Báo chí và sứ mệnh bảo vệ Đảng, bảo vệ sự nghiệp cách mạng toàn dân
Những ngày này, trong rực rỡ muôn sắc hoa chào mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, xã hội có dịp tôn vinh đội ngũ những người làm báo dám xả thân vì sự nghiệp, sẵn sàng có mặt ở mọi nơi, mọi lúc để kịp thời thông tin những vấn đề nóng bỏng của đất nước đến công chúng. Gần một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng trưởng thành, là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, là vũ khí sắc bén bảo vệ Đảng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, nhiều người thường nói vui, tháng 6 là tháng của những người làm báo. Bởi trong tháng này có một ngày lễ trọng, nhắc nhớ đội ngũ những người làm báo về lịch sử vẻ vang của nền Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.
Với sự kiện ra mắt số đầu tiên của báo Thanh Niên ngày 21/6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt viên gạch đầu tiên xây nên nền móng cho sự hình thành, phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam - một nền báo chí mang sứ mệnh cao cả là đồng hành cùng sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Trải qua mấy mươi năm kháng chiến chống thực dân - đế quốc, báo chí Việt Nam ghi nhận và tôn vinh bao tấm gương nhà báo vừa cầm bút vừa cầm súng chiến đấu, bất chấp gian khổ hy sinh, hiến dâng cả đời mình cho cách mạng.
Thời bình, bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, báo chí tiếp tục là cầu nối đưa đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, tuyên truyền cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, động viên mọi tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Với chức năng phát hiện, thông tin, giám sát, phản biện, báo chí nước ta là diễn đàn để người dân phát huy quyền làm chủ, đóng góp tâm trí, sức lực của mình cho đất nước; là lực lượng xung kích trên mặt trận đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ.
Đặc biệt, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đến nay, báo chí càng phát huy vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Không chỉ các cơ quan báo chí Trung ương mà hầu hết báo Đảng, Đài PT-TH địa phương đều có chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, thu hút sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của đông đảo các nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội với nhiều tác phẩm báo chí đặc sắc, có sức lan tỏa sâu rộng, trở thành "vũ khí lý luận sắc bén" nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Đồng thời nhân lên những tấm gương người tốt, việc tốt với tinh thần "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy xây dựng để chống suy thoái"…
Báo chí đã thực sự trở thành lực lượng tích cực trong cuộc đấu tranh xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo lớn của nền báo chí Cách mạng từng nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số đang trở thành chuyện sống còn của các cơ quan báo chí, truyền thông và cũng là của mỗi nhà báo, để vừa phục vụ tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu thông tin của công chúng, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại, vừa nâng cao trình độ, nghiệp vụ cũng như giúp đội ngũ nhà báo giữ được mình.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí là xây dựng và phát triển nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Trong đó, tính nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí. Nhân văn để có sức mạnh bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của xã hội.
Thật có lý khi cho rằng nhà báo là người hạnh phúc vì có cơ hội được đối thoại nhiều nhất với công chúng về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm... Để làm được điều đó, mỗi nhà báo luôn tự phấn đấu, học tập, trang bị cho mình một lượng kiến thức phong phú, rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ, thực sự chuyên tâm "rèn bút, luyện nghề" với tâm thế "bút sắc, lòng trong, trí sáng", "phò chính, trừ tà", đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu xuyên tạc, sai trái, hoàn thành trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của người cầm bút chân chính./.