Kinh tế

Bài 1: Khởi nghiệp từ làng

Thu Huyền - Hoài Thu 03/07/2024 09:06

Các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên tại các vùng nông thôn ở Nghệ An hiện đang ngày càng sôi động, đi sâu khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương. Cùng với sự tiếp sức, hỗ trợ của các cấp, ngành, các cấp bộ Đoàn, nhiều bạn trẻ đã được tiếp sức về tinh thần, vật chất để mạnh dạn thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, từ đó phát triển sản phẩm OCOP.

b1.png

TẠO “LINH HỒN” CHO GỖ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về nghề mộc, nên từ bé, anh Trần Ngọc Huy (sinh năm 1992) ở xóm Thọ Sơn, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp đã có niềm đam mê với nghệ thuật điêu khắc gỗ, và mơ ước được “tạo linh hồn cho gỗ”. Tốt nghiệp khoa Cơ khí chế tạo máy, Đại học Công nghiệp năm 2015, ra trường, Huy tiếp tục trang bị cho mình những kiến thức về gỗ thủ công mỹ nghệ.

Tôi đã dành thời gian đi rất nhiều địa phương để học hỏi, rèn luyện tay nghề cũng như tiếp thu cái mới. Sau quá trình tìm tòi học hỏi, tôi trở về quê nhà xã Thọ Hợp, mở cơ sở chế tác tranh gỗ và nâng cao tay nghề bằng cách nhận chạm, khắc các hình trên gỗ mà người dân mang đến”.

Anh Trần Ngọc Huy - xóm Thọ Sơn, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp

Dây chuyền chế biến gỗ mỹ nghệ của anh Trần Ngọc Huy (sinh năm 1992) ở xóm Thọ Sơn, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp). Ảnh: Quang An
Dây chuyền chế biến gỗ mỹ nghệ của anh Trần Ngọc Huy (sinh năm 1992) ở xóm Thọ Sơn, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp). Ảnh: Thu Huyền

Thời gian trôi qua đến nay gần 4 năm, khi đã vững tin với tay nghề của mình, Huy mạnh dạn đầu tư thêm máy móc tiên tiến để sản xuất ra các chi tiết hoa văn trên vật liệu bằng gỗ, vừa giảm được sức lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, vừa đẩy nhanh quá trình gia công tiến tới sản xuất hàng với số lượng lớn. Tổng vốn đầu tư 700 triệu đồng; doanh thu khoảng 400 triệu đồng/năm; lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/năm, sản phẩm bán trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác. Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của Huy đang giải quyết việc làm cho 4 lao động, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

“Xã Thọ Hợp với phần lớn là đồng bào dân tộc Thổ, nhiều gia đình có cây gỗ vườn trồng lâu năm như gỗ mít, gỗ lát, đã đến kỳ khai thác để thay thế cây trồng mới. Với nguồn tài nguyên gỗ vườn phong phú và đa dạng ở địa phương, luôn đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và chất lượng cho xưởng sản xuất. Tôi tận dụng những nguồn nguyên liệu lấy từ địa phương trong xã, huyện, và tay nghề của bản thân tạo ra sản phẩm tranh gỗ”, Huy chia sẻ.

Ông Trần Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy xã Thọ Hợp cho biết: Mặc dù quy mô của cơ sở chưa phải là lớn nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc khích lệ phong trào thanh niên phát triển kinh tế ở địa phương. Từ cơ sở sản xuất đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện có thu nhập đáng kể từ cây gỗ vườn và gỗ tận thu. Trong quá trình sản xuất, cơ sở tạo ra lượng lớn mùn cưa, đây chính là nguồn nguyên liệu lớn cung cấp cho Hội Nông dân xã tổ chức trồng nấm, tạo mối quan hệ bền chặt giữa người dân địa phương và hộ kinh doanh. Năm 2022, sản phẩm tranh gỗ (mã đáo thành công, đốc lịch gỗ) của anh Trần Ngọc Huy được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và sản phẩm OCOP 3 sao.

Hiện nay, huyện Quỳ Hợp có 8 sản phẩm đạt “3 sao” (gồm: trà túi lọc cà gai leo, bột rau má sấy lạnh, mật ong của HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường, xã Yên Hợp; cam sạch Sinh Nhàn của HTX Sinh Nhàn, xã Nghĩa Xuân; thịt gà ri Luật Hồng của HTX Dịch vụ Nông nghiệp thị trấn; tranh gỗ thủ công mỹ nghệ của hộ kinh doanh Trần Ngọc Huy, xã Thọ Hợp; sản phẩm dứa sấy, bí đao sấy của Công ty cổ phần Hasafood Nghệ An) và 1 sản phẩm thăng hạng 4 sao (sản phẩm mít sấy giòn của Công ty CP Hasafood Nghệ An). Những sản phẩm OCOP trong đó có tranh gỗ mỹ nghệ Ngọc Huy được kỳ vọng sẽ là những sản phẩm mang tính đột phá cho huyện Quỳ Hợp trong thời gian tới.

Một góc thị trấn Quỳ Hợp. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Một góc thị trấn Quỳ Hợp. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

NÂNG TẦM NÔNG SẢN ĐỊA PHƯƠNG

Bên cạnh Trần Ngọc Huy khai thác giá trị kinh tế từ sản phẩm gỗ, liên kết tạo thêm nghề và việc làm cho lao động địa phương, từ các cuộc thi khởi nghiệp đã giúp hàng trăm đoàn viên, thanh niên các huyện, thị lựa chọn con đường làm kinh tế từ các sản phẩm của chính làng quê mình. Trong số đó, năm 2023 có 2 “ông chủ”, “bà chủ” doanh nghiệp trẻ tuổi trưởng thành từ “sân chơi” Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên”. Họ đã “vượt qua” hàng trăm điển hình thanh niên khởi nghiệp của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước để cùng với 43 điển hình được Trung ương Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2023. Đó là những đoàn viên “9X” Phạm Văn Tuấn (sinh năm 1991) và Trần Thị Hồng Thắm (sinh năm 1992).

Trần Thị Hồng Thắm (giữa) đạt giải Ba Khởi nghiệp nông nghiệp của tỉnh 2022 và là đảng viên xuất sắc năm 2023 Ảnh NVCC
Trần Thị Hồng Thắm (giữa) đạt giải Ba "Khởi nghiệp nông nghiệp" của tỉnh Nghệ An năm 2022 và là đảng viên xuất sắc năm 2023. Ảnh: NVCC

Sinh ra, lớn lên ở quê hương Nam Nghĩa (Nam Đàn), Phạm Văn Tuấn với tâm niệm khai thác giá trị của nông sản địa phương, nên dù đã theo học ngành Công nghệ thông tin, cuối cùng vẫn lựa chọn khởi nghiệp từ quê nhà. Và sản phẩm anh chọn chính là thức ăn chế biến từ đặc sản chăn nuôi của xã Nam Nghĩa - giò me.

Tháng 7/2020, sau một thời gian nắm bắt thị trường, khảo sát nguyên liệu, Tuấn hợp tác với một số người bạn thành lập Hợp tác xã Me Nam Nghĩa. Biết tận dụng lợi thế sản vật địa phương đáp ứng yêu cầu chất lượng, kết hợp những kiến thức công nghệ thông tin học được, vừa huy động vốn đầu tư sản phẩm chất lượng, vừa quảng bá có hiệu quả, chỉ sau một thời gian ngắn, số lượng cung ứng ra thị trường của hợp tác xã đã đạt ngưỡng 100 tấn/năm. Đồng thời, sản phẩm đậm chất “làng” của Hợp tác xã Me Nam Nghĩa còn đạt OCOP 4 sao và xuất bán ra thị trường nhiều tỉnh, thành cả nước, đi vào hệ thống siêu thị phân phối có tiếng… Tuy là “ông chủ” trong lĩnh vực kinh doanh khá bận rộn, song Phạm Văn Tuấn vẫn duy trì tham gia các phong trào Đoàn cơ sở, tham gia Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế địa phương, góp phần “truyền lửa” cho đoàn viên, thanh niên quê nhà mạnh dạn phát triển kinh tế.

Nhiều ý tưởng khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên đã giúp nâng tầm nông sản địa phương Ảnh Thanh Phúc
Nhiều ý tưởng khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên đã giúp nâng tầm nông sản địa phương. Ảnh: Thanh Phúc

Cùng chung tâm niệm khởi nghiệp từ quê nhà, chị Trần Thị Hồng Thắm ở xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) chọn sản phẩm mà người dân miệt biển Quỳnh Lưu đã sản xuất hàng trăm năm nay để khởi nghiệp, đó là muối. Song, với sức trẻ, sự hiểu biết, tìm tòi, sự hỗ trợ của gia đình và các cấp chính quyền, Thắm đã đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng và giá trị hạt muối theo hướng chế biến sâu, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe con người. Từ đó, trong số hơn 20 sản phẩm chế biến từ muối, đã có 3 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao mang tên Nanosalt.

Thành công trong khởi nghiệp kinh doanh của Thắm đã mở hướng khai thác sâu giá trị và nâng tầm sản phẩm nông sản của người nông dân xứ Quỳnh. Doanh nghiệp của Trần Thị Hồng Thắm được Sở Khoa học và Công nghệ chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An. Công trình công nghệ Nanosalt đã được Hội đồng Khoa học Quốc gia đánh giá cao và được Ban tổ chức liên Bộ trao giải Ba - Giải thưởng VIFOTEC toàn quốc năm 2022 và Trần Thị Hồng Thắm đã được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen tuổi trẻ sáng tạo; trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2023.

Chị Nguyễn Thị Phương Thúy - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, triển khai hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, hiện nay Nghệ An có hơn 400 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao trở lên, trong số đó chiếm số lượng lớn là các mô hình, sản phẩm của những người trẻ, đặc biệt là khu vực nông thôn. Bên cạnh phối hợp hỗ trợ đoàn viên, thanh niên về vay vốn, tư vấn chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn còn chủ động liên kết, tìm kiếm đầu ra sản phẩm OCOP cho thanh niên như kết nối cung cầu, trưng bày các gian hàng thanh niên tại các chương trình triển lãm, các cuộc thi khởi nghiệp, đặc biệt là các mô hình, dự án khởi nghiệp từ các “sản phẩm làng”…


>> Bài 2: “Cú hích” từ chính sách hỗ trợ vay vốn

Bài 1: Khởi nghiệp từ làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO