Bài ca mật muối và ước mơ của gã khổng lồ bé nhỏ giữa đồng bằng

Đậu Dung 12/02/2023 15:27

Tôi nói với Hồ Xuân Vinh, việc đặt trụ sở Công ty Abaca Việt Nam tại mảnh đất Quỳnh Lưu khiến tôi cảm động. Bởi chính tại mảnh đất mà bao người buộc phải ly hương để thoát nghèo ấy, bây giờ lại trở thành chốn về của những người làm “cách mạng” giữa đồng bằng.

Họ lại là những người rất trẻ. Tuổi trẻ thì sức dài vai rộng. Cứ thế mà đi, mà bước.


Câu hỏi của Hồ Xuân Vinh

Những ngày sau Tết hãy còn “mùng”, vài diêm dân xã Quỳnh Thuận (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã phóng xe máy vèo vèo ra thăm ruộng, chờ nắng hửng lên sau những ngày nằm lạnh để cào những hạt muối mùa Xuân. Không tất bật, mồ hôi nhễ nhại như chính vụ, tức khoảng thời gian từ tháng 4 cho tới hết tháng 6, tháng 7 âm lịch. Cùng với mùa mưa bão, đây có lẽ là khoảng ngày “an nhàn” nhất trong năm của những người bám nắng để sinh nhai.

Muối mùa này giống như muối mót, dân gọi là muối vụ chiêm, không được mùa như vụ chính nhưng lại được giá. Với lại, đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi. Được chút nào hay chút đó. Năm ngoái muối mất mùa nên giá muối lên (từ 1.200 đồng/kg thường ngày lên 2.000 – 3.000 đồng/kg). Rồi chiến tranh, cấm vận, muối Trung Quốc và Ấn Độ vô nước ta, muối Việt Nam ra bên ngoài đều khó do cước vận chuyển tăng cao nên muối trong nước được giá. Vinh dự đoán, tới đây, tình hình ổn định lại, giá muối có khi lại xuống.

Abaca Việt Nam của hai vợ chồng Hồ Xuân Vinh đặt trụ sở tại xã Quỳnh Văn vừa mới “chào sân” thị trường thương hiệu muối NanoSalt khoảng 1 năm trở lại đây nhưng đã bắt đầu thu về quả ngọt. Để chuẩn bị cho sự ra đời của nó, chàng trai 36 tuổi này đã phải “ủ mưu” suốt 5 năm trời. Vinh cười tươi rói như một diêm dân được mùa nhưng da Vinh trắng, chẳng có cái sắc vóc “cổ điển” của dân làm muối. Nghĩa là da bị ám nắng thành những ngày nắng dài trên gương mặt, hồng hào, khỏe khoắn nhưng về tổng thể, vẫn gợi nên một điều gì đó khổ khổ, lam lũ… Thì nông dân Việt Nam có khi nào không khổ, tôi thầm nghĩ.

Chúng tôi tạm thống nhất với nhau, Hồ Xuân Vinh, Trần Thị Hồng Thắm - vợ Vinh (đồng sáng lập thương hiệu NanoSalt), rồi những người trẻ đang làm việc tại đây là lứa diêm dân mới - một lớp người mới vẫn nối nghiệp cha ông giữ nghề truyền thống nhưng biết thổi vào đó tư duy hiện đại, để hạt muối quê hương thoát khỏi hai chữ “rẻ rúng” mà vượt biển ra khơi.

Hồ Xuân Vinh (đội mũ) trong một quy trình sản xuất tại xưởng.

Về quê khởi nghiệp từ 10 năm trước, Hồ Xuân Vinh được người ta gọi là “vua sáng chế”, nhận nhiều giải thưởng từ Trung ương lẫn địa phương. Sau các sáng chế về vật liệu không nung, máy ép gạch, trạm trộn bê tông, máy gạch tự ghép, dây chuyền chế biến sợi tơ chuối…, 5 năm trước, cái góc cạnh sắc lẹm của hạt muối bao đời như một cái “dằm” trong tâm trí.

Ký ức của những mùa Hè đạp xe đạp khắp huyện, từ Bãi Ngang rồi vòng lên Giát, đi qua những cánh đồng muối trắng trong nắng… dội ngược về. Hồ Xuân Vinh nhìn về cánh đồng hôm nay. Hình như chẳng có điều gì khác dù đã vài chục năm trôi đi. Người làm muối không nghèo nhưng cũng không giàu. Họ đều đã cao tuổi. Đám trẻ thì không mặn mà. Những người đứng đầu các hợp tác xã muối cũng già. Gần như không có đột phá. Xưa canh tác, phân phối sao thì nay vậy. Bỗng chàng trai trẻ này thấy cái nghề muối “già” như một trời lãng quên. Ý Vinh muốn nói, cái nghề không “chảy” hơi thở đời sống trong đó, dù mỗi ngày, ta đều nói muối và gạo là hai món thiết yếu với đời sống, là an ninh quốc gia.

Nếu một ngày Quỳnh Lưu không còn người làm muối, không còn những cánh đồng muối, Vinh tự hỏi... Ờ thì chắc cũng sẽ như Thái Bình, cả tỉnh nay chỉ còn 10 ha quanh phủ Bà chúa Muối để làm du lịch và phục vụ tâm linh. Cũng như đất Nam Định giờ chỉ còn 20 ha ít ỏi, Thanh Hóa có muối Nghi Sơn giờ cũng nhường chỗ cho khu công nghiệp. Quảng Bình có 70 ha cũng ngắt quãng một thời gian dài; cách đây 2 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải vào để triển khai làm lại mười mấy ha và vận động bà con quay lại nghề. Rồi vào trong nữa, muối Sa Huỳnh của Quảng Ngãi nổi tiếng là thế nhưng giờ cũng bị thu hẹp, còn khoảng 100 ha, có nhà máy muối cũng đã bị phá sản. Bình Định gần như cũng “nghỉ chơi”, không đáng kể. Tới Khánh Hòa, Ninh Thuận, … mới có tiếp.

Mà Quỳnh Lưu là một vựa muối lớn nhất tỉnh Nghệ An (nay vẫn còn khoảng 600 ha, với khoảng 10.000 người còn làm nghề). Muối vùng này có một độc đáo mà những vùng khác cũng phải chào thua về chất lượng và công dụng, đó là muối phơi cát. Nghe buồn một cách tàn tệ. Nếu bỏ thì tội tình cho hạt muối ông cha. Mà vương vào thì phải làm gì cho khác?

Muối trong một hình hài mới.

Bài học từ mật muối

Hồ Xuân Vinh dành thời gian 5 năm để nghiên cứu các bài thuốc y học cổ truyền về muối, tìm hiểu khía cạnh dược liệu của muối, tìm gặp các chuyên gia về muối… Trong nước biển có chứa nhiều vi khoáng có lợi cho sức khỏe chứ không chỉ riêng Natri Clorua. Bà con chỉ lấy Natri Clorua đó, vậy phần còn lại ở đâu? 8x này tự hỏi. Rồi giật mình, hóa ra, lâu nay, ta đang ăn thừa Natri mà thiếu các vi khoáng khác. Rồi Vinh đọc những tài liệu nước ngoài về muối dược liệu, tham khảo những khuyến cáo của Bộ Y tế về tác hại của việc ăn thừa muối đối với sức khỏe con người. Dần dần, hạt muối nhảy múa sống động, hiện lên một cách rành rẽ, đầy đủ trước mắt Vinh. Vinh quyết định làm một cuộc cách mạng cho muối.

Thương hiệu NanoSalt ra đời để trả lời cho bằng hết những câu hỏi lẫn gửi gắm những ước mong cho hạt muối quê mình của Hồ Xuân Vinh. NanoSalt là viết tắt của mấy chữ “Nghe An Ocean Salt” (Muối biển Nghệ An). Tôi nói, ở một cách hiểu khác, chữ “nano” gợi ra một cái gì đó liên quan đến công nghệ. Vừa hay, muối giảm mặn của Hồ Xuân Vinh được tạo nên từ công nghệ. Tên là muối giảm mặn nhưng vẫn bổ sung được các vi khoáng khác.

Trong cuộc cách mạng đó, Vinh và những cộng sự đã tìm thấy mật muối. Lạ quá. Lần đầu thấy thứ chất lỏng có màu như mật rỉ ra từ ruộng muối cũng có thể mang lại thu nhập cho bà con diêm dân, tôi quá bất ngờ. Vợ chồng Hồ Xuân Vinh đặt tên là “mật muối”. Còn tên gọi nào hợp lẽ hơn? Chắc là không. Quà từ biển đó, rứa mà bao năm bà con mình coi nó là phụ phẩm rồi bỏ đi. Vinh ước chừng, 50.000 tấn muối làm ra có thể có khoảng 20.000 tấn mật muối. Chính nó dạy cho người diêm dân mới này một bài học, đó là, không có thứ gì là vô giá trị cả, chỉ là mình không biết đặng mà làm.

Vinh nói, trong mật muối có chứa khoáng Natri, Kali, Magie và 60 vi khoáng khác. Sau khi gom muối lẫn mật muối của bà con từ các hợp tác xã, Abaca Việt Nam đi qua 3 sáng chế công nghệ để phân tách ra các dòng muối khác nhau: muối gia vị (muối giảm mặn, bột canh giảm mặn, muối tôm, muối chua cay, muối không i-ốt), muối dược liệu (muối ngâm chân, muối tắm cho bé, muối epsom (spa/ massage/ rửa mặt/ tẩy tế bào chết). Abaca Việt Nam vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cho ra những sản phẩm mới. Lúc tôi đến xưởng sản xuất, Vinh khoe vừa thử nghiệm thành công mẫu muối nhuộm màu phong thủy, ngũ hành mới, có chứa tinh dầu.

Hiện, NanoSalt đã có mặt tại 12 tỉnh, thành trên cả nước. Chàng trai xứ Nghệ này không giấu tham vọng muốn định hình Nanosalf như một thế giới về muối. Vinh nói, muối đa sắc hơn nhiều so với cái góc cạnh truyền thống của nó. Ngoài muối mặn, còn có muối đắng. Nắm được kỹ thuật, sẽ có loại muối mong muốn.


Ước mơ của người khổng lồ bé nhỏ

Đối diện xưởng sản xuất muối của Hồ Xuân Vinh là núi Lạp Sơn. Ở đó có khu di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn. Cả một cồn điệp từng lưu bao dấu vết của người Việt cổ, đến nay, vẫn còn sót lại rất nhiều sò điệp ngay lối đi. Vinh kể tôi nghe về người cha của Vinh, ông Hồ Văn Hoàn, chủ nhân của Xưởng cơ khí Hồ Hoàn Cầu (sau này là Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, ông là nhà khoa học vì nông dân hay nhà sáng chế vì người nghèo năm 2015 - PV).

Vài chục năm trước, gạch nung đắt đỏ, người dân không có tiền để mua. Họ dùng luôn vỏ sò điệp ở cồn này trộn với vôi đóng thành gạch. Có nhà đóng 10 năm mới đủ gạch để xây nhà. Lúc ấy, đang có dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ tại địa phương, đơn vị thi công Hàn Quốc chỉ lấy đá 1x2, 3x4, còn đá bây (bột đá nhỏ hơn cả đá dăm) bỏ đi, chất thành núi. Ông Hoàn đã sáng chế ra máy đúc gạch bằng tay để tạo ra gạch không nung trên nền nguyên liệu là đá bây và vỏ sò điệp đó. Vinh nói, cha anh không phải tự nhiên mà nghĩ ra. Chiếc máy ra đời, cũng nhờ ông biết phát huy tài nguyên bản địa. Rồi đời con cứ thế, nhìn đời cha mà đi.

Hồ Xuân Vinh rất thích cuốn sách "Những người khổng lồ bé nhỏ" của cựu nhà báo Bo Burlingham. Đó là cuốn sách nói rất sâu về những doanh nghiệp bền vững bén rễ tại địa phương. Có thể, đó là những doanh nghiệp có quy mô không lớn nhưng lại có sức mạnh của một “gã khổng lồ” trong ngành của nó. Thông qua cuốn sách, Bo Burlingham đã chứng minh một điều: Lớn hơn không có nghĩa lúc nào cũng tốt, cũng vĩ đại hơn. Thay vào đó, có một điều quan trọng hơn, đó là phát huy cái bản sắc và hãy là người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình.

Nhắc đến cuốn sách nổi tiếng này như một niềm cảm hứng trong việc chỉ lối, Hồ Xuân Vinh nói con đường của Abaca Việt Nam cũng sẽ cột chặt vào tài nguyên bản địa. Công việc kinh doanh đó phải tạo ra sinh kế, giá trị tại địa phương. Rộng hơn, giá trị cho một ngành. Ở đây là ngành muối. Theo cách nói đó, rõ ràng, nhỏ mà “có võ”.

Năm qua, dù mới chạy thử nghiệm và bắt đầu làm quen thị trường, thương hiệu NanoSalt của Hồ Xuân Vinh đã giới thiệu đến ngành muối một mô hình mới. Không tính các doanh nghiệp làm về muối truyền thống thì ở nước ta, các đơn vị làm gia vị hoạt động riêng, làm về hóa mĩ phẩm hoạt động riêng. Đặc điểm chung là người ta chỉ xem muối là một thành phần trong đó. NanoSalt khác biệt khi chọn phát triển và chế biến sâu các sản phẩm từ muối. Nguyên liệu đầu vào là muối, sản phẩm cuối cùng cũng là muối. NanoSalt vừa dẫn đầu công nghệ, làm chủ quy trình sản xuất, đồng thời, tạo ra một vùng nguyên liệu mới hoàn toàn, tức là khai thác nguyên liệu mới trên cánh đồng cũ.

Vốc lên tay một nắm muối rồi cho vài hạt vào miệng để nó tự tan đi. Những tinh thể muối ngày xưa mặn chát, rát bỏng; bao kiếp người trằn mình, lụi xơ trong nắng hiện diện, nương theo hạt muối chắt chiu vào đời cơm áo. Bây giờ, nó đang nằm yên ả trong tay tôi và sẽ có một gương mặt khác nhờ những ứng dụng của công nghệ vào sản xuất. Không cứ là NanoSalt của Hồ Xuân Vinh, mà ở đâu trên dải đất hình chữ S này, ai tạo ra giá trị tăng thêm cho muối, để bà con được nở nụ cười thì đều xứng đáng được dành hai chữ “cảm ơn”. Để những đồng bằng duyên hải, ngày hôm qua hãy còn là bể thắm, và trên đó, ngày mai đây, sẽ có những làn sóng trở về.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, kỹ sư Hồ Xuân Vinh về quê khởi nghiệp trong nông nghiệp. Anh sở hữu 30 bằng sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ, là Đại sứ đổi mới sáng tạo Việt Nam, Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2021… Hồ Xuân Vinh nhận giải Quả cầu vàng KHCN năm 2021, giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc năm 2021…

Theo nongthonviet.com.vn
Copy Link
Mới nhất
x
Bài ca mật muối và ước mơ của gã khổng lồ bé nhỏ giữa đồng bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO