Kinh tế

Bài 2: “Cú hích” từ chính sách hỗ trợ vay vốn

Thu Huyền - Hoài Thu 03/07/2024 09:15

Để khởi nghiệp thành công, nhiệt huyết của tuổi trẻ là chưa đủ. Điều mà các đoàn viên, thanh niên đang cần là sự đồng hành từ các cơ quan chức năng và sự tiếp sức từ các nguồn vốn vay. Thực tế triển khai ở Nghệ An đã có hàng chục mô hình khởi nghiệp của thanh niên được hỗ trợ vay với số vốn hàng tỷ đồng.

b2(1).png

KHÁT VỌNG CỦA “ÔNG CHỦ TRẺ”

Về xóm Cồn Cả, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, nhiều người biết tới “ông chủ” Nguyễn Thanh Bình (SN 1992). Dù tuổi đời còn trẻ nhưng cách đây 5 năm, Bình đã là chủ của doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Italy, Hồng Kông, Trung Quốc... Trong buổi chiều cuối tháng 5, sau khi tham quan dây chuyền sản xuất, chúng tôi được Bình trải lòng về câu chuyện khởi nghiệp lĩnh vực dệt bít tất thời trang và thể thao xuất khẩu.

“Câu chuyện hành trình khởi nghiệp của tôi cũng tình cờ khi mà sau thời gian dài đi làm thực tập ở công ty, tôi phát hiện ra mình không phù hợp với môi trường bên trong văn phòng. Tôi muốn có nhiều trải nghiệm bên ngoài cuộc sống hơn. Vậy nên, tôi luôn nung nấu kiếm tìm một việc gì đó để kinh doanh. Và rồi, đúng dịp Tết, tôi và một người bạn rủ nhau kinh doanh lì xì, các quà tặng ngày Tết… Sau dịp đó, chúng tôi cũng kiếm được một khoản nhỏ, nhưng mặt hàng này mang tính thời vụ nên khó ổn định, tôi lại tiếp tục suy nghĩ và tìm kiếm ý tưởng. Thật may, vào một ngày đẹp trời được người bạn tặng cho mấy đôi tất. Cầm đôi tất trong tay, tôi đưa ra những suy nghĩ của mình. Ngày hôm sau tôi và người bạn bắt đầu tìm hiểu, khởi đầu kinh doanh bít tất”, Bình chia sẻ.

Dây chuyền sản xuất tất của anh Nguyễn Thanh Bình ở Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn) Ảnh Thu Huyền
Anh Nguyễn Thanh Bình giới thiệu dây chuyền sản xuất bít tất. Ảnh: Thu Huyền

“Nghĩ là làm, chúng tôi vào quán cà phê bắt đầu lập fanpage, đăng sản phẩm. Thật may mắn là vừa đăng cái ảnh sản phẩm lên, thì có một người vào đặt hàng. Vì muốn được giá tốt hơn, nên khuyến khích bạn ấy đặt nhiều hơn. Chốt đơn, chúng tôi cấp tốc đi mua hàng về giao cho khách. Tổng kết đơn hàng đó, chúng tôi hòa vốn vì quên mất chi phí tiền xăng xe”, Bình vui vẻ kể.

Từ đơn hàng đầu tiên đó, Bình bắt đầu tìm hiểu mở rộng thêm các mẫu mã sản phẩm, phát triển “tệp” khách hàng của mình. Chiến lược là bán sỉ, tiết kiệm tối đa chi phí. Vốn ban đầu, Bình tận dụng tiền học phí chưa phải nộp cho nhà trường và tiền vay 10 triệu đồng từ chương trình cho vay học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội. Cứ như thế Bình mở rộng kinh doanh bằng cách tận dụng mạng xã hội và các sàn điện tử...

Đi vào kinh doanh, nhận thấy lĩnh vực thời trang có rất nhiều mặt hàng và mẫu mã, Bình bắt đầu tập trung vào các thiết kế của riêng của mình. Ở thời điểm đó, để tìm kiếm một đơn vị có thể nhận thiết kế các sản phẩm tất không nhiều. Nếu có thì chi phí lớn, giá thành cao. Vì vậy, năm 2019, tình cờ thấy có nơi bán máy móc cũ, Bình quyết định mua dàn máy cũ về hoạt động. Cũng trong năm này Bình thành lập Công ty TNHH Begen do anh làm giám đốc. Năm 2020, Công ty bổ sung một số thiết bị dây chuyền dệt tất, máy định hình, công suất sản xuất 4.000 đôi/ngày, với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng. Qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm bớt chi phí sản xuất. Cùng với sản xuất, Bình cùng anh em bắt đầu tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm. Hiện nay, sản lượng tiêu thụ 100.000 đôi/tháng, tạo việc làm cho hơn 20 - 30 lao động địa phương.

Bình tâm sự, nếu không có chính sách vay vốn sinh viên, chắc lẽ giờ anh chưa thể khởi nghiệp được. “Nhờ được vay vốn học sinh, sinh viên từ Ngân hàng Chính sách xã hội mà tôi có cơ hội được học tập, xây ước mơ khởi nghiệp. Nay việc kinh doanh đã dần ổn định, tôi mong muốn được tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo thêm nguồn lực phát triển doanh nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm hơn cho lao động tại quê hương”, Bình chia sẻ.

Nhiều lao động có việc làm, thu nhập từ cơ sở sản xuất do thanh niên khởi nghiệp. Ảnh: Thanh Quỳnh
Nhiều lao động có việc làm, thu nhập từ cơ sở sản xuất do thanh niên khởi nghiệp. Ảnh: Thanh Quỳnh

Trên địa bàn Nghệ An, hoạt động hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho thanh niên địa phương được triển khai thường xuyên. Anh Nguyễn Sỹ Bách - Ban Phong trào thanh niên Tỉnh đoàn cho biết: Năm 2023, tổng dư nợ ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội của Đoàn Thanh niên đạt 2.144 tỷ đồng, cho 41.690 hộ gia đình chính sách và thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm qua Trung ương Đoàn với hơn 3,86 tỷ đồng, nguồn Quỹ Thanh niên lập nghiệp tỉnh với hơn 1,7 tỷ đồng... Trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bố trí nguồn vốn vay giải quyết việc làm với số tiền hơn 7,3 tỷ đồng cho 65 mô hình thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Biểu đồ - Một số nguồn vốn hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Đồ họa: H.Q
Biểu đồ - Một số nguồn vốn hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, năm 2023. Đồ họa: H.Q

“TIẾP SỨC” MÔ HÌNH KINH TẾ XANH

Trong xu thế phát triển của nền kinh tế - xã hội hiện nay, dù là lĩnh vực nào thì đoàn viên, thanh niên cũng là lực lượng nắm bắt nhanh chóng các xu hướng mới. Trong đó, xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất cũng được các cấp bộ Đoàn khuyến khích, được số đông các “nhà khởi nghiệp” lựa chọn.

Tỉnh đoàn Nghệ An hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp của thanh niên vay vốn. Ảnh: Thanh Quỳnh
Tỉnh đoàn Nghệ An hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp của thanh niên vay vốn. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tại huyện Hưng Nguyên, trong những dự án khởi nghiệp sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, các mô hình “đứng vững” trên thị trường hầu hết đều phát triển theo xu hướng kinh tế xanh. Có thể kể đến mô hình Hợp tác xã Dịch vụ nông sản hữu cơ công nghệ cao Vfresh Garden do anh Nguyễn Văn Đạt ở xóm 2, xã Hưng Lĩnh làm giám đốc. Mô hình khởi nghiệp của anh Đạt, được Tỉnh đoàn Nghệ An làm cầu nối hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng. Với ưu thế về quỹ đất và truyền thống sản xuất nông nghiệp ở Hưng Lĩnh, anh Đạt chọn khởi nghiệp từ đồng đất quê nhà theo hướng sản xuất hữu cơ, kết hợp giữa chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thân thiện với môi trường.

Với khoảng 1 ha, anh Đạt trồng các nông sản “khó tính” như súp lơ xanh, cà chua chery, cải xoăn kết hợp nuôi cá lăng theo mô hình thủy canh. Anh Đạt cho biết: “Thị trường ngày càng ưa chuộng các sản phẩm nông nghiệp sạch và các sản phẩm có giá trị cao, vì vậy, giá thành của các loại nông sản sản xuất theo hướng hữu cơ cao hơn. Đây là một lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp sạch công nghệ cao đem lại giá trị cũng như doanh thu cao hơn. Hợp tác xã ước tính đạt doanh thu 400-500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ”.

Cán bộ Tỉnh đoàn tham quan mô hình nông nghiệp xanh tại trang trại của đoàn viên xã Hưng Lĩnh Hưng Nguyên ảnh PV
Cán bộ Tỉnh đoàn tham quan mô hình nông nghiệp xanh tại trang trại của anh Nguyễn Văn Đạt, xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên). Ảnh: PV

Cũng xuất phát từ phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ, tháng 3/2023, đoàn viên Đặng Văn Bình ở bản Thạch Tiến, xã Thạch Ngàn, huyện miền núi Con Cuông mạnh dạn làm kinh tế từ số tiền 50 triệu đồng vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp của Tỉnh đoàn. Bình lựa chọn lập nghiệp với mô hình trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh kết hợp nuôi cá và dê thịt trên diện tích vườn đồi rộng 1,5 ha.

Cùng với số vốn vay ưu đãi, Bình huy động vay mượn thêm của người thân đầu tư trồng 150 cây bưởi Diễn, bưởi da xanh, nuôi 25 con dê và thả các loại cá thịt. Đàn vật nuôi cùng ao cá, vườn bưởi được chăm sóc theo hướng tuần hoàn, bổ sung thức ăn cho nhau nên chi phí sản xuất được giảm tối đa. Vườn bưởi đến nay đã cho thu hoạch 2 mùa, cùng với dê, cá mang lại cho Bình doanh thu trong 1 năm gần 150 triệu đồng.

Đàn dê của anh Đặng Văn Bình (xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông) được đầu tư từ nguồn vốn vay hỗ trợ khởi ngiệp ảnh PV
Đàn dê của anh Đặng Văn Bình (xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông) được đầu tư từ nguồn vốn vay hỗ trợ khởi nghiệp. Ảnh: PV

Tiếp sức cùng phong trào khởi nghiệp của thanh niên hiện có các “kênh” như: Vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Quốc gia về việc làm, Quỹ Thanh niên lập nghiệp tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2023 -2030” trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030” theo hướng hiệu quả, thiết thực và đồng bộ trên địa bàn tỉnh.

(Còn nữa)


>> Bài 1: Khởi nghiệp từ làng
>> Bài cuối: Khuyến khích tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp

Bài 2: “Cú hích” từ chính sách hỗ trợ vay vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO