Bảo hiểm nghề cá - 'phao cứu sinh' cho ngư dân

22/02/2017 08:07

(Baonghean) - Khai thác thủy sản (KTTS) là nghề truyền thống cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng lại là nghề lao động vất vả, tỷ lệ rủi ro cao. Do vậy, bảo hiểm thuyền viên và tàu cá là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ, giảm thiểu mất mát cho ngư dân khi xảy ra sự cố trên biển.

Ưu đãi cho ngư dân tham gia bảo hiểm

Nghề cá đòi hỏi chi phí đầu tư cao, trong khi ngư dân lại thường không có nhiều vốn. Thế nên nhiều người thế chấp nhà cửa để vay vốn góp lại cùng đóng tàu cá; có những tàu có trên 15 người góp vốn. Ở những tàu này thuyền viên hầu như không mua bảo hiểm; còn bảo hiểm tàu cá lại lên đến hàng chục triệu đồng mỗi năm cũng là quá cao đối với họ.

Để giải quyết khó khăn trong nghề cá, đồng thời tạo niềm tin đối với ngư dân, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị định số 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, ngư dân sẽ được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho tàu khai thác thủy sản xa bờ, có công suất máy chính 90CV trở lên với mức hỗ trợ 100% đối với bảo hiểm thuyền viên, 70% bảo hiểm đối với tàu từ 90CV đến dưới 400CV và 90% bảo hiểm đối với tàu từ 400CV trở lên. Chính sách ưu đãi này góp phần gỡ khó cho người dân trong vấn đề tham gia và thanh toán bảo hiểm; đồng thời phát huy tốt vai trò “phao cứu sinh” cho ngư dân tham gia khai thác hải sản trên biển.

Tàu cá rời bến lạch Quèn vươn khơi. Ảnh: Quang An
Tàu cá rời bến lạch Quèn vươn khơi. Ảnh: Quang An

Hàng năm, nếu tàu thuyền bị tai nạn, tổn thất trên biển, Ban Chỉ đạo phối hợp với đơn vị bảo hiểm PJICO Nghệ An chi trả bồi thường thiệt hại, giúp cho ngư dân nhanh chóng khôi phục nghề đánh bắt hải sản. Song trong quá trình thanh toán bảo hiểm vẫn còn những khó khăn nhất định.

Theo các ngư dân, Nhà nước hỗ trợ phí mua bảo hiểm tàu thuyền từ 70% trở lên và 100% cho thuyền viên là tạo điều kiện cho họ yên tâm bám biển. Tuy nhiên, để ngư dân mặn mà với chính sách này, phía công ty bảo hiểm cần hướng dẫn, giải thích các quy định có tính nguyên tắc và tạo điều kiện thuận lợi cho bên mua bảo hiểm thanh toán khi tàu gặp nạn, hư hỏng trên biển.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 4.000 tàu thuyền đánh cá, trong đó có khoảng 1.400 tàu công suất trên 90CV, đánh bắt xa bờ với hàng chục nghìn lao động khai thác hải sản. Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã tiến hành rà soát, xét duyệt các chủ tàu đủ điều kiện tham gia chính sách bảo hiểm theo Nghị định đến năm 2016 là trên 1.325 tàu và hơn 15.000 thuyền viên; trong đó có hơn 1.300 tàu và hơn 12.000 thuyền viên được đóng bảo hiểm, với số tiền bảo hiểm Nhà nước hỗ trợ gần 17 tỷ đồng/tổng số 19 tỷ đồng.


Đừng để ngư dân “mất niềm tin”

Đã gần 1 năm trôi qua kể từ ngày tàu cá của ông Trần Xuân Dương, xóm Nam Thịnh, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) bị chìm trên biển, phải thuê tàu trục vớt vào bờ, nhưng khi nhắc đến bảo hiểm, ông vẫn không nén nổi tiếng thở dài.

Ông kể: Tháng 4/2016, thuyền của ông bị sóng gió đánh chìm trên biển, phải thuê tàu trục vớt. Mặc dù không thiệt hại về người, nhưng máy móc, động cơ bị hư hỏng nặng. Toàn bộ chi phí sửa chữa gần 30 triệu đồng. Ngay sau khi xảy ra sự cố, do đã đóng bảo hiểm tàu thuyền nên ông Dương đã lập hồ sơ để gửi lên Công ty bảo hiểm PJICO chi nhánh huyện Diễn Châu để hưởng quyền lợi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã gần 1 năm mà vẫn chưa được giải quyết, khiến gia đình cảm thấy “mất niềm tin”.

Thuyền của ngư dân Nguyễn Hữu Lượng, xã Diễn Hải (Diễn Châu) cách đây 3 tháng cũng bị gãy bánh lái, phải thuê thuyền đánh cá kéo vào bờ hết 3 triệu đồng, và thay thế bộ phận lái 10 triệu đồng. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thì phía công ty bảo hiểm (mua bảo hiểm ở công ty ngoài Hải Phòng) yêu cầu các khoản chi phí đó đều phải có hóa đơn đỏ mới giải quyết. Do thuê tàu đánh cá của ngư dân kéo về nên không thể có hóa đơn đỏ, nên không hoàn thiện được hồ sơ. “Bây giờ chỉ biết chờ phía công ty bảo bảo hiểm giải quyết, chứ đi lại mất rất nhiều thời gian”- Anh Lượng chia sẻ.

Xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) là một trong những địa phương khai thác hải sản mạnh nhất huyện. Tổng số tàu thuyền của xã tính đến tháng 2/2017 là 471 tàu, trong đó có 94 tàu có công suất trên 90CV. Hầu hết các tàu trên 90 CV đều tham gia bảo hiểm thân tàu đầy đủ, tuy nhiên, số tàu thuyền còn lại tham gia bảo hiểm còn hạn chế. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: Một số ngư dân có tàu thuyền dưới 90 CV chưa hiểu hết được những quyền lợi của việc tham gia bảo hiểm nên chưa mua dù được hỗ trợ 70%, mặt khác có những tàu thuyền hoạt động trong phạm vi ngắn, hiếm gặp sự cố nên có phần chủ quan. Hàng năm, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về những lợi ích của việc tham gia bảo hiểm để khích lệ sự tự nguyện của người dân, nhưng tỷ lệ chưa cao.

Theo thống kê, huyện Diễn Châu có 142 tàu tham gia bảo hiểm thân tàu với tổng số tiền là 809 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 628 triệu đồng, ngư dân đóng góp hơn 180 triệu đồng; có 713 thuyền viên tham gia với tổng số tiền là 213 triệu đồng và được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn. Theo ông Trần Văn Quý - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thời gian qua phòng nhận được một số ý kiến của ngư dân về việc khó khăn trong làm hồ sơ thủ tục hưởng bảo hiểm tàu thuyền.


Qua kiểm tra một số hồ sơ cho thấy, thủ tục thanh toán bảo hiểm phức tạp và rắc rối trong khi trình độ hiểu biết, nhận thức của người đi biển thường không cao nên việc thanh toán tiền bồi thường không đơn giản. Yêu cầu của phía công ty bảo hiểm là phải đầy đủ các giấy tờ liên quan, nhưng khi thực hiện, ngư dân thường vướng mắc giấy phép khai thác, hóa đơn đỏ về các chi phí sửa chữa... Trong khi đó, khi tàu thuyền gặp nạn trên biển và chưa có đơn vị hay tổ chức nào hoạt động theo mô hình công ty cứu hộ để có hóa đơn cho ngư dân nên thủ tục thanh toán bảo hiểm vẫn còn nhiều khó khăn.

Nghệ An được đánh giá là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền trên 90CV tham gia bảo hiểm thân tàu, lưới cụ cao thuộc tốp đầu của cả nước (trên 72%). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên không ít ngư dân “chưa mặn mà” với bảo hiểm tàu thuyền. Bởi vậy, bên cạnh sự vào cuộc tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương và hội nghề cá thì bảo hiểm PJICO cần kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc về hồ sơ, thủ tục để chi trả bảo hiểm đúng, nhanh gọn. Có như vậy, chính sách của Chính phủ mới tiếp tục được triển khai sâu rộng, tích cực đồng hành với ngư dân khi ra khơi đánh bắt, khai thác hải sản.

X.Hoàng - Q.An

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Bảo hiểm nghề cá - 'phao cứu sinh' cho ngư dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO