Báo chí và doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới
(Baonghean.vn) - Nằm trong chuỗi các hoạt động tại Hội Báo toàn quốc 2019, chiều 16/3, Diễn đàn Báo chí – cầu nối doanh nghiệp và Chính phủ với chủ đề: "Báo chí, Doanh Nghiệp trong kỷ nguyên CPTPP" đã diễn ra tại Bảo tàng Báo chí Hà Nội.
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Như Biển |
Diễn đàn do Hội Nhà báo Việt Nam, UBND TP.Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp thực hiện.
Tham dự có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, đại diện các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí.
Kỷ nguyên CPTPP tạo cơ hội cho doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc, Nhà báo Mai Đức Lộc - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, đồng hành cùng đất nước, Chính phủ trong thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước là một trong những sứ mệnh của báo chí. Đây là diễn đàn của quần chúng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, giữa Chính phủ với doanh nghiệp.
Nhà báo Mai Đức Lộc phát biểu khai mạc. Ảnh: Như Biển |
Trong giai đoạn hiện nay việc phát triển doanh nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và dành những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về “hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”. Nghị quyết được giới doanh nhân và xã hội đánh giá cao, xem đây là một bước của cuộc cách mạng, tạo thế và lực cho nền kinh tế đất nước.
Đặc biệt, trong quá trình hội nhập quốc tế, nhất là từ khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), báo chí càng có vai trò to lớn trong việc sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua các rào cản để hội nhập thành công.
Ông Mạc Quốc Anh - PCT kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội phát biểu ý kiến. Ảnh: Như Biển |
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đã đi sâu vào phân tích, làm rõ mối quan hệ tương tác giữa báo chí - doanh nghiệp - Chính phủ.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần có khái niệm đúng về việc Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, tăng hiệu quả của sự hỗ trợ. Theo ông, hiện nay có nhiều tuyến chính sách ưu đãi của Chính phủ: khuyến khích doang nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp... Ông cũng cho rằng, muốn tạo ra môi trường kinh doanh tốt Chính phủ cần phải tháo gỡ những “trói buộc” cho doanh nghiệp, nhất là về mặt văn bản, giảm các chi phí khác…
Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, đại diện Bộ Công thương đã chia sẻ những cơ hội mà CPTPP đem lại cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó Khối CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân, chiếm trên 13% GDP toàn cầu. Việc cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại sẽ là động lực, đồng thời tạo áp lực để đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận được một thị trường rộng lớn.
Nhà báo Lê Xuân Sơn - TBT Báo Tiền Phong tham gia ý kiến tại diễn đàn. Ảnh: Như Biển |
Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng, bên cạnh những điểm sáng, bức tranh môi trường kinh doanh vẫn còn những vết mờ, cải cách ở nhiều lĩnh vực còn chậm và chưa thực chất, vẫn còn đang dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới...
Báo chí - cầu nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp
Trên tinh thần đó, để làm tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ, báo chí cần tự thân đổi mới, cập nhật công nghệ, đa dạng hóa cách thức truyền thông, tuyên truyền hiệu quả hơn.
Báo chí cần đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phản ánh, chia sẻ những khó khăn, bất cập, rào cản của môi trường kinh doanh, phản ánh những nhu cầu nội tại của doanh nghiệp. Đặc biệt là những thách thức của việc kinh doanh trong môi trường công nghệ 4.0.
Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Kinh tế Việt Nam trao hoa và kỷ niệm chương cho các doanh nghiệp. Ảnh: Như Biển |
Báo chí tích cực phản ánh các vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa trong kiểm tra chuyên ngành, giám sát hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ, công chức khi thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ; cổ vũ doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu; đồng thời đóng góp phần phanh phui những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lên án những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, lừa đảo, tác động xấu đến xã hội, thực sự góp phần làm cho môi trường kinh doanh trong sạch hơn và phát triển hơn.
Ngày 8/3/2018, Việt Nam đã cùng 10 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thành phố San-ti-a-gô, Chi-lê.
Đến ngày 30/12/2018, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc.
Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12/11/2018. Theo đó, Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam.