Bản Mồng – đại dự án chưa hẹn ngày về đích!

Liên quan Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, trong tháng 11/2022, Báo Nghệ An có các bài viết “Bản Mồng, lắm tiếng thở dài…”; “Bản Mồng, dự cảm một mối lo”, phản ánh thực trạng đầy bất cập của công tác tái định cư đối với các hộ dân bị thu hồi đất trong phạm vi quy hoạch vùng tích nước của dự án; tình trạng tái lấn chiếm, sử dụng đất Nhà nước đã bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trao đổi với P.V Báo Nghệ An về những nội dung báo đã đề cập, đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An) cho biết, đã có văn bản đề nghị chính quyền và Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Quỳ Châu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, không để tình trạng tái lấn chiếm diện tích đất Nhà nước đã bồi thường giải phóng mặt bằng ở Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Công văn số 118/BQLDA-KH2 về việc quản lý, bảo vệ việc tái lấn chiếm đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An).

Bìa các bài viết “Bản Mồng, lắm tiếng thở dài…”; “Bản Mồng, dự cảm một mối lo” trên báo Nghệ An điện tử.
Bìa các bài viết “Bản Mồng, lắm tiếng thở dài…”; “Bản Mồng, dự cảm một mối lo” trên báo Nghệ An điện tử.

Công văn số 118/ BQLDA-KH2 có nội dung: “UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 627/QĐ-UBND.NN, ngày 10/02/2015, theo đó, UBND huyện Quỳ Châu được giao thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư hạng mục đền bù, di dân, tái định cư (lập quy hoạch, thiết kế và xây dựng khu tái định cư), giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Quỳ Châu thuộc Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Đến nay, trên địa bàn huyện Quỳ Châu đã thực hiện bồi thường cho 1.611 tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tại 11 thôn, bản thuộc xã Châu Bình và 7 thôn, bản tại xã Châu Hội bị ảnh hưởng bởi dự án; 1 bản tại xã Châu Nga (trong đó có 158 hộ phải di dời nhà ở); Ban hành 147 Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với tổng kinh phí phê duyệt là 476,7 tỷ đồng. Đã thu hồi 672 ha đất (trong đó, đất ở 7,4 ha; đất nông nghiệp 664,5 ha).

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Quỳ Châu xuất hiện tình trạng một số hộ gia đình, cá nhân có hành vi tái lấn chiếm sử dụng đất đã được thu hồi và bồi thường giải phóng mặt bằng. Đơn cử tại bản Bình Quang, Bùng Khe Tạng nhiều hộ gia đình sau khi được đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định đã tái lấn chiếm, sử dụng đất vào mục đích trồng keo, mía, ngô …

Vì vậy, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An, kính đề nghị UBND huyện; Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Quỳ Châu xem xét, có giải pháp nhằm ngăn chặn và tổ chức xử lý kịp thời các hành vi tái lấn chiếm trái quy định trong phạm vi ảnh hưởng của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đã được đền bù trên địa bàn huyện, để tránh tình trạng chồng lấn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giảm thiểu thiệt hại cho người dân, đặc biệt, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của dự án”.

Một số hộ dân bản Đồng Phầu, Bình Quang đang sống cuộc sống tạm bợ sau khi bị thu hồi đất. Ảnh: Nhật Lân
Một số hộ dân bản Đồng Phầu, Bình Quang đang sống cuộc sống tạm bợ sau khi bị thu hồi đất. Ảnh: Nhật Lân

Đại diện của chủ đầu tư cũng nhìn nhận dự án chậm tiến độ, các khu tái định cư của dự án chậm được thực hiện, dẫn đến cán bộ và nhân dân trong vùng dự án gặp nhiều khó khăn, nhất là một bộ phận hộ dân bị thu hồi đất chậm được giao đất tái định cư. Tuy nhiên, để giải quyết được những vấn đề này liên quan đến nguồn vốn đầu tư. Mà như vậy thì cần phải chờ Chính phủ cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Vị đại diện trao đổi: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang báo cáo, đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Mới đây, Chính phủ đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên, để xem xét điều chỉnh vốn, Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát lại các thủ tục pháp lý…”.

 Cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước bản Mồng. Ảnh: Thành Duy
Cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước bản Mồng. Ảnh: Thành Duy

Theo UBND huyện Quỳ Châu, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng còn nhiều khó khăn, tồn tại. Cụ thể, như có 382 ngôi mộ tại Nghĩa trang bản Kẻ Khoang chưa bồi thường và di dời do chưa bố trí được nghĩa trang mới. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với một số hộ gia đình tận dụng quỹ đất bằng ven sông, suối, đất hoang (do các đơn vị tổ chức quản lý) để sản xuất đang gặp khó khăn; lý do vì bản đồ đo đạc phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ thể hiện chung một thửa đất.

Có 2 hộ dân thường trú tại bản Bình 3, xã Châu Bình), nhưng nhận đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích là 38.557 m2 tại khu vực Bình Quang. Tuy nhiên, tại thời điểm giao đất thì 2 hộ dân này là cán bộ xã, việc giao đất được xác định là không đúng đối tượng theo quy định tại Nghị định 64/NĐ-CP (UBND huyện đã thanh, kiểm tra có kết luận tại Văn bản số 262/KL-UBND ngày 02/6/2017). Quá trình giải phóng mặt bằng ngoài thực địa thì có một số hộ gia đình, cá nhân cư trú tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp đang sản xuất, canh tác nông nghiệp ổn định trên diện tích 38.557 m2 này. Vì vậy, UBND huyện lập hồ sơ, chỉ đền bù tài sản trên đất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các hộ gia đình, cá nhân ở xã Yên Hợp không thống nhất phương án bồi thường tài sản trên đất mà đề nghị phải bồi thường đất thì các hộ gia đình, cá nhân mới bàn giao mặt bằng.

Hiện nay, hồ sơ trích lục, trích đo thửa đất phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng một số hạng mục phê duyệt chậm, một số hạng mục công trình phát sinh, đền bù ngắt quãng làm ảnh hưởng tới công tác thông báo thu hồi đất và tiến độ lập hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng; Nguồn vốn không giao cho chủ đầu tư (huyện Quỳ Châu), không phân bổ theo quy định để chủ đầu tư tự chủ trong công tác xây dựng kế hoạch thực hiện; Tiến độ xây dựng khu tái định cư sau đập phụ 1 đang phụ thuộc vào tiến độ ngăn dòng đập phụ 1; Khu tái định cư dốc 77 có độ dốc quá lớn (12%) cần phải cải tạo; Các khu sản xuất chưa được thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng…

Nhà tạm, cây trồng mới trên đất Nhà nước đã thu hồi, giải phóng mặt bằng. Ảnh: Nhật Lân
Nhà tạm, cây trồng mới trên đất Nhà nước đã thu hồi, giải phóng mặt bằng. Ảnh: Nhật Lân

Để giải quyết những khó khăn, tồn tại này, UBND huyện Quỳ Châu đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Trung ương và các bộ, ngành liên quan bố trí nguồn vốn đầu tư dứt điểm. Đề nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi một phần diện tích đất của Lâm trường Cô Ba (khoảng 2 ha) để làm nghĩa trang mới cho bản Kẻ Khoang. UBND huyện Quỳ Châu cũng đề nghị Ban Quản lý dự án cấp tỉnh khẩn trương bàn giao hồ sơ đo đạc bản đồ địa chính phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo cao trình 76.4, để UBND huyện có căn cứ phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định; phân bổ nguồn kinh phí riêng cho chủ đầu tư huyện Quỳ Châu để chủ động trong công tác thực hiện và giải ngân; đẩy nhanh tiến độ xây dựng ngăn dòng đập phụ 1 để huyện có mặt bằng thi công khu tái định cư sau đập phụ 1; cho phép điều chỉnh dự án tái định cư dốc 77 theo quy hoạch xây dựng, đưa độ dốc nền từ 12% xuống 3%; cho phép giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng các khu sản xuất…

Đề cập đến những khó khăn, tồn tại, vướng mắc ở Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu, ông Vương Quang Minh cũng đã nói rằng: “Thời gian qua, đã có rất nhiều cuộc tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội với cử tri huyện Quỳ Châu. Và lần nào huyện cũng đề xuất, kiến nghị về vấn đề này lên các đại biểu Quốc hội. Phải nói thẳng là dự án kéo dài hơn 10 năm trời, nên cán bộ và nhân dân huyện Quỳ Châu đã quá mệt mỏi. Mới đây nhất, trước kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh, với trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh, tôi cũng kiến nghị với tỉnh, kiến nghị với Trung ương là cần phải có phương án xử lý dứt điểm đối với Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Bởi vì dù vấn đề này đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa có biện pháp giải quyết thì vẫn phải tiếp tục kiến nghị…”.