo quy định. Bên cạnh đó, có 4 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa đúng mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 6, Luật Đất đai năm 2013, bao gồm: Công ty TNHH Lâm sản 2/9 (xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa), Doanh nghiệp tư nhân Đức Hải (phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa), Công ty Cổ phần sản xuất chế biến thương mại và đầu tư Tuyên Quang (xã Châu Đình, Quỳ Hợp), Công ty TNHH đầu tư xây dựng và dịch vụ thương mại Việt Phú (xã Châu Bình, Quỳ Châu).

Riêng trường hợp Công ty cổ phần sản xuất chế biến thương mại và đầu tư Tuyên Quang, vào tháng 9/2022, UBND huyện Quỳ Hợp đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Tổng đội TNXP 3 (đơn vị cho Công ty thuê đất), đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, mặc dù UBND huyện Quỳ Hợp đã nhiều lần yêu cầu, Tổng đội TNXP 3 vẫn chưa chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả tại Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp.

Khu vực bên trong xưởng sản xuất mà Công ty CP Sản xuất chế biến thương mại và Đầu tư Tuyên Quang thuê đất của Tổng đội TNXP 3. Ảnh: Tiến Đông
Khu vực bên trong xưởng sản xuất mà Công ty CP Sản xuất chế biến thương mại và Đầu tư Tuyên Quang thuê đất của Tổng đội TNXP 3. Ảnh: Tiến Đông

Có 1 doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền thuê đất là Công ty TNHH thương mại tổng hợp Khánh Thủy (xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu).

Và có 11 cơ sở kinh doanh hộ gia đình và 1 Hợp tác xã, đều tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa đúng với mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 6, Luật Đất đai năm 2013. Trong đó, có một cơ sở đã bị chính quyền địa phương xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Đó là Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tấn (xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn), tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở vẫn chưa chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả.

Phần lớn các cơ sở kinh doanh hộ gia đình và HTX đều chưa hoàn thành nghĩa vụ đất đai và hoạt động không đúng mục đích sử dụng đất (Ảnh: Dây chuyền sản xuất băm dăm gỗ)
Phần lớn các cơ sở kinh doanh hộ gia đình và HTX đều chưa hoàn thành nghĩa vụ đất đai và hoạt động không đúng mục đích sử dụng đất. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất băm dăm gỗ của HTX Nông nghiệp Thanh Thủy. Ảnh: Nhật Lân

Đối với lĩnh vực môi trường, Báo cáo số 249 /BC-SNN.KL chỉ rõ, hầu hết các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các nội dung về bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường/Giấy phép môi trường/Bản cam kết môi trường đã được phê duyệt (17 doanh nghiệp). Đồng thời chưa tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định về xây dựng các công trình, hạng mục bảo vệ môi trường như: Xây dựng kho lưu giữ chất thải, hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn, hệ thống xử lý nước thải, cũng như hợp đồng chuyển giao chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại theo quy định và theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường/ Cam kết bảo vệ môi trường/ Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; chưa kê khai và nộp phí nước thải công nghiệp quy định tại Nghị định 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Tại thời điểm kiểm tra, tất cả 12 cơ sở hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh, hợp tác xã đều chưa cung cấp được đầy đủ các hồ sơ, thủ tục môi trường theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Kết quả kiểm tra thực tế, ghi nhận các cơ sở này cũng chưa xây dựng được các công trình, hạng mục bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật…


>> Bài 1: Cận cảnh xưởng băm gỗ dăm không phép
>> Bài 2: Keo Nghệ, về Thanh…
>> Bài cuối: Cần gióng tiếng chuông cảnh báo!

Bài 3: Thanh kiểm tra hoạt động chế biến, băm gỗ dăm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO