Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An: Dấu ấn và kỳ vọng

Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 85/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007 với diện tích 18.826ha; sau hai lần được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh ranh giới (tại Quyết định số 67/2014/QĐ-TTg ngày 04/12/2014 và Quyết định số 10/2015/QĐ-TTg ngày 03/4/2015), Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An được mở rộng diện tích lên 20.776ha, trên địa bàn 26 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên; thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh.

Ngoài Khu Kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An còn có 06 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh mục các khu công nghiệp cả nước, tổng diện tích 1.660ha; thuộc địa bàn thành phố Vinh, các huyện: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn; thị xã Thái Hòa.

Ngày 30/8/2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1150/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An, là cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Nghệ An; có chức năng tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát triển Khu Kinh tế Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An. UBND tỉnh Nghệ An đã quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, bộ máy và biên chế của Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An ở từng thời kỳ (hiện nay là Quyết định số 36/2021/QĐ-UBND ngày 15/10/2021).

Đến tháng 8 năm 2022, Khu Kinh tế Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An có 274 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 96.550 tỷ đồng tương đương 4,17 tỷ USD; trong đó có 61 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký 1,9 tỷ USD, chiếm khoảng 87% tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh Nghệ An; có 213 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 53.207 tỷ đồng. Hiện có 132 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 35.000 lao động với thu nhập bình quân trên 7.000.000 đồng/người/tháng; hằng năm đóng góp khoảng 13% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Hạ tầng Khu Kinh tế Đông Nam dần hoàn thiện chào đón các nhà đầu tư. Ảnh: Thành Cường
Hạ tầng Khu Kinh tế Đông Nam dần hoàn thiện chào đón các nhà đầu tư. Ảnh: Thành Cường

Có được những kết quả nêu trên, chính là được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, trọng tâm, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp có trách nhiệm của các sở, ngành và địa phương liên quan; đặc biệt là sự vào cuộc tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An, không ngừng cải cách, đổi mới thiết thực và hiệu quả trong các lĩnh vực công tác để tăng cường thu hút đầu tư và ngày càng củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh nói chung và trong Khu Kinh tế Đông Nam, các KCN nói riêng; nhất là các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, như: Công ty TNHH VSIP Nghệ An, Công ty CP WHA Industrial Zone Nghệ An, Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt đã ngày càng tin tưởng và triển khai có hiệu quả các dự án: Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, Khu Công nghiệp WHA Nghệ An giai đoạn 1 và 2, Khu Công nghiệp Hoàng Mai 1 để giải quyết được “điểm nghẽn” về hạ tầng khu công nghiệp của tỉnh Nghệ An, nhằm đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư thứ cấp có chất lượng cao. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng cao, cơ hội và thách thức đan xen, công tác phát triển Khu Kinh tế Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng khẳng định vai trò động lực chính trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An. Kết quả nổi bật trên một số mặt sau đây:

Thứ nhất, bổ sung Dự án KCN, Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An (750ha) và KCN Hoàng Mai, Đông Hồi (1.200ha) vào Khu Kinh tế Đông Nam để được hưởng chính sách ưu đãi trong khu kinh tế (theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020).

Ảnh trên xuống, trái sang: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm dây chuyền sản xuất tại Công ty LuxShare ICT ở KCN VSIP Nghệ An; kiểm tra tiến độ thực hiện dự án tuyến đường N5, đoạn 2 và Dự án nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF trong KCN Tri Lễ. Ảnh: Duy - Bằng
Ảnh trên xuống, trái sang: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm dây chuyền sản xuất tại Công ty LuxShare ICT ở KCN VSIP Nghệ An; kiểm tra tiến độ thực hiện dự án tuyến đường N5, đoạn 2 và Dự án nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF trong KCN Tri Lễ. Ảnh: Duy - Bằng

Thứ hai, cơ bản hoàn thành việc lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng, khu công nghiệp theo quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam, Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An.

Thứ ba, hệ thống hạ tầng thiết yếu Khu Kinh tế Đông Nam được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, kết nối với các tuyến đường giao thông quốc gia và cảng Cửa Lò, bước đầu đáp ứng yêu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thứ tư, ngoài các khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động từ trước như KCN Bắc Vinh, KCN Nam Cấm, thời gian gần đây (từ sau năm 2015 đến nay) đã định hình và phát triển các khu công nghiệp mới với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại như KCN, Đô thị và Dịch vụ VSIP, KCN WHA và KCN Hoàng Mai I, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư có trọng tâm và môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.

Thứ năm, đã thu hút một số dự án có quy mô lớn của các tập đoàn, tổng công ty trong nước và thế giới như: VSIP, WHA, Luxshare-ICT, Everwin Precision, Goertek, JuTeng; các Tập đoàn Hoa Sen, The Vissai, Masan, Thiên Minh Đức…, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, tăng nhanh kim ngạch xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm và nguồn thu NSNN. Đặc biệt từ năm 2019 đến nay, đã có một số tập đoàn FDI trong lĩnh vực công nghệ, tạo cơ sở hình thành trung tâm phát triển sản xuất sản phẩm điện tử, thiết bị công nghệ cao tại Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An.

Thứ sáu, việc phát triển Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố tạo động lực phát triển kinh tế, hình thành các khu đô thị, dịch vụ mới, thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa của các địa phương.

Thứ bảy, công tác cải cách hành chính, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực; môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt và ngày càng hấp dẫn.

Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: Tùng - Duy
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: Tùng - Duy

Tiếp tục đổi mới và phát triển Khu Kinh tế Đông Nam thành khu vực phát triển kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc Trung Bộ, trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, Đông Hồi. Tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu:

Giai đoạn 2021 – 2025

Mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam từ 20.776ha lên 105.850ha, trong đó quỹ đất phát triển khu công nghiệp khoảng 15.000ha; Quy hoạch phát triển 10 – 12 khu công nghiệp ngoài KKT Đông Nam với diện tích khoảng 4.759ha.

Tập trung bố trí ngân sách và thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp khoảng 20.000 tỷ đồng. Các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường đến năm 2025 đạt 100%; 100% các cơ sở sản xuất được cấp giấy phép môi trường.

Toàn cảnh Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Toàn cảnh Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Thu hút đầu tư trên 100 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 90.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng 2,50 tỷ USD; Vốn đầu tư thực hiện ước đạt trên 60%. Thu ngân sách trong Khu Kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp đến năm 2025 chiếm từ 20 – 25% tổng thu ngân sách toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 80.000 người, đáp ứng khoảng 25 – 30% nhà ở cho công nhân các KCN.

Giai đoạn 2026 – 2030

Phát triển thêm từ 3 – 5 khu công nghiệp có hạ tầng đồng bộ, diện tích khoảng 1.800 – 2.000ha.

Thu hút đầu tư trên 130 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 120.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng 3,67 tỷ USD.

Phấn đấu đến năm 2030, thu ngân sách trong Khu Kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp chiếm khoảng 45 – 50% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; giải quyết việc làm cho khoảng 180.000 người.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt. Ảnh: Phạm Bằng
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt. Ảnh: Phạm Bằng

Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng nêu trên, Ban Quản lý KKT Đông Nam đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung triển khai trong thời gian tới, như sau:

Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển Khu Kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn đến năm 2030; Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và hậu cần cảng biển; chính sách hỗ trợ người lao động mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong khu kinh tế, các khu công nghiệp.

Triển khai kịp thời Thông báo số 244/TB-VPCP ngày 11/8/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, trọng tâm là lập đề án mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam; chấp thuận chủ trương đầu tư 02 dự án Khu Công nghiệp Thọ Lộc, Hoàng Mai 2 và hoàn thành thủ tục để khởi công dự án cảng nước sâu Cửa Lò vào quý 4/2022.

Bãi biển thuộc xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc - nơi sẽ xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò. Ảnh: Thành Duy
Bãi biển thuộc xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc - nơi sẽ xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò. Ảnh: Thành Duy

Triển khai lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng, khu công nghiệp phục vụ quản lý, thu hút đầu tư sau khi Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Khu Kinh tế Đông Nam đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chỉ đạo thực hiện hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên đầu tư hoàn thành các dự án chuyển tiếp N2, N5, N5 đoạn 2, D4; các dự án hạ tầng trọng điểm; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển và nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.

Nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm với những đối tác, ngành nghề, dự án ưu tiên đầu tư hợp lý, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.

Phối hợp với các sở và địa phương liên quan lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo chỉ tiêu phân bổ đất khu công nghiệp, đất các khu chức năng đáp yêu cầu phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp. Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2022 – 2030, trọng tâm là hoàn thành các nhà máy xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp.

Lãnh đạo Công đoàn KKT Đông Nam trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2021. Ảnh: Diệp Thanh
Lãnh đạo Công đoàn KKT Đông Nam trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2021. Ảnh: Diệp Thanh

Tăng cường công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, tập trung rà soát, ban hành quy trình thủ tục đầu tư vào khu kinh tế và các khu công nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 có trên 70% TTHC được giải quyết ở mức độ 3, 4; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành; số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý và hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An luôn xác định nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân là bạn, là đối tác trung tâm để hợp tác, hỗ trợ và phục vụ theo phương châm:

“Điều bạn mong muốn, chúng tôi đáp ứng
Việc bạn khó khăn, chúng tôi hỗ trợ
Bạn đạt thành công, chúng tôi vui mừng
Thấu hiểu đồng hành, hợp tác phát triển”

Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An tăng cường đoàn kết, quyết tâm cao, hành động thực chất, tiếp tục đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp để hiện thực hóa mục tiêu: Phát triển Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trở thành động lực chính về tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An.

Một góc Khu công nghiệp WHA nằm trong Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: PV
Một góc Khu công nghiệp WHA nằm trong Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: PV