Xã hội

Bài 1: “Cơn ác mộng” dưới những mái nhà

Diệp Thanh, Thanh Nga 29/11/2024 09:11

Những người phụ nữ thường xuyên bị đòn roi, áp lực về tinh thần sau nhiều năm tháng chịu đựng đã nói ra được những ẩn ức của cuộc đời mình. Đối với họ việc chịu những cơn bạo hành khủng khiếp của những người chồng nghiện rượu, bồ bịch đã trở thành cơm bữa, không có cách gì thoát ra.

emagazine_baonghean.vn.png

Thanh Nga - Diệp Thanh | Ngày xuất bản: 27/11/2024

BÀI 1:
“Cơn ác mộng” dưới những mái nhà

Nhờ Dự án Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới của Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam, những người phụ nữ thường xuyên bị đòn roi, áp lực về tinh thần sau nhiều năm tháng chịu đựng đã nói ra được những ẩn ức của cuộc đời mình...

Kinh hoàng những trận đòn

Bất kỳ ai nghe chuyện đời của chị H.T.L ở xóm 2, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu cũng đều sẽ cảm thấy xót xa cho sự khổ sở cùng cực của chị. Là một cô gái thông minh, xinh đẹp, học giỏi ai cũng nghĩ tốt nghiệp Sư phạm Đại học Vinh xong, cuộc đời của chị L. sẽ sang trang với tương lai sáng lạng. Nhưng sau khi kết hôn, giấc mơ hạnh phúc chưa kịp thành hình thì chị rơi liên tiếp vào những biến cố.

Emagazine_Baonghean.vn (1)
Trên người chị L. mang nhiều dấu tích của những trận đòn của chồng và những vết cào cấu của con, trong khi sức khoẻ chị ngày một yếu vì bệnh tật. Ảnh: Diệp Thanh

Trong 3 người con trai của chị thì chỉ có cậu con giữa là bình thường, 2 người còn lại mắc chứng tự kỷ và không thể tự chăm sóc bản thân. Cho rằng vợ mình vô dụng, chồng chị thay lòng đổi dạ, coi thường vợ, công khai ngoại tình và tấn công, bạo hành chị cả về thể xác lẫn tinh thần. Vốn bị bệnh máu không đông, những trận đòn đối với chị càng trở nên khủng khiếp. Đỉnh điểm là có lần chị bị chồng đánh đến dập nát lách lúc nửa đêm, máu tràn ổ bụng, ngất xỉu nhưng không ai hay biết…

“Tôi sợ bị đánh lắm, nhưng nỗi sợ đó không lớn bằng nỗi sợ con không có cha. Tôi biết, mỗi lần tôi bị đánh cũng là một lần các con phải chịu đựng sự tổn thương tâm lý sâu sắc, nhưng biết làm sao được. Ông bà ngoại chúng đều đã mất, chẳng còn nơi nào khác để dựa vào…” - chị L. trải lòng.

Clip: Thanh Nga - Diệp Thanh

Cũng ở xã Quỳnh Lương, ngoài câu chuyện của chị L., người ta còn cám cảnh cho phận đời của bà N.T.T. (xóm 5). Nhà nghèo nhưng vì chồng muốn có con trai nên bà đẻ đến 8 người con gái. Những đứa con thường xuyên phải chứng cảnh mẹ bị cha đánh đập. “Trước đây, ông ấy không đến nỗi độc ác đâu, nhưng vì bị chế giễu, coi thường vì không có con trai nên ông ấy chán nản, tìm đến rượu giải khuây. Cứ rượu say là ông ấy kiếm chuyện để đánh đập tôi” – bà T. thổ lộ.

Cùng chịu đựng một nỗi đau như chị L., bà T., phần lớn cuộc đời bà L.T.Th. (xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu) luôn ở trong tâm trạng thấp thỏm, sợ hãi. Lý do bị chồng đánh của bà T. xuất phát từ sự ghen tuông mù quáng. Vì mù quáng nên chồng bà thường xuyên nghe lời xúi giục, khích bác của những người xấu và về hành hạ bà bằng những trận đòn thừa sống thiếu chết bằng cuốc, xẻng, dao, gậy…

Emagazine_Baonghean.vn (2)
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra không ít trường hợp bạo lực gia đình phức tạp, gây tổn hại nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần phụ nữ. Ảnh tư liệu

Những mẩu chuyện trên là một phần của bức tranh xám xịt, nhiều góc khuất về bạo lực gia đình trên địa bàn Quỳnh Lưu nói riêng và Nghệ An nói chung. Còn rất nhiều những cảnh ngộ thương tâm hơn, khủng khiếp hơn…

Nỗi ám ảnh dai dẳng

Là người trực tiếp tham gia, chứng kiến nhiều trường hợp bạo lực gia đình trên địa bàn xã, ông Hồ Diên Cảnh chia sẻ: “Quỳnh Thắng là xã có địa bàn rộng, nhà dân thưa thớt nên việc phát hiện, quản lý bạo lực gia đình rất khó khăn. Bản thân nạn nhân cũng sẽ khó tìm kiếm sự giúp đỡ trong tình huống khẩn cấp. Chúng tôi từng chứng kiến những trường hợp người chồng rất manh động, có thể gây nguy hiểm cho cả con cái và những người hoà giải”.

img_1613.jpg
Ông Hồ Nguyên Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương

Trên địa bàn của chúng tôi, bạo lực gia đình có nhiều hình thức. Từ bạo lực tinh thần đến bạo lực thể xác, bạo lực tình dục. Câu chuyện nào cũng ám ảnh người nghe và nạn nhân nào cũng mang nhiều tổn thương, sợ hãi.

Ông Hồ Nguyên Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương

Ông Hồ Nguyên Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương chia sẻ: “Trên địa bàn của chúng tôi, bạo lực gia đình có nhiều hình thức. Từ bạo lực tinh thần đến bạo lực thể xác, bạo lực tình dục. Có những người phụ nữ bị chồng cắn nát ngực, có người lại bị chồng xịt nước lạnh vào người giữa đêm đông, có người không dám nằm ngủ vì sợ chồng sẽ giết chết mình lúc nào không biết, lại có người rơi vào trầm cảm… Câu chuyện nào cũng ám ảnh người nghe và nạn nhân nào cũng mang tổn thương, sợ hãi”.

Ông Lê Xuân Đồng, điều phối viên Dự án Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam cho biết: Số đông vẫn lầm tưởng cho rằng, các yếu tố nguy cơ dẫn đến bạo lực mới là nguyên nhân chính của bạo lực gia đình. Cụ thể, khoảng 1/3 người được hỏi cho rằng, nguyên nhân chính của hành vi bạo lực gia đình là do nam giới uống rượu, cờ bạc/có bồ/nghiện ngập. Số còn lại đổ lỗi do phụ nữ vụng về, không biết cách cư xử, do kinh tế khó khăn, do bản tính nam giới vũ phu…

anh-1637928915513408831.jpg
Ông Lê Xuân Đồng - Cán bộ điều phối Dự án Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam, cho rằng, hầu hết người gây ra bạo lực gia đình cũng từng trải qua những tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Ảnh: CSCC

Tuy nhiên, gốc rễ của bạo lực gia đình chính là những quan niệm kiểu như người nắm quyền quyết định những vấn đề của gia đình phải là chồng/nam giới ; người vợ tốt là phải biết vâng lời chồng; người vợ im lặng khi bị bạo lực để bảo vệ danh tiếng gia đình là khôn ngoan… Khảo sát cho thấy bản thân những người gây ra bạo lực cũng từng trải qua tổn thương tâm lý trong quá khứ. Nếu không nắm được gốc rễ vấn đề thì bạo lực gia đình sẽ không có hồi kết.

Bài 1: “Cơn ác mộng” dưới những mái nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO