Bài học từ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid -19 ở thành phố Vinh
(Baonghean.vn) -Sau thời gian thành phố Vinh thực hiện Chỉ thị 16 và các biện pháp tăng cường, đến thời điểm này cơ bản diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đã được khoanh vùng, khống chế. Kết quả đó cho thấy công tác chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố đang đi đúng hướng.
Đợt bùng phát dịch thứ 4, xảy ra trên địa bàn thành phố Vinh trong điều kiện người từ các địa phương có dịch trên cả nước, người dân ở vùng có dịch trở về địa phương. Thành phố đã xuất hiện những chùm ca bệnh phức tạp. Là đầu mối giao thông, giao thương trọng điểm, lượng người lưu thông lớn, nhiều loại hình dịch vụ thương mại, nhất là hoạt động chợ đầu mối, chợ Vinh, các Trung tâm thương mại, siêu thị do vậy nguy cơ lây nhiễm dịch hiện hữu rất lớn.
Trước diễn biến của dịch, ngay từ đầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố đã chủ động thực hiện giãn cách xã hội áp dụng Chỉ thị 19, Chỉ thị 15 và thực hiện Chỉ thị 16 và 16+ theo diễn tiến của dịch.
Việc chủ động sớm thực hiện giãn cách xã hội đã ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, đồng thời các lực lượng chuyên môn đã sớm rà soát, truy vết các trường hợp F0, F1 để cách ly theo quy định của ngành Y tế.
Lãnh đạo thành phố Vinh kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn. Ảnhh: P.V |
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố đã quan tâm nâng cao năng lực hệ thống y tế, chuẩn bị các phương án, kịch bản ứng phó với dịch bệnh ở nhiều mức độ từ thấp đến cao. Xây dựng các kế hoạch tương ứng với các tình huống diễn biến dịch trên địa bàn. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của người dân tham gia phòng chống dịch được triển khai bài bản, nhất là thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Thành phố sớm triển khai tiêm vắc xin ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch. Khoanh vùng kịp thời các khu vực có người nhiễm, tiến hành truy vết các F hạn chế lây lan. Song song với đó, Ban chỉ đạo, Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch thành phố đã sớm có các kế hoạch cụ thể để đảm bảo lưu thông hàng hóa, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội… trong từng giai đoạn.
Thành phố Vinh trong những ngày thực hiện cách ly xã hội. Ảnh: Lê Thắng |
Chính vì thế, việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men của người dân trong những ngày giãn cách luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân. Chăm lo đảm bảo an sinh xã hội, bên cạnh việc thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh, sự vào cuộc của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã hỗ trợ cho nhiều đối tượng chính sách. MTTQ với vai trò đầu mối tiếp nhận và phân phối các mặt hàng tiếp nhận, để đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Lãnh đạo thành phố Vinh tặng quà động viên lực lượng tuyến đầu. Ảnh: P.V |
Sự hỗ trợ lương thực, thực phẩm từ các huyện, thị cho thành phố vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng vừa thể hiện tinh thần chia sẻ khó khăn của người dân trong tỉnh với thành phố.
Sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở cơ sở rất hiệu quả, đặc biệt là sự tham gia của người dân trực tiếp, tự nguyện, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch trên rất nhiều nội dung. Từ việc hỗ trợ, nhường cơm sẻ áo, chia sẻ với người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn của mình; đến quyên góp ủng hộ Quỹ vắc xin, Quỹ Phòng chống Covid-19; tham gia trực tiếp vào công tác phòng, chống dịch, bảo vệ "vùng xanh"; cung cấp nhu yếu phẩm…
Ngay từ đầu khi dịch bệnh bùng phát người dân đã thể hiện rất rõ, vai trò là chủ thể, là chiến sỹ trong phòng, chống dịch...
Công tác thông tin, tuyên truyền đóng góp vai trò và giải pháp quan trọng. Ban Tuyên giáo Thành ủy, Tổ công tác tuyên truyền phòng chống Covid đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch. Từ thành phố đến phường, xã đều khai thác các nhóm Zalo, Facebook để phục vụ công tác thông tin liên lạc, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, tuyên truyền lưu động được tổ chức hiệu quả, tác động sâu rộng đến nhân dân, tạo sức lan tỏa và niềm tin vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Công tác phòng, chống dịch của thành phố, vì vậy đã nhận được sự vào cuộc của đông đảo nhân dân; nhân dân đồng tình hưởng ứng; đặt niềm tin đối với chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
TP. Vinh triển khai lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Thành Cường |
. Từ kết quả đạt được, Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố yêu cầu cấp ủy, chính quyền, lực lượng phòng chống dịch từ thành phố đến phường xã không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Kiên định tư tưởng làm nghiêm, làm chặt, chống dịch như chống giặc, mọi người dân nghiêm túc và trách nhiệm thực hiện khuyến cáo 5K kết hợp với các giải pháp khác.
Giải pháp tiêm vắc xin cho người dân sẽ được ưu tiên, trong đó căn cứ điều kiện công việc ưu tiên lực lượng tuyến đầu chống dịch: đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế; lực lượng công an, quân đội, lực lượng phòng chống dịch ở phường xã: bí thư, khối trưởng, trưởng ban công tác mặt trận, tổ Covid cộng đồng khối xóm; đội ngũ tình nguyện viên của các đoàn thể; giáo viên; tiểu thương các chợ, nhân viên bán hàng siêu thị, nhân viên giao nhận hàng chuyên nghiệp (shipper)… và mở rộng ra toàn dân trong điều kiện sớm nhất có vắc xin.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin cho tiểu thương, BQL các khu chợ. Ảnh: Quang An |
Thành phố dần mở hoạt động các chợ dân sinh khi đảm bảo các yêu cầu chống dịch; hoạt động doanh nghiệp, đơn vị sản xuất khuyến khích “03 tại chỗ”, hoặc “01 cung đường, 02 địa điểm”; tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và thông điệp “5K” của Bộ Y tế tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Duy trì hoạt động các trạm, chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các vị trí quan trọng, nhất là cửa ngõ thành phố.
Tổ Covid-19 cộng đồng chịu trách nhiệm chính việc cung ứng thực phẩm cho người dân tại khu vực áp dụng Chỉ thị 16 nâng cao. Ảnh: Quang An |
Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mỗi xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch, có các kịch bản phòng, chống dịch tại địa bàn, chủ động làm tốt công tác phòng chống dịch trong mọi tình huống trên địa bàn. Đẩy mạnh và đổi mới đa dạng hóa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch, đời sống tinh thần cho người dân, nâng cao tinh thần đoàn kết và niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch.