Cảnh 4 năm 'sống tạm' của người dân sau lệnh di dời khẩn cấp ở Tương Dương

Công Kiên - 14/10/2022 06:42
(Baonghean.vn) -   Trận lũ trên sông Nậm Nơn năm 2018 đã khiến hàng chục gia đình ở xã Lượng Minh (Tương Dương) bị mất nhà cửa do sạt lở đất, buộc phải di dời khẩn cấp. Đã 4 năm trôi qua nhưng cuộc sống vẫn bộn bề thiếu thốn; thậm chí hơn 10 hộ vẫn chưa có đất ở để di dời, phải sinh sống trong túp lều tạm bợ.

Những mái lều chênh vênh

Trở lại xã Lượng Minh (Tương Dương), điều khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ là nhiều gia đình bị ảnh hưởng nặng nề của của trận lũ lịch sử năm 2018, có nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất vẫn chưa di dời đến các khu tái định cư. Vẫn còn đó những túp lều bên bờ sông Nậm Nơn, bên trong là cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn đủ bề.

Gia đình bà Vi Thị Lan nằm trong số 12 hộ ở bản Lạ thuộc diện phải di dời khẩn cấp do ảnh hưởng của đợt lũ tháng 8/2018. Ngôi nhà cũ đã bị đổ sập do sụt lún trong khi chưa có đất tái định cư, gia đình bà Lan phải dựng tạm túp lều trên nền đất cũ. Ảnh: Đình Tuyên

Gia đình bà Vi Thị Lan nằm trong số 12 hộ ở bản Lạ thuộc diện phải di dời khẩn cấp do ảnh hưởng của đợt lũ tháng 8/2018. Ngôi nhà cũ đã bị đổ sập do sụt lún trong khi chưa có đất tái định cư, gia đình bà Lan phải dựng tạm túp lều trên nền đất cũ.

Dựa vào bức tường còn sót lại và dựng thêm mấy cây gỗ tạp để đỡ mấy tấm tôn, xung quanh được quây bằng bạt, túp lều của bà Lan trông hết sức tạm bợ và ngổn ngang. Chỉ cần một trận mưa lớn là nước dột, tràn khắp nơi, khiến toàn bộ đồ đạc bên trong bị ướt và một trận gió mạnh sẽ tốc hết những tấm bạt quây quanh. Mưa kéo dài, nước sông có dấu hiệu dâng cao, cả gia đình mất ăn, mất ngủ, thay nhau theo dõi mực nước để kịp thời sơ tán.

Mẹ chồng của bà Lan đã trên 80 tuổi, suốt ngày ngồi trên chiếc giường, xung quanh trống huơ trống hoác, đôi mắt già nua hướng ra mặt sông như chờ đợi một điều gì. Ảnh: Đình Tuyên

So với những hộ cùng cảnh ngộ, gia đình bà Lan có phần khó khăn hơn khi các thành viên đều già yếu, bệnh tật. Cách đây không lâu, chồng của bà qua đời sau một thời gian lâm bệnh. Người dân bản Lạ vẫn còn nhớ hôm đưa tang chồng bà Lan trời sầm sập đổ mưa, chiếc quan tài đặt trong túp lều bị ướt vì dột, người nhà cũng ướt từ đầu đến chân.

Những người đến đưa tang chứng kiến cảnh ấy không ai cầm nổi nước mắt vì thương người quá cố đã đành, thương cả người đang sống phải tiếp tục chịu cảnh sống tạm bợ. Hiện mẹ chồng của bà Lan đã trên 80 tuổi, suốt ngày ngồi trên chiếc giường, xung quanh trống huơ trống hoác, đôi mắt già nua hướng ra mặt sông như chờ đợi một điều gì.

Gia đình ông Lô Văn Toàn dựng mái lều ở tạm tại khu tái định cư ở bản Lạ. Ảnh: Đình Tuyên

Bà Vi Thị Lan trải lòng: “Đã hơn 4 năm trôi qua, gia đình sống trong cảnh ngổn ngang, chật hẹp, luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo âu và đợi chờ, hy vọng. Chỉ mong sớm có một nền đất dựng ngôi nhà nhỏ để có chỗ ăn ở tươm tất hơn…”.

Leo qua một con dốc khá dài, chúng tôi lên khu tái định cư của bản Lạ nằm ở lưng chừng núi. Một vài hộ đã bắt đầu xây móng và tường nhà nhưng gặp khó khăn về nguồn nước phục vụ xây dựng. Do chưa đủ kinh phí làm nhà, gia đình ông Lô Văn Toàn lên đây dựng một túp lều quá mức tạm bợ với mấy tấm tôn gác trên cọc chống, xung quanh quây bạt, chiếu rách và bao tải, phía trước vẫn còn trống trơn.

Cảnh ngổn ngang, bề bộn trong mái lều của gia đình ông Lô Văn Toàn. Ảnh: Đình Tuyên

Vị trí đặt bếp của gia đình ông Toàn giữa “4 bề gió lộng”. Ảnh: Đình Tuyên

Bên trong ngổn ngang các loại đồ đạc và can nhựa dùng đựng nước. Bé Lô Thị Bún My (con gái ông Toàn) cho biết: “Đêm cháu không thể ngồi học được lâu, vì gió lùa vào rất lạnh, lại không có bàn để ngồi, ngồi học trên giường rất nhanh mỏi”.

Ở các bản thuộc xã Lượng Minh nằm dọc sông Nậm Nơn, cảnh người dân sinh sống trong những mái lều chênh vênh không phải là hiếm. Bởi hơn 4 năm qua, hàng chục gia đình phải chấp nhận cảnh sống tạm bợ để chờ đợi được di dời đến chỗ ở mới an toàn hơn.

Mong sớm ổn định cuộc sống

Theo ông Vi Đình Phúc – Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, trận lũ lịch sử năm 2018 khiến 31 hộ ở các bản Minh Phương, Xốp Mạt, Lả và bản Côi bị sạt lở, cuốn trôi nhà cửa. Cùng thời gian đó, việc xây dựng công trình Thủy điện Nậm Nơn buộc 34 hộ phải di dời do nguy cơ ngập nước.

Trước tình hình đó, Chính phủ thống nhất cho xây dựng hai khu tái định cư cho các hộ thuộc hai đối tượng là các hộ bị ảnh hưởng lũ lụt và các hộ bị ảnh hưởng do xây dựng Thủy điện Nậm Nơn.

Mặt bằng khu tái định cư ở bản Lạ cơ bản đã hoàn thành. Ảnh: Đình Tuyên

Địa hình xã Lượng Minh chủ yếu là núi cao, người dân chủ yếu cư trú dọc các sông, suối nên việc tìm kiếm mặt bằng, xây dựng khu tái định cư không dễ dàng. Sau khi khảo sát, huyện Tương Dương đã lựa chọn được 2 điểm san lấp mặt bằng để xây dựng hai khu tái định cư.

Khu thứ nhất ở bản Minh Phương có 17 lô đất cho 17 hộ bị ảnh hưởng bởi trận lũ tháng 8/2018 (trong khi tổng số hộ bị ảnh hưởng là 31, tức là thiếu 14 lô đất). Năm 2020, khu tái định cư này hoàn thành và tổ chức cho người dân bốc thăm chọn lô đất.

Một số hộ đã xây dựng nhà ở tại khu tái định cư bản Lạ. Ảnh: Đình Tuyên

Nhưng ngay sau đó, bão và mưa lớn đổ xuống liên tục khiến ta-luy, bờ kè bị sụt lún và xuất hiện vết nứt. Qua kiểm tra, lãnh đạo tỉnh yêu cầu tạm dừng việc di dời để khảo sát lại địa chất, khi có kết luận đảm bảo an toàn mới để người dân đến ở.

Cũng theo ông Phúc, tháng 7/2022, sau khi khảo sát, các chuyên gia địa chất cho rằng, ở khu vực này chỉ trượt lở phần mái, không ảnh hưởng đến bề sâu nên có thể tiếp tục xây dựng khu tái định cư. Nhưng đến nay cấp trên vẫn chưa chỉ đạo địa phương tổ chức di dời cho người dân đến nơi ở mới.

Khu tái định cư ở bản Lạ đã xây dựng đường giao thông, hệ thống điện lưới và bể chứa nước sinh hoạt. Ảnh: Đình Tuyên

Tính đến nay, có 11/17 hộ xin di dời tự do đến các địa điểm khác, trong số 6 hộ còn lại đã có 2 hộ dựng nhà và chuyển đến sinh sống tại khu tái định cư.

Điều đáng nói là ở bản Lạ có 12 hộ nằm trong số 31 hộ thuộc diện di dời khẩn cấp do ảnh hưởng nghiêm trọng của trận lũ tháng 8/2018. Trong khi khu tái định cư ở bản Minh Phương chỉ có 17 lô nên 14 hộ này chưa có đất để di dời, hiện vẫn phải ở trên nền đất cũ trong nỗi thấp thỏm, lo âu.

Một góc khu tái định cư ở bản Minh Phương. Ảnh: Công Kiên

Theo tính toán cơ học, khu tái định cư ở bản Minh Phương hiện vẫn còn 11 lô đất (của 11 hộ không có nhu cầu ở vì họ đã mua đất nơi khác hợp lý hơn, nhưng do các hộ này đã bắt thăm trúng và đương nhiên, họ vẫn muốn giữ quyền lợi của mình tại khu tái định cư).

Khu tái định cư thứ hai được xây dựng ở bản Lạ có đủ 34 lô đất cho 34 hộ phải di dời do xây dựng Thủy điện Nậm Nơn. Đến thời điểm hiện tại cơ bản đã hoàn thành, các hạng mục như đường giao thông, điện lưới và bể nước đã được xây dựng, một số hộ đã tập kết nguyên, vật liệu và xây móng nhà.

Vì những vướng mắc, bộn bề trong việc di dời, tái định cư nên nhiều hộ vẫn đang phải cư trú trong những túp lều chênh vênh, tạm bợ. Ảnh: Đình Tuyên

Nhưng do thời gian thi công quá dài, 14/34 hộ đã chủ động tìm kiếm địa điểm và di dời đến nơi ở mới, còn lại 20 hộ có nhu cầu tái định cư, nghĩa là ở đây đang thừa 14 lô đất. Chính quyền địa phương muốn ghép 12 hộ ở bản Lạ chưa có đất ở vào khu tái định cư di dời do xây dựng thủy điện nhưng không được chấp nhận, vì không thuộc đối tượng thực hiện của dự án.

Vì những vướng mắc, bộn bề vừa nêu nên nhiều hộ vẫn đang phải cư trú trong những túp lều chênh vênh, tạm bợ. Trong hơn 4 năm đã có 8 người qua đời trong những túp lều này…

“Sau 4 năm triển khai xây dựng 2 khu tái định cư cho người dân trên địa bàn, việc di dời đều đang ngổn ngang, bề bộn và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là khó khăn về thiếu mặt bằng, thiếu kinh phí, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, đặc biệt là khu tái định cư ở Minh Phương người dân vẫn chưa nhận được thông báo kết quả thăm dò địa chất, chưa rõ ở được hay không ở được. Rất mong các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo và tháo gỡ để người dân sớm ổn định cuộc sống”.

Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh (Tương Dương)

Ngổn ngang tại các khu tái định cư ở xã Lượng Minh (Tương Dương). Clip: Công Kiên - Đình Tuyên

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO