Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An họp phiên thường kỳ tháng 4/2024
(Baonghean.vn) - Sáng 2/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4/2024. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì.
Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số sở, ngành.
HOÀN THÀNH SẮP XẾP 8/12 CÔNG TY NÔNG, LÂM NGHIỆP
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014 và Kết luận số 82-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Năm 2014, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 12 công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp, đổi mới, gồm: 5 công ty lâm nghiệp và 7 công ty nông nghiệp.
Trên cơ sở phương án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay Nghệ An đã hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới 8/12 công ty.
Theo đó, 4 công ty lâm nghiệp gồm: Sông Hiếu, Tương Dương, Đô Lương, Con Cuông được sắp xếp, đổi mới theo hướng duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu theo mô hình công ty TNHH MTV nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quỳnh Lưu đã được sáp nhập với Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu để hình thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An.
Đồng thời, 3 công ty là: Công TNHH MTV nông, công nghiệp 3/2, Công ty TNHH MTV nông nghiệp sông Con, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Hiện nay, còn Công ty TNHH MTV cà phê, cao su chưa cổ phần hóa và 3 công ty TNHH MTV nông nghiệp là: 1/5 Nghệ An, Xuân Thành, An Ngãi chưa chuyển đổi thành công ty TNHH 2TV như phương án được phê duyệt.
Tổng diện tích đất 4 công ty lâm nghiệp, 7 công ty nông nghiệp đang quản lý hơn 64.385ha; đồng thời đã thu hồi, bàn giao lại cho địa phương quản lý tổng cộng hơn 12.794ha.
Tại cuộc làm việc, ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong quá trình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An đã phân tích sâu các khía cạnh đặt ra từ thực tiễn và chỉ rõ 5 tồn tại cần giải quyết liên quan đến quản lý đất đai; giải quyết mâu thuẫn giữa nông, lâm trường và người dân; chuyển đổi mô hình sản xuất; quản lý của Nhà nước gắn với công tác phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và tăng vốn điều lệ.
Trên cơ sở đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, việc giải quyết các vấn đề trên cần tiếp cận với quan điểm không nóng vội, mà cần có cách nhìn toàn diện và trọng điểm.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế trong mô hình quản lý, hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; việc trả đất về cho địa phương để bàn giao cho người dân… qua đó đề nghị cần tiếp tục xử lý từng phần một rất cụ thể, tránh gây điểm nóng trên địa bàn.
ĐÁNH GIÁ RÕ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG SAU SẮP XẾP
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý thống nhất với ý kiến trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy là đến thời điểm này so với mặt bằng chung của cả nước Nghệ An thực hiện tương đối tốt việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp theo đúng chủ trương của Đảng và phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An, chủ trương của Đảng bên cạnh đặt ra yêu cầu sắp xếp còn chỉ rất rõ nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An bày tỏ trăn trở, băn khoăn khi vẫn chưa có mô hình, giải pháp để phát huy hiệu quả cao nhất quỹ đất hàng chục ngàn ha cho các công ty nông, lâm nghiệp quản lý.
Trên cơ sở đó, đồng chí giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, mà trọng tâm là ngành Nông nghiệp cần đánh giá sâu hơn hiệu quả hoạt động sau sắp xếp của các công ty nông, lâm nghiệp trên các khía cạnh như: diện tích đất quản lý, số lao động được giải quyết việc làm, thu nhập, đóng ngân sách Nhà nước…
Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nêu rõ quan điểm, đối với diện tích nào cần bàn giao lại cho địa phương để giao đất cho người dân thì phải dứt khoát giao đất cho dân. Mặt khác, cần nghiên cứu tham mưu giải pháp để các chủ thể, thành phần khác có nguồn vốn lớn, năng lực quản trị, nhân lực, công nghệ có thể thuê quỹ đất các công ty, nông lâm trường sản xuất nhằm phát huy nguồn lực đất đai đạt hiệu quả cao nhất.
“Đồng ý đây là vấn đề khó, nhạy cảm, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các quyết sách nhưng không phải khó quá mà “đóng khung” lại để đó”, Bí thư Tỉnh ủy nói, thêm rằng Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần tiếp thu các ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để hoàn thiện báo cáo theo hướng đánh giá toàn diện cả về kết quả sắp xếp và hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, gắn với các đề xuất cụ thể để báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến thời gian tới.
Cũng trong chương trình làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về chủ trương tiếp nhận khoản viện trợ: Tổ chức Project Orbis International, Inc tài trợ các phi dự án tiếp nhận thiết bị chụp hình đáy mắt cho Bệnh viện Nội tiết Nghệ An và Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An; Hiệp hội Chấn hưng Thương mại hóa Công nghệ Hàn Quốc chi nhánh tại Việt Nam phối hợp cùng nhóm Chia sẻ tình yêu nhỏ Hà Nội tài trợ dự án “Chia sẻ tình yêu nhỏ” và nhiều nội dung quan trọng khác.