NHIỀU HOẠT ĐỘNG KHUYẾN KHÍCH TUỔI TRẺ
Hiện nay, tỉnh Nghệ An có hơn 700.000 đoàn viên, thanh niên, chiếm gần 25% dân số toàn tỉnh, tuy nhiên tỷ lệ có việc làm và việc làm ổn định khoảng 60%. Mỗi năm các trường đại học, cao đẳng, trung cấp của tỉnh đào tạo từ 19.000 - 20.000 sinh viên, số sinh viên ra trường chưa có việc làm hiện khoảng 20.000 người. Những năm qua, hoạt động hỗ trợ thanh niên được quan tâm với việc chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cuộc thi “Ý tưởng, Dự án khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Nghệ An” trở thành hoạt động thường niên nhằm phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ hoạt động này đã truyền cảm hứng, động viên, thanh niên tự tin trong lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Qua đó, tăng cường hỗ trợ, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả tại địa phương; rà soát, lựa chọn các dự án đạt giải cao trong các cuộc thi tay nghề để tập trung nguồn lực hỗ trợ, phát triển thành mô hình điểm, bền vững.
Từ những chương trình ý nghĩa này, mỗi năm đã có hàng chục đoàn viên, thanh niên sáng tạo ý tưởng khởi nghiệp có hiệu quả. Tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, bước vào tháng Tư, tháng Năm cũng là mùa sen nở, những hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hợp tác xã Sen quê Bác do “ông chủ” 9X Phạm Kim Tiến làm chủ cũng nhộn nhịp vào vụ mùa. Hợp tác xã Sen quê Bác của Phạm Kim Tiến là một trong những mô hình kinh tế nổi bật của đoàn viên, thanh niên Nghệ An trong năm 2023.
Nhắc đến những mô hình khởi nghiệp thành công, ngoài sen quê Bác, có thể kể đến những mô hình khác như: Mô hình nước mắm nhà thùng của chị Phan Thị Hồng Thoa - Bí thư Chi đoàn khối 3, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò; mô hình nuôi cá lồng bè của đoàn viên Nguyễn Văn Thành - khối Đông Tiến, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò; mô hình trồng dưa trong nhà lưới của thanh niên Nguyễn Chính Sơn - xóm Đông Sơn, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc… Đây là những mô hình kinh tế khởi nghiệp có hiệu quả, vừa tạo được doanh thu cao hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh cũng xây dựng nhiều chương trình ý nghĩa, giúp sinh viên và đoàn viên, thanh niên có cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư, tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp như: Hoạt động trao thưởng và giới thiệu các sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, “Sao tháng Giêng” tại các trường đại học, cao đẳng cho các doanh nghiệp trên địa bàn; tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên; phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, các trung tâm nghề tổ chức dạy nghề cho đoàn viên, thanh niên như: may mặc, sản xuất mây tre đan xuất khẩu, nuôi tôm, dệt thổ cẩm, thú y, nghề mộc, trồng nấm, trồng cây nguyên liệu… phù hợp với từng điều kiện thực tế tại các địa phương, đơn vị...
Cùng chung tay khuyến khích đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp còn có sự tham gia của Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên tỉnh Nghệ An. Trung tâm đã xây dựng và ban hành đề án thành lập Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh Nghệ An. Câu lạc bộ này đã phát huy vai trò kết nối những đoàn viên, thanh niên có ý chí, nguyện vọng phát triển kinh tế, cũng trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau mạnh dạn khởi nghiệp. Trong đó, những hỗ trợ quan trọng được câu lạc bộ thực hiện đó là tiếp cận, triển khai các mô hình thanh niên phát triển kinh tế về ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình kinh tế sản xuất xanh, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường... Từ đó, những nội dung được trao đổi thường xuyên qua sinh hoạt câu lạc bộ này thường là hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, bảo quản theo tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm do thanh niên làm chủ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã thanh niên, triển lãm các gian hàng thanh niên khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ, xóa đói giảm nghèo cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên.
Tại các đơn vị đặc thù khác như Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phúc Sơn, hoạt động đào tạo nghề cho người sau cai nghiện cũng được chú trọng. Anh Lê Tiến Dũng - Giám đốc trung tâm cho biết: Hằng năm, Trung tâm tiếp nhận và đào tạo sau cai nghiện cho gần 100 học viên, với các nghề chủ yếu như: nghề mộc, làm vàng mạ, gò hàn… sản phẩm của Trung tâm được mang đi tiêu thụ nhiều nơi và góp phần giúp cho các học viên sau khi ra khỏi Trung tâm có được một ngành nghề để kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho bản thân và đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp làm giàu của thanh niên hoàn lương.
Năm 2023, tỉnh Nghệ An có 02 đoàn viên được nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng vì đã có thành tích nổi bật trong kinh doanh, sản xuất, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương là chị Trần Thị Hồng Thắm - Giám đốc Công ty TNHH ABACA Việt Nam (huyện Quỳnh Lưu) và anh Phạm Văn Tuấn - Giám đốc HTX Me Nam Nghĩa (huyện Nam Đàn).
THÁO GỠ KHÓ KHĂN, PHÁT HUY CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Quá trình đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên phát triển kinh doanh, thực hiện các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn cũng như cấp ủy, chính quyền Nghệ An nắm được những khó khăn, vướng mắc cần hỗ trợ lực lượng này tháo gỡ. Đồng thời, phát huy tối đa hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp.
Vì vậy, hàng năm Tỉnh đoàn đều phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên để nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của thanh niên trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực phát triển kinh tế và việc đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Ví như tại Hội nghị Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên tháng 3/2023, trong nhiều nội dung trao đổi thảo luận, thì các vấn đề về phát triển kinh tế, cơ chế chính sách tạo điều kiện và khuyến khích đoàn viên, thanh niên sáng tạo khởi nghiệp chiếm phần lớn các câu hỏi.
Đơn cử, đoàn viên Phạm Văn Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế xã Tân Thành (Yên Thành) tại hội nghị này nêu mong muốn các ngành, các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên nhiều hơn trong phát huy các chính sách về chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng mô hình kinh tế, trang trại, gia trại. Trả lời ý kiến của đoàn viên Phạm Văn Long, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sẽ chỉ đạo các ngành, báo cáo HĐND tỉnh tạo thuận lợi nhất trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất nông nghiệp để xây dựng mô hình, mở trang trại của thanh niên.
Hiện nay, một thực trạng ảnh hưởng khá lớn đến phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp ở địa phương đó là tình trạng lực lượng đoàn viên, thanh niên thường xuyên biến động, nguyên nhân chủ yếu do phần lớn lao động trẻ đi làm ăn xa.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, thậm chí là cấp hai như ở các huyện miền núi chúng tôi, đoàn viên, thanh niên hầu hết đều rời quê đi các địa phương khác để tìm việc làm. Điều này khiến lực lượng lao động ở địa phương bị thiếu hụt. Các nhân tố hoạt động cũng như khởi nghiệp, làm kinh tế cũng bị hạn chế”.
Ông Lỳ Bá Thái - Phó Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn
Không riêng gì huyện Kỳ Sơn, việc lực lượng lao động trẻ rời quê đi làm ăn xa là thực trạng chung của các huyện, thị ở Nghệ An. Vì vậy, cũng qua các hội nghị đối thoại, trao đổi giữa các cấp, ngành với đoàn viên, thanh niên, trong các hội chợ hướng nghiệp lao động, việc định hướng đoàn viên, thanh niên tìm việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh, trong huyện cũng được các cấp, ngành quan tâm.
Bên cạnh đó, thực tế nguồn vốn vay đáp ứng nhu cầu để thanh niên khởi nghiệp còn chưa nhiều, mỗi mô hình được vay từ 50 - 100 triệu đồng. Vì vậy, việc đầu tư cũng bị hạn chế, đặc biệt là đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh của các mô hình kinh tế trong thanh niên chưa nhiều.
“Quá trình sản xuất, kinh doanh mặc dù bước đầu thuận lợi nhưng cũng đang còn không ít khó khăn, như vốn, thuê mặt bằng... Cần có các diễn đàn đối thoại, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp giữa thanh niên và các chủ doanh nghiệp, những người đã, đang khởi nghiệp; khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp cho các em ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hỗ trợ, mở các lớp kiến thức cơ bản nền tảng về luật kinh tế, tài chính cho thanh niên địa phương. Hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn ban đầu, hướng dẫn phổ biến cho nhiều người nắm rõ chính sách luật, phòng cháy chữa cháy, chính sách đất đai… cho các bạn trẻ khởi nghiệp, các doanh nghiệp trẻ” - anh Nguyễn Thanh Bình - chủ doanh nghiệp sản xuất tất Begen ở Nghĩa Đàn chia sẻ.
Cần có các diễn đàn đối thoại, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp giữa thanh niên và các chủ doanh nghiệp, những người đã, đang khởi nghiệp; khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp cho các em ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.
Anh Nguyễn Thanh Bình - chủ doanh nghiệp sản xuất tất Begen, huyện Nghĩa Đàn
Để phát huy tinh thần xung kích khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên, chị Nguyễn Thị Phương Thúy - Phó Bí thư Tỉnh đoàn đề nghị, cần xây dựng cơ chế tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp ở địa phương. Có sự hỗ trợ, định hướng công việc với các đối tượng: thanh niên là quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, thanh niên đi xuất khẩu lao động trở về địa phương, thanh niên sau khi hoàn thành án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng. Chính sách để nhân rộng những mô hình điểm phát triển kinh tế điểm cho thanh niên tại địa phương phát triển tiềm năng, lợi thế vùng, qua đó tạo sinh kế bền vững. Đặc biệt, có giải pháp để tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn ưu đãi nhiều hơn để khởi nghiệp.
Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai các hoạt động tham vấn, kiến nghị chính sách khởi nghiệp đối với thanh niên, tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên. Năm 2023 toàn tỉnh đã có 6 cuộc hội nghị do tổ chức Đoàn tổ chức; 35 diễn đàn sáng tạo trẻ thu hút 4.500 lượt thanh, thiếu nhi tham gia. Có 9 ý tưởng, sáng kiến của thanh niên được hỗ trợ triển khai thực hiện với giá trị hỗ trợ thực hiện gần 400 triệu đồng; 18 sáng kiến, giải pháp sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh với giá trị làm lợi 800 triệu đồng.