Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh - nơi lưu trữ hồ sơ chiến sĩ bị địch bắt giam trong các nhà tù đế quốc thời kỳ 1930-1945 ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh

Nguyễn Vân Anh 06/11/2024 21:17

Kho lưu trữ của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi gửi gắm niềm tin trong việc tìm kiếm thông tin của biết bao gia đình là thân nhân của những người có công với cách mạng ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ngày 15/1/1960, Đảng đoàn Bộ Văn hóa có Quyết định số 106 - QĐ/VH về việc thành lập Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngày 12/9/1963, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Kho cơ sở Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện đang lưu giữ, bảo quản gần 20.000 tư liệu, hiện vật minh chứng cho thời kỳ cách mạng anh hùng của nhân dân Nghệ Tĩnh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, phục vụ cho công tác trưng bày, nghiên cứu. Trong đó, kho cơ sở đã sưu tầm tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an được hơn 6.000 hồ sơ, gần 3.000 ảnh của những chiến sĩ ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bị địch bắt giam trong các nhà tù đế quốc thời kỳ 1930-1945.

Cán bộ Bảo tàng XVNT trong buổi lễ cắt băng khánh thành BTXVNT năm 1964
Cán bộ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trong buổi lễ cắt băng khánh thành Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1964.

Từ năm 1994 đến nay, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng đã thông qua các kênh báo chí như báo “Cựu chiến binh” trong mục “Tìm đồng đội” để tìm và xác minh đúng ngày hy sinh và nơi sinh của một số đảng viên năm 1930-1931, thông báo trên Báo Hà Tĩnh về danh sách những người có ảnh bị Pháp bắt giam để thân nhân người nhà được biết; cung cấp tư liệu cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh để làm chế độ cho người có công, các địa phương trong việc xây dựng sách lịch sử Đảng bộ xã...

Kho lưu trữ của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi gửi gắm niềm tin trong việc tìm kiếm thông tin của biết bao gia đình là thân nhân của những người có công với cách mạng ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cán bộ phòng kho của Bảo tàng luôn tạo điều kiện, phục vụ chu đáo các thân nhân đến khai thác hồ sơ, coi đó là trách nhiệm đối với những gia đình người có công. Đã có rất nhiều người tìm được hồ sơ, ảnh qua nguồn lưu trữ của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Ông Trần Văn Lợi quê huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh đã gửi đơn đến Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh với nguyện vọng tha thiết tìm lại ảnh cha là Trần Bốn Chúc và bác mình là Trần Em Chúc để thờ vì lúc cha mất thì tất cả còn rất nhỏ, không thể nhớ nổi mặt cha. Với sự giúp đỡ của cán bộ Bảo tàng, lúc nhận được di ảnh của người thân, ông vô cùng xúc động.

Ông Trần Tuyển quê huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ôm lấy ảnh cha được tìm thấy ở kho lưu trữ Bảo tàng, vừa khóc vừa nói: "Anh chị em chúng tôi, có người đã 70 tuổi mới biết mặt cha, cảm ơn Bảo tàng đã cho tôi thấy mặt cha mình”.

Những công văn, giấy giới thiệu được gửi đến Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
Những công văn, giấy giới thiệu được gửi đến Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Ông Đậu Công Dần quê ở xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đến Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh để mong tìm được thông tin về cha của mình là ông Đậu Dụ. Thời kỳ đầu của cách mạng và nhiều năm sau này, gia đình ông Đậu Dụ và con cháu đều bị xem là thành phần địa chủ cường hào. Công việc tìm ra hồ sơ rất nhanh chóng, thuận lợi. Lúc nhận được kết quả của cán bộ Bảo tàng rằng đã tìm được hồ sơ của cha mình, ông Dần không sao cầm được nước mắt. Từ hồ sơ của Bảo tàng và những người chép sử quê hương, ông Dần mới biết rõ hoạt động của cha mình. Những năm 1928-1929, ông Đậu Dụ tích cực hoạt động cách mạng ở Diễn Phong. Ông bị mật thám Pháp ráo riết theo dõi, phải đổi tên thành Đậu Giá để tiếp tục hoạt động. Ông được tổ chức Đảng phân công hoạt động ở nhiều nơi, từ Diễn Châu cho đến Đô Lương, trong đó có cả phải tranh chức làm Bang tá tổng Lý Trai huyện Diễn Châu để che chở cho cán bộ cách mạng hoạt động. Mật thám Pháp đã ghi trong hồ sơ theo dõi ông với dòng thông tin: “năm 1943 khi ra ứng cử chức Bang tá phủ Diễn Châu - bị điều tra, vì có tin tố giác là cán bộ tài chính của đảng cộng sản, đã bị mật thám Pháp truy lùng thời kỳ 1931-1932”. Chỉ khi tìm được hồ sơ tại Bảo tàng, ông Đậu Dụ mới được minh oan và được công nhận là người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945.

Trường hợp khác là gia đình bà Ngô Thị Hòe ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cũng đã tìm được hồ sơ của người thân là ông Nguyễn Văn Phong, bí danh là Nguyễn Văn Nuôi với sự giúp đỡ của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Bà Ngô Thị Hòe kể: “Theo nguyện vọng của gia đình, họ hàng đã đi tìm hồ sơ của ông ở rất nhiều nguồn, nhưng đều không tìm thấy. Cho đến khi gia đình tới kho lưu trữ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và với sự giúp đỡ của cán bộ kho Bảo tàng, gia đình mới biết rõ chân dung, có thông tin về quá trình hoạt động của ông là: Bị kết án 1 năm tù, 1 năm quản thúc (Bản án số 184 ngày 16/12/1930 của tòa án Nghệ An) vì biểu tình cộng sản”. Là người thân của ông Nguyễn Văn Phong, khi biết được tư liệu về thân nhân, bà Ngô Thị Hòe đã vô cùng xúc động.

Thời gian qua đi, những đảng viên thời kỳ 1930-1931 hầu hết đã mất, những bằng chứng lịch sử về quá trình hoạt động cách mạng cũng không còn. Có những chiến sĩ đã được lưu danh trong sử sách song cũng có những đồng chí lặng thầm hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta mà gia đình, thân thân không hề hay biết. Chính vì thế, hoạt động sưu tầm, khai thác và cung cấp thông tin, tài liệu trong hồ sơ thu được về những người hoạt động cách mạng tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bị địch bắt giam trong các nhà tù đế quốc thời kỳ 1930-1945, hiện đang lưu trữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an là một trong những hoạt động có ý nghĩa trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Đây là những tài liệu quan trọng làm cơ sở giải quyết chế độ, chính sách cho người hoạt động cách mạng theo Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW ngày 12/8/2009 của Ban Tổ chức Trung ương “Về điều kiện, căn cứ và quy trình xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 đã hy sinh, từ trần”.

Đài tưởng niệm nhà lao Vinh tại khuôn viên Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hai ảnh dưới: Trên đài tưởng niệm khắc dòng chữ thể hiện khí tiết kiên trung của những người cộng sản; Phù điêu minh họa hình ảnh đấu tranh bất khuất của chiến sĩ cách mạng, quần chúng yêu nước trong nhà lao Vinh. Ảnh: Phước Anh

Bên cạnh đó, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác “Đền ơn đáp nghĩa” bằng các hoạt động khác như: Xây dựng Đài tưởng niệm các liệt sĩ yêu nước và cách mạng bị giam cầm tại nhà lao Vinh và bia ghi danh của gần 2.000 liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931); Làm lễ cầu siêu cho anh linh các Liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh tại nhà Tưởng niệm Liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi và tặng quà các cụ lão thành cách mạng, các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; nói chuyện chuyên đề, trưng bày lưu động phục vụ lễ hội “Uống nước nhớ nguồn”, dâng hoa, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 hàng năm…

Thông qua những việc làm đó, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã góp phần tuyên truyền, giáo dục thêm lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, lòng biết ơn trước những hy sinh, cống hiến của thế hệ cha anh đi trước. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, thế hệ trẻ trên quê hương Xô viết đối với hoạt động đền ơn đáp nghĩa đang được Đảng, Nhà nước ta thực hiện.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/le-doan-suu1901-1943
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/le-doan-suu1901-1943
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh - nơi lưu trữ hồ sơ chiến sĩ bị địch bắt giam trong các nhà tù đế quốc thời kỳ 1930-1945 ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh