Băn khoăn 'gánh nặng' giai đoạn 'hậu' nông thôn mới
(Baonghean.vn) - Đó là vấn đề được nêu ra tại phiên thảo luận tại tổ 2, họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVII vào chiều 18/12.
Đồng chí Hoàng Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên, Tổ trưởng Tổ 2 điều hành thảo luận tổ gồm các đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên. Cùng tham gia có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền; đại diện một số sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Mai Hoa |
Lo “gánh nặng” giai đoạn “hậu” nông thôn mới
Đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (TP. Vinh), cho rằng, xây dựng NTM là chủ trương lớn được nhân dân cả tỉnh đồng tình hưởng ứng với nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên chưa thực chất, có tình trạng chạy theo thành tích.
Đại biểu Hiền nêu ví dụ: xã Nghi Ân (TP. Vinh) được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016 với 17/19 tiêu chí hoàn thành và 2 tiêu chí còn nợ, đó là hệ thống thủy lợi, mương tưới tiêu nội đồng và Trường THCS chưa đạt chuẩn quốc gia. Đến thời điểm này, ngân sách địa phương hết sức khó khăn, nên 2 tiêu chí nợ vẫn chưa hoàn thành.
Hay xã Nghi Liên (TP. Vinh) được công nhận NTM từ năm 2014 và đang tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; trong khi đó hệ thống điện cực kỳ yếu kém, không đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống của người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra và chấn chỉnh ngay tình trạng nợ tiêu chí sau khi công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ở các địa phương. Ảnh: Mai Hoa |
Đồng tình ý kiến của đại biểu Hiền nêu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Thái Văn Nông cũng nêu ví dụ tại xã Nam Thành (Yên Thành) đã về đích nông thôn mới, nhưng vẫn còn đường giao thông lầy lội.
Ông Nông cũng cho rằng, điều quan trọng và cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới, đó là xây dựng các mô hình sản xuất, trong đó có mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, thông qua đó nâng cao đời sống của người dân. Song thực tế, nhiều hợp tác xã “có danh nhưng không thực”...
Cũng quan tâm đến tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới, đại biểu Nguyễn Đình Hòa (Hưng Nguyên), cho rằng: Có một số tiêu chí sau công nhận nông thôn mới xuống cấp nhanh như công trình giao thông, thủy lợi và một số hạ tầng khác.
Vì vậy, hiện nay, các địa phương đã về đích NTM, vừa tiếp tục hoàn thiện thêm các tiêu chí, vừa duy trì các tiêu chí có nguy cơ xuống cấp nhanh, đặt ra “gánh nặng” cho các địa phương giai đoạn “hậu” nông thôn mới.
Đại biểu Nguyễn Đình Hòa đề nghị các cấp quan tâm đánh giá lại thực trạng và làm rõ nguồn lực để duy trì các tiêu chí đạt và trả nợ các tiêu chí chưa đạt, đảm bảo việc xây dựng nông thôn mới bền vững. Ảnh: Mai Hoa |
Từ thực tiễn đặt ra, đại biểu Nguyễn Đình Hòa đề nghị các cấp cần quan tâm đánh giá lại thực trạng và làm rõ nguồn lực để duy trì các tiêu chí đạt và trả nợ các tiêu chí chưa đạt, đảm bảo việc xây dựng nông thôn mới bền vững.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền, khẳng định: Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh và UBND tỉnh là không chạy theo thành tích, mà phải đảm bảo thực chất và bền vững trong xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện phát triển thật sự ở các địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần của người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra đối với các vấn đề đại biểu nêu để có giải pháp tháo gỡ, nhất là chấn chỉnh ngay tình trạng nợ tiêu chí sau khi công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ở các địa phương.
Khắc phục rào cản, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao
Cũng tại tổ 2, đại biểu quan tâm đến nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (TP. Vinh), cho rằng: Xu thế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Bởi vậy, tỉnh cần quan tâm đề ra các giải pháp tháo gỡ, khắc phục các rào cản trong cấp phép đầu tư, thực hiện chế độ đãi ngộ, chính sách đất đai…, nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; từ đó tạo ra những vùng nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đại biểu Hoàng Nghĩa Hiếu (Hưng Nguyên) cho rằng, tỉnh đang tập trung thu hút các doanh nghiệp có vai trò “dẫn đường” để tạo các vùng sản xuất sạch gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Mai Hoa |
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Bình, đại biểu Hoàng Nghĩa Hiếu (huyện Hưng Nguyên), cho rằng, hiện tại đang có hơn 80% dân số làm nông nghiệp, ngoài đảm bảo ổn định đời sống của người dân vùng nông thôn, thì yêu cầu đặt ra là nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho người dân.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, đặc biệt là trồng trọt là hướng đi mới mà tỉnh đang rất tập trung, khi năng suất, sản lượng sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An đã kịch trần. Trước mắt là tập trung thu hút các doanh nghiệp có vai trò “dẫn đường” để tạo các vùng sản xuất sạch gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nông dân thu hoạch cánh đồng lúa chất lượng cao ở Hưng Nguyên. Ảnh tư liệu |
Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất hiện nay là việc cân nhắc lựa chọn một số diện tích để giao cho doanh nghiệp và chủ trương của tỉnh là ưu tiên tích tụ ruộng đất theo hình thức người dân góp đất hoặc liên kết với doanh nghiệp để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tình trạng dạy thêm, học thêm chưa được kiểm soát; chất lượng giáo dục trong các nhà trường chưa toàn diện, đang nặng dạy văn hóa mà ít các hoạt động ngoại khóa khác; giao đất, giao rừng; dự toán thu - chi ngân sách năm 2018…
Mai Hoa
TIN LIÊN QUAN |
---|