Băn khoăn vai trò công đoàn cấp trên qua sự việc tại Công ty cổ phần Dệt may Halotexco
Bức xúc với cách giải quyết trong chi trả chế độ cho nhân viên, công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhiều lao động Công ty cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan (Halotexco) tại phường Bến Thuỷ, TP. Vinh tập trung đòi quyền lợi. Điều đáng nói, người lao động bất đắc dĩ phải chọn cách giải quyết căng thẳng này vì họ hoàn toàn “bơ vơ” khi đòi quyền lợi chính đáng.
Từ một sự việc bất ổn
Sáng 17/2 vừa qua, tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan đã xảy ra sự việc nhiều lao động tập trung trước cổng công ty để đòi quyền lợi. Nguyên nhân được cho là vì công ty này đã đưa ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với 119 lao động (trong tổng số 387 lao động) vào ngày 13/12/2024, vì lý do khó khăn trong kinh doanh sản xuất. Thông báo này nêu rõ, tổng số tiền trợ cấp mất việc của những lao động này là hơn 2,8 tỷ đồng, trợ cấp thôi việc là hơn 72 triệu đồng, sẽ được chi trả theo đúng quy định của pháp luật.

Cho rằng cách giải quyết của doanh nghiệp không thoả đáng, số lao động này đã nhiều lần nêu kiến nghị với lãnh đạo công ty nhưng không đạt được thoả thuận mong muốn.
Trước đó, ngày 17/1/2025, công nhân đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp và đề nghị công ty chi trả tiền chế độ, lương tháng thứ 13 theo đúng quy định của pháp luật và Thoả ước lao động tập thể của công ty. Tuy nhiên, đến nay số tiền chế độ của công nhân lao động (bao gồm tiền lương tháng 13 năm 2024, tiền phép 2024, tiền hỗ trợ lương tháng 1, tiền trợ cấp mất việc cho các lao động làm việc tại công ty từ trước ngày 1/1/2009) vẫn chưa được chi trả đủ.
Cụ thể, những lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động chỉ mới nhận được 1 lần chi trả 2 triệu đồng vào tài khoản cá nhân ngày 14/2. Trong khi đó, nhiều lao động có tổng số tiền chế độ được nhận từ 100-170 triệu đồng. Lo lắng với kiểu chi trả chế độ nhỏ giọt này, sáng 17/2, trong ngày làm việc đầu tuần, khoảng 50 trong tổng số 114 lao động đã tập trung trước cổng công ty để yêu cầu công ty chi trả chế độ theo đúng quy định và thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết trong năm 2023.

Sau khi nắm được tình hình, đoàn liên ngành gồm đại diện chính quyền, lực lượng công an và cán bộ Liên đoàn Lao động thành phố Vinh đã có mặt để nắm bắt thông tin, tham gia giải quyết. Sau khi nắm được nguyện vọng của người lao động và làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp, đoàn liên ngành đã đề nghị công nhân tập hợp danh sách nguyện vọng, lãnh đạo Công ty bố trí nhân sự và sớm sắp xếp thời gian để tổ chức đối thoại, giải quyết thoả đáng, tháo gỡ vấn đề cho người lao động.
Chiều 20/2, ban lãnh đạo doanh nghiệp này đã tổ chức đối thoại với đại diện công nhân, lao động với sự tham gia của đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vinh, Liên đoàn Lao động thành phố và đại diện chính quyền phường Bến Thủy. Tại đây, công nhân lao động tiếp tục yêu cầu công ty giải quyết các chế độ thôi việc 1 lần theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty khẳng định, tình hình tài chính hiện nay không thể chi trả một lần và chỉ có thể duy trì trả dần theo từng tháng. Doanh nghiệp cũng đề xuất sẽ nhận người lao động quay trở lại làm việc nếu có nhu cầu, nhưng đại diện người lao động không đồng ý. Vì không tìm được tiếng nói chung và không đưa được giải pháp, cuối buổi làm việc, người lao động không ký vào biên bản đối thoại, tiếp tục tập trung trước cổng công ty và cho biết sẽ khởi kiện để toà án phân xử.

Ngày 25/2 vừa qua, lãnh đạo Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan đã gửi thông báo đến những nhân viên, công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó có nội dung: Số tiền còn lại của phép năm 2024, lương thưởng tháng 13 và tiền hỗ trợ lương tháng 1/2025 sẽ được chi trả cho người lao động trước ngày 31/3/2025; Số tiền trợ cấp mất việc của các lao động đủ điều kiện sẽ được cân đối và thông báo sau.
Vai trò công đoàn cấp trên?
Khi một sự việc liên quan đến lợi ích người lao động và mâu thuẫn quan hệ lao động xảy ra, người ta thường nghĩ ngay đến vai trò tổ chức công đoàn. Theo đó, Công đoàn Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan trực thuộc Công đoàn Dệt - may Việt Nam nên trách nhiệm chính trong nắm bắt, giải quyết thuộc về Công đoàn Dệt - may Việt Nam.
.jpg)
Với gần 30 năm làm việc tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan, ông Ngô Văn Thiện - một đại diện của người lao động bị chấm dứt hợp đồng, thẳng thắn: “Trước khi quyết định tập trung như thế này trước cổng Công ty, chúng tôi cũng đã gửi kiến nghị rất nhiều lần, đề nghị một cách lịch sự, cởi mở nhưng không được lắng nghe, ghi nhận. Bản thân chủ tịch công đoàn Công ty cũng nằm trong diện bị chấm dứt hợp đồng lao động đợt này, công đoàn cấp trên mà chúng tôi trực thuộc ở tận Hà Nội, làm sao có thể nắm bắt tâm tư người lao động để giải quyết kịp thời? Đây là cách cuối cùng, bất đắc dĩ chúng tôi mới phải tập trung như vậy để thu hút sự chú ý của mọi người, để được lắng nghe và bảo vệ lợi ích chính đáng!”.
Kể từ khi nắm được tình hình bất ổn của công nhân lao động tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan, cùng với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, Liên đoàn Lao động thành phố Vinh đã theo sát sự việc và đồng hành với người lao động.

Chia sẻ về sự việc, ông Thái Lê Cường - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Vinh cho biết: “Để phòng ngừa mâu thuẫn trong quan hệ lao động, các cấp công đoàn cần có sự sát sao, nắm bắt tâm tư, tình hình công nhân lao động. Với những đơn vị trực thuộc công đoàn cấp ngành Trung ương như Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan, vì khoảng cách địa lý xa, việc nắm bắt này khó thực hiện, không thể tránh khỏi những tình huống nằm ngoài kiểm soát. Vì công ty này đóng trên địa bàn TP. Vinh nên theo quy định, chúng tôi có trách nhiệm tham gia giải quyết cùng các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vai trò của chúng tôi cũng chỉ có tính tương đối, không thể nào can thiệp sâu hay đưa ra những giải pháp quyết định được, đây thật sự là một bất cập lớn”.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Liên đoàn Lao động TP. Vinh tham gia giải quyết mâu thuẫn tại công ty này. Năm 2023 và năm 2024, công nhân, lao động trực thuộc doanh nghiệp này đều tổ chức ngừng việc tập thể và những cán bộ Công đoàn TP. Vinh đều nhiều lần đi lại để tham gia đối thoại, cùng tháo gỡ.


Cùng quan điểm với ông Thái Lê Cường, bà Hoàng Thị Thu Hương - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam cho biết: “Tôi từng tham gia giải quyết các vụ việc ở nhiều đơn vị trực thuộc công đoàn ngành Trung ương trên địa bàn tỉnh. Điểm chung ở hầu hết những sự việc này là không được giải quyết dứt điểm dẫn đến thiệt thòi cho người lao động. Một trong những nguyên nhân chính là vì thiếu vắng sự chỉ đạo sát sao của công đoàn cấp trên, “nước xa không cứu được lửa gần” là vì vậy. Để hạn chế tình trạng này, tôi cho rằng cần có sự phối hợp thật chặt chẽ, rõ ràng giữa công đoàn cấp trên ở Trung ương và công đoàn huyện, ngành tại địa phương".

Với thực tế về tình hình an ninh công nhân những năm gần đây, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người lao động, giải quyết mâu thuẫn giữa người lao động và doanh nghiệp ngay từ đầu là rất cần thiết và quan trọng. Để làm được điều đó một cách hiệu quả, cần nghiên cứu, thay đổi để có sự quản lý tốt hơn đối với công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn ngành Trung ương./.